Đắk Lắk hiện có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng, nâng công suất các cơ sở chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan hiện có.
Dây chuyền chế biến cà phê ướt của HTX Nông nghiệp ở Đắk Lắk
Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất trong cả nước nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu cà phê nhân xô còn chế biến sâu (cà phê rang xay, cà phê bột, hòa tan) xuất khẩu còn quá ít nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê trên địa bàn.
Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương cho vay ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng mới, mở rộng các cơ sở chế biến sâu cà phê có chất lượng đảm bảo tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế trong, ngoài nước đầu tư xây dựng mới các cơ sở chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan.
Tuy nhiên, do môi trường kinh doanh đầu tư của Đắk Lắk chưa được đánh giá cao nên việc thu hút mới cũng như đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện nay, chỉ mới có 145 cơ sở chế biến cà phê sâu, với tổng công suất thiết kế 32.067 tấn/năm, trong đó chỉ có vài cơ sở chế biến sâu cà phê có quy mô lớn, có thương hiệu trên thị trường trong cũng như ngoài nước như An Thái, Nam Nguyên, Trung Nguyên.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh duy nhất chỉ có 1 đơn vị có 100% vốn nước ngoài tham gia xây dựng cơ sở chế biến cà phê hòa tan, với công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm (Công ty TNHH Cà phê Ngon của Ấn Độ), còn lại là các cơ sở chế biến nhỏ, lẻ với công nghệ rang xay lạc hậu, sản phẩm cà phê bột chủ yếu tiêu dùng nội địa. Do vây, trong niên vụ qua sản lượng cà phê chế biến sâu cũng chỉ mới chiếm khoảng 5,55% trong tổng sản lượng cà phê nhân trên địa bàn.
Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, việc chế biến sâu cà phê trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân thực hiện, nguồn lực có phần hạn chế, năng lực tiếp cận thị trường còn yếu thêm vào đó chính sách của nhà nước còn nhiều bất cập nên chưa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến cà phê sâu. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đầu tư nguồn lực vào chế biến sâu cà phê…
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đưa tỷ lệ cà phê chế biến sâu chiếm từ 10 đến 15% và đến năm 2030 chiếm từ 25 đến 30% trong tổng sản lượng cà phê nhân của mỗi niên vụ trên địa bàn.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến cà phê sâu, đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng, nâng công suất các cơ sở chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan hiện có.
Tỉnh cũng hỗ trợ xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh… nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới cũng như nâng công suất các nhà máy chế biến sâu cà phê trên địa bàn.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 203.400 ha cà phê, trong đó có gần 193.000 ha cà phê cho sản phẩm, với sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên./.