Đăk Lăk: Rau an toàn Khánh Xuân loay hoay tìm lối đi

Rau an toàn Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) lâu nay đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường Dak Lak, Dak Nông và đem lại thu nhập khá cho người trồng rau ở đây. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn đang loay hoay tìm đường đến một vùng chuyên canh rau an toàn quy mô lớn.
Sống nhờ rau

Dạo quanh làng rau Khánh Xuân – nơi được coi là vựa rau của thành phố, nhịp sống ở đây như tập trung tất cả vào những luống rau xanh mướt: người tưới nước, người nhổ cỏ, thu hái rau… Rau ở đây sau khi thu hoạch được các thương lái đến thu mua tận vườn, còn lại người dân chở đi bán sỉ ở các chợ Duy Hòa, Tân An hoặc bán lẻ khắp nơi. Từ đầu năm đến nay, rau xanh sản xuất tại đây liên tục được giá, khiến người nông dân rất vui mừng. Đang lên luống đất chuẩn bị gieo vụ rau mới, bà Phan Thị Khánh (tổ dân phố 6) phấn khởi cho biết: năm nay giá rau ổn định ở mức cao hơn năm trước từ 1.000 – 1.500 đồng/kg nên thu nhập khá hơn; dịp tết vừa rồi bà thu vài chục triệu đồng, riêng lứa rau sống và rau gia vị các loại mới thu hoạch xong, bà thu gần 10 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của người trồng rau ở đây thì mùa khô nhu cầu tiêu thụ cao hơn, nên các loại rau sống ngắn ngày như xà lách, dấp cá, mùi, húng… rất dễ bán, lại được giá. Đặc biệt, các loại rau này có thể cho thu hoạch hằng ngày nên bà con có tiền trang trải cuộc sống cũng như vốn chăm sóc rau dài ngày tốt hơn.

u128_a22

 Bà Lấn chăm sóc luống cải ngồng.

Đang thoăn thoắt hớt đám rau ngò xanh tốt, bà Nguyễn Thiện Chiến (tổ dân phố 3) chia sẻ: Với 2 sào đất trồng rau, mỗi ngày gia đình thu hoạch gần 1 tạ rau các loại, trừ chi phí, mỗi tháng cũng thu nhập chừng 5 – 7 triệu đồng. Gia đình bà trồng rau từ 20 năm nay, những năm gần đây, rau được giá nên cuộc sống gia đình cũng khá lên, làm được nhà cửa khang trang, sắm tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Không chỉ có thu nhập nhờ bán rau, mà nhiều hộ còn tận dụng các phế phẩm từ rau làm thức ăn chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Phạm Thị Phương (tổ dân phố 2) cho biết, gà ăn rau là thức ăn sạch nên nhanh lớn, thịt chắc lại ít bị dịch bệnh, mỗi tháng bà thu nhập thêm từ bán trứng gà và gà thịt vài triệu đồng.

Khó khăn về vốn và thị trường

Nghề trồng rau ở Khánh Xuân có từ khoảng hơn 20 năm trước cho đến nay, do những người quê gốc miền Bắc vào đây lập nghiệp khởi xướng. Ban đầu họ chỉ trồng vài ba luống trong vườn để ăn; khi cây rau ngày càng có giá, nghề này trở thành “cái phao” thoát nghèo của nhiều người. Năm 2006, 12 hộ dân có kinh nghiệm trồng rau ở đây được ngành nông nghiệp chọn thí điểm mô hình trồng rau an toàn đầu tiên ở TP. Buôn Ma Thuột. Đến năm 2008, tổ sản xuất rau an toàn thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Hòa được thành lập với số vốn đầu tư 100 triệu đồng, vùng đất được quy hoạch gần 6 ha với mục đích giúp bà con nông dân mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó phong trào trồng rau phát triển mạnh, theo thống kê của UBND phường Khánh Xuân, ngoài tổ sản xuất rau an toàn, hiện có khoảng 1/3 hộ dân chuyển từ các loại cây trồng khác sang trồng rau. Tuy nhiên, nghề trồng rau nan giải nhất là vấn đề vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ. Ông Trần Đình Trọng, Tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn cho biết: trước đây tổ có 44 hộ tham gia, nhưng đến nay chỉ còn lại 35 hộ, nhiều hộ ngoài hợp tác xã cũng bỏ trồng rau. Theo ông Trọng, nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của nghề là bà con nông dân thiếu vốn đầu tư sản xuất theo quy mô lớn. Được biết, mới đây, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai 2 mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới với số vốn 60 triệu đồng, trong đó, dự án hỗ trợ hệ thống nhà lưới, máy tưới phun sương, phân bón… Mặc dù hai mô hình này cho kết quả khả quan nhưng không tiếp tục nhân rộng được do thiếu vốn. Bà Ngô Thị Lấn chia sẻ: Gia đình muốn đầu tư trồng rau trong nhà lưới, nhưng thiếu vốn nên phải tiếp tục trồng rau ngoài trời, không những năng suất thấp mà về mùa mưa còn thấp thỏm lo rau dập nát.

Một khó khăn lớn nữa của vùng rau an toàn Khánh Xuân là đầu ra sản phẩm. Mặc dù sản xuất theo hướng an toàn sinh học với số vốn đầu tư lớn, nhưng khi ra thị trường, giá rau ở đây bị cào bằng như các loại rau khác sản xuất theo truyền thống. Đây là thiệt thòi rất lớn với người trồng rau Khánh Xuân, khiến nhiều người không còn mặn mà với trồng rau an toàn. Trong khi đó, các thị trường giàu tiềm năng như siêu thị, bếp ăn tập thể… cũng tiêu thụ không nhiều do khả năng tiếp thị và tiếp cận của người trồng rau còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Hòa cho biết: nếu được các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật và mở rộng thị trường thì triển vọng về một vùng chuyên canh rau an toàn sẽ không còn xa.

Nguồn Đăk Lăk Online