Đắk Nông: Tan nát rừng ven Quốc lộ 14C

Tỉnh lộ 14C nối từ ngã ba đồn biên phòng số 8 (Quốc lộ14) huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông đi sang biên giới nước bạn Campuchia và một nhánh đi xuống huyện mới Tuy Đức của Đắk Nông. Trên quãng đường này có rất nhiều cánh rừng đang bị tàn phá khốc liệt…
Ngang nhiên phá rừng
Tỉnh lộ 14C nối từ ngã ba đồn biên phòng số 8 (Quốc lộ14) huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông đi sang biên giới nước bạn Campuchia và một nhánh đi xuống huyện mới Tuy Đức của Đắk Nông. Trên quãng đường này có rất nhiều cánh rừng đang bị tàn phá khốc liệt, trước mắt rất nhiều các cơ quan nhà nước ở đây như các đồn biên phòng của Đắk Nông, Ban quản lý rừng Đắk Nông. Gần như không ai để ý việc rừng bị phá tan hoang như thế này. Đi từ ngã ba đồn 8 vào chừng 30km, bên tay trái đường nhựa hiện ra cảnh tượng kinh hoàng: hàng trăm cây cổ thụ như chò xót, kháo, dẻ… đã bị hạ một cách không thương tiếc, có những cây phải 3-4 người ôm mới xuể, tất cả hoặc đã được vận chuyển đi hoặc đã ra thành lóng chuẩn bị được đưa ra khỏi rừng. Từng đám rừng bị phá tan hoang, loang lổ. Điều đáng nói ở đây là lâm tặc đã ngang nhiên hạ cây chỉ cách đường tỉnh lộ 14c nơi gần nhất vài chục mét. Chứng kiến cảnh tượng hàng trăm cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang, chỉ còn trơ lại gốc tạo ra những khoảng trống mênh mông trên từng quả đồi, mà chúng tôi không khỏi xót xa đau lòng.

pha-rung1

Cây rừng lâu năm bị đốn hạ không thương tiếc

Theo ghi nhận của PV, khu rừng này chắc chắn là khu rừng cấm vì có hàng chục biển treo cấm chặt phá lấn chiếm đất rừng chạy dọc theo con đường tỉnh lộ này, tuy nhiên lại không ghi tên đơn vị quản lý. Nhìn bên ngoài rừng che phủ kín như bưng. Nếu không để ý không tài nào phát hiện ra rừng đang bị phá tàn tệ và sẽ trở thành nương rẫy trong nay mai. Đây cũng không phải là rừng nghèo nhằm quy hoạch trồng cao su hay trồng rừng, bởi số lượng gỗ còn quá nhiều, đây là địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện Tuy Đức và Đắk Song.

Tìm hiểu kỹ chúng tôi được biết, việc phá rừng ngay cạnh đường Quốc lộ 14C nằm trong khu vực của Công ty TNHH MTV Thuận Tân quản lý.
Chủ rừng bất lực
Mặc dù đã được PV cung cấp các hình ảnh rất rõ nét về tình trạng phá rừng ven quốc lộ 14C nhưng ông Lê Khắc Bính giám đốc Cty TNHH MTV Thuận Tân, đơn vị được giao quản lý và bảo vệ rừng tại các tiểu khu 1127 vẫn không thể nhận ra vị trí bị phá nằm ở chỗ nào. Ông Bính thừa nhận đó là diện tích rừng của mình quản lý và than thở: “Việc quản lý bảo vệ rừng ở đây rất khó khăn, đơn vị quản lý 4.600ha rừng, chia làm 11 tiểu khu. Diện tích rừng manh mún trải dài trên 3 xã và 1 thị trấn bao gồm, Thuận Hạnh, Thuận Hà, Nâm Njang và thị trấn Đức An. Hơn nữa lâm tặc rất tinh vi dùng cưa tay cưa một nửa thân cây lớn, chỉ cần một trận gió sẽ đổ và những cây khác sẽ đổ theo, khi phát hiện ra thì rừng đã đổ rồi. Hiện nay người dân đã lấn chiếm rất nhiều đất rừng, khoảng 1000ha, chủ yếu ở hai xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, chúng tôi đã bố trí 2 đội quản lý bảo vệ rừng với số lượng 10 người trong diện tích mình quản lý, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương như công an, kiểm lâm.., tuy nhiên mục đích rất lớn của người dân cuối cùng là chiếm đất làm nương rẫy với số lượng rất đông mà lực lượng quản lý bảo vệ lại quá mỏng nên rất khó khăn trong việc ngăn chặn nạn phá rừng trái phép.

Nhắc đến vấn đề lâm tặc khai thác gỗ trái phép ngay trên phần đất của công ty, ông Bính nói thêm: “Lâm tặc rất tinh vi và hung hãn, thường lợi dụng lúc trời tối và mưa to cho xe vào rừng cắt gỗ rồi rút ra trong đêm nên rất khó quản lý. Người của công ty thường xuyên bị chống trả quyết liệt, năm ngoái có đồng chí Khương bị đánh thương tật 11% nhưng chúng tôi đề nghị khởi tố, không hiểu sao cuối cùng các cơ quan chức năng lại không khởi tố, việc xử lý thế này khiến cho chúng ngày càng coi thường pháp luật… ngoài ra khi xe của anh em chúng tôi vào rừng, dấu xe vào các bụi rậm nhưng vẫn bị lâm tặc dùng dao cắt lốp và đổ đất vào bình xăng”. Ông Bính còn cho biết thêm, đặc thù các đơn vị lâm nghiệp là không có chế tài nào cụ thể, chỉ có quyền bắt về rồi giao cho các đơn vị khác, còn việc xử lý thế nào thì không được biết, tình trạng này chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”.

Khi chúng tôi đề cập đến biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép ven quốc lộ 14C, ông Bính tỏ vẻ bất lực khi cho rằng, đã chủ trương giao rừng cho một số hộ theo chương trình 135, tức là các hộ phải chăm sóc và phát triển làm giàu cánh rừng đó. Ông Bính nói: “Chúng tôi cũng đã làm cam kết nhưng tinh thần quản lý bảo vệ chưa cao, chủ rừng lại đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước, thậm chí để mất nhiều rừng chúng tôi đã lập biên bản một số chủ rừng rồi và sẽ xử lý, nhưng hiện nay tình trạng này lại rất nhiều và rất khó cho chúng tôi”.

Một vấn đề cực kỳ phức tạp hiện nay mà theo ông Bính là rất khó giải quyết đó là rừng giao về cho địa phương, một thời gian sau hầu như mất hết, khi giao thì quỹ đất rất nhiều, nhưng khi làm công trình công cộng như nhà trẻ, hội trường thôn… lại không có`đất làm, đây là một vấn đề bất cập trong quản lý đất đai hiện nay ở địa phương.

Đề cập tới vấn đề, liệu có bàn tay nào trong đội ngũ quản lý bảo vệ rừng của công ty tiếp tay cho lâm tặc ngang nhiên phá rừng ngay cạnh đường Quốc lộ hay không? Ông Bính cho rằng, không thể loại trừ vấn đề này, cứ 3-6 tháng đơn vị phải thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ, nhằm triệt tiêu việc bảo kê cho lâm tặc.

Có một thực tế, nếu đơn vị quản lý thường xuyên, sâu sát hơn nữa thì việc phá rừng có lẽ không đến nỗi rừng bị phá như hôm nay. Tình trạng phá rừng trong diện tích quản lý của Công ty TNHH MTV Thuận Tân hiện nay là vô cùng phức tạp nóng bỏng. Người dân ngang nhiên phá rừng tràn lan theo kiểu mạnh ai nấy được, trong khi đó các cơ quan chức năng quản lý bảo vệ rừng lại tỏ ra dè dặt và tỏ ý buông xuôi. Ai sẽ ngăn chặn, xử lý tình trạng trên? – Câu trả lời xin dành cho các cơ quan cao nhất của tỉnh Đắk Nông.

Nguồn Báo Đại Đoàn Kết