Dân chặn xe của Nhà máy mì xả thải “đầu độc” suối Krông Á

Sau nhiều tháng phản ánh nhưng nhà máy vẫn tiếp tục xả nước bẩn ra suối, chiều 29/3 người dân tại xã Krông Á (M’Đrắk – Đắk Lắk) đã ra chặn xe chở nguyên liệu, đồng thời đối thoại trực tiếp với lãnh đạo nhà máy về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Dân kêu trời vì suối Krông Á ô nhiễm

Gần nửa năm qua, Nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, thuộc Công ty Cổ phần XNK Bình Phước (gọi tắt là nhà máy mì Bình Phước), thuộc thôn 2, xã Krông Á, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, liên tục xả thải nước bẩn, chưa đạt tiêu chuẩn ra suối Krông Á khiến người dân trong vùng rất bức xúc.

dan-chan-xe-cua-nha-may-mi-xa-thai-dau-doc-suoi-krong-a

Anh Tuấn cho biết, ruộng lúa của mình không thể phát triển vì nước suối tràn vào.

Dẫn PV ra dòng suối đục ngầu, bốc mùi hôi thối ngay cạnh nhà, anh Bùi Văn Tuấn (33 tuổi, ngụ thôn 2) cho biết, suối Krông Á là nơi cung cấp nước chính, phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt của bà con trên địa bàn. Thế nhưng, từ tháng 9/2016, nhà máy mì Bình Phước bắt đầu hoạt động và liên tục xả nước thải bẩn ra suối.

Anh Tuấn kể: “Cứ 2 đến 3 ngày, nhà máy mì lại xả thải ra suối. Chúng tôi nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã nhưng mọi chuyện vẫn không thay đổi. Đến nay, nước suối đục ngầu, chẳng ai dám dùng để tưới cây. Bên cạnh đó, trẻ con, người già trong vùng thường xuyên bị các bệnh về đường hô hấp do mùi hôi tanh rất khó chịu bốc lên từ suối ”.

Một hộ dân khác là anh Phạm Văn Thắng (công an viên thôn 3) trao đổi thêm rằng, vào tháng 11/2016, khi thấy cá ở suối chết trắng bờ, anh xuống vớt lên rồi đem lên UBND xã Krông Á phản ánh. Sau lần đó, chân tay anh bị phồng rộp, nổi mụn đến giờ vẫn còn sẹo.

“Chẳng hiểu trong nước thải của nhà máy mì có chất gì nhưng hôi lắm! Lỡ nhúng tay chân xuống thì có rửa chanh, rửa xà phòng tới mấy cũng không sạch được. Có thể, nhà máy mì xả thải nước bẩn, chưa qua xử lý. Bởi lẽ, giờ cá ở suối đã chết sạch, cỏ cây và ruộng lúa bị nước suối tràn vào cũng không thể phát triển được”, anh Thắng chia sẻ.

dan-chan-xe-cua-nha-may-mi-xa-thai-dau-doc-suoi-krong-a

dan-chan-xe-cua-nha-may-mi-xa-thai-dau-doc-suoi-krong-a

Suối Krông Á bị nhà máy mì “đầu độc”.

Cũng theo anh Thắng, việc suối Krông Á bị ô nhiễm đã khiến bà con trong vùng rất khổ sở vì không có nước tưới cây. Hiện tại, những người có điều kiện thì phải tự đào ao, đào giếng để lấy nước. Còn lại, đa số bà con đều phải chấp nhận để cây trồng khô héo.

Ngày ngừng, đêm xả

Trao đổi với Infonet về vấn đề xả thải của nhà máy mì Bình Phước, đại diện UBND xã Krông Á cho hay, trước những phản ánh của bà con, xã đã cử cán bộ đi kiểm tra dọc suối Krông Á để nắm tình hình. Khi phát hiện dòng suối đục màu, bốc mùi hôi, xã đã mời đại diện nhà máy đến làm việc, viết cam kết không xả thải nước bẩn ra suối. Thế nhưng, vừa ký cam kết ban ngày thì ban đêm nhà máy này lại tiếp tục xả nước bẩn.

Chiều 29/3, PV đã có buổi làm việc với ông Khương Văn Phong, Trưởng Phòng TN&MT huyện Ma Đrắk. Theo ông Phong, vào tháng 9/2016, nhà máy mì Bình Phước tiến hành chạy thử. Sau đó, UBND huyện Ma Đrắk đã thành lập đoàn kiểm tra và phát hiện, hệ thống xả thải, sân phơi của nhà máy này chưa đảm bảo theo thiết kế được tỉnh phê duyệt nên đã báo cáo lên cấp trên.

dan-chan-xe-cua-nha-may-mi-xa-thai-dau-doc-suoi-krong-a

Bãi xả nước thải của nhà máy mì Bình Phước

Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng Sở TN&MT tiếp tục kiểm tra và có văn bản, yêu cầu nhà máy mì dừng chạy thử nghiệm để khắc phục, hoàn thiện những hạng mục chưa hoàn thiện nêu trên.

“Khi làm việc với lực lượng chức năng, đại diện nhà máy mì hứa sẽ thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, trên thực tế họ vẫn tiếp tục xả thải ra suối. Hiện chưa có kết quả phân tích nào để đánh giá xem suối Krông Á ô nhiễm tới đâu. Tuy nhiên, nhìn bằng mắt thường thì suối có mùi hôi, nước đục. Theo quy định, nhà máy mì này chỉ được xả thải nước loại B, tức là nước có thể nuôi cá, thả bèo được”, ông Phong cho biết.

Cũng theo ông Phong, sắp tới, UBND huyện sẽ mời đại diện nhà máy mì Bình Phước ra làm việc. “Quan điểm của huyện là phải xử lý dứt điểm, không thể để tình trạng ô nhiễm kéo dài, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con”, ông Phong thông tin thêm.

Trong chiều 29/3, PV Infonet liên hệ với ông Lê Phong Vân, Giám đốc chi nhánh Nhà máy mì Bình Phước tại Đắk Lắk để tìm hiểu thêm thông tin nhưng vị lãnh đạo này báo bận.

dan-chan-xe-cua-nha-may-mi-xa-thai-dau-doc-suoi-krong-a

Nước từ bãi xả thải theo lối này chảy ra suối Krông Á.

Tuy nhiên, trong chiều 29/3, trong 1 clip được tung lên mạng xã hội với nội dung do quá bức xúc trước thực trạng suối ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, nhiều người dân tại xã Krông Á đã ra chặn xe chở nguyên liệu của nhà máy mì, yêu cầu lãnh đạo nhà máy này phải xử lý nước trước khi thải ra suối.

Trong Clip này thể hiện người được cho là ông Vân thừa nhận xả thải và hứa với người dân nhà máy sẽ ngưng việc xả thải và khắc phục tình trạng suối ô nhiễm trong vòng 15 ngày tới. “Tôi hứa trong vòng 15 ngày sẽ ngưng nhà máy, ngưng xả để xử lý nước suối trong sạch trở lại…”, ông Vân cam kết với người dân.

Ngoài ra, trong clip này một người dân hỏi: “Nhà máy đã hoàn thiện hệ thống xả thải chưa?”. Ông Vân trả lời: “Tôi đang xây dựng”. Sau đó, người dân tiếp tục ý kiến, yêu cầu ông Vân viết cam kết và hứa sẽ không xả thải nước có mùi ra suối nữa.

Trao đổi với Infonet vào chiều 04/4, ông Trần Văn Hồng – Phó chủ tịch xã Krông Á xác nhận, ông đã xem lại clip việc giữa người dân với đại diện nhà máy mì trên mạng xã hội facebook. Theo ông Hồng, người mặc áo trắng trong clip chính là ông Lê Phong Vân – Giám đốc chi nhánh nhà máy mì Bình Phước tại xã Krông Á.

“Sau buổi làm việc, đối thoại trực tiếp với người dân hôm 29/3 vừa qua, đến nay nhà máy mì đã dừng xả thải”, ông Hồng thông tin.