Tình trạng nắng nóng, khiến cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên khô hạn ngày một nghiêm trọng. Trong đó, Đắk Lắk là một tỉnh có diện tích thiệt hại nặng nề nhất.
Công trình thủy lợi tê liệt
Đắk Lắk có 665 công trình thủy lợi tưới cho 26.000 ha lúa Đông Xuân, 48.000 ha lúa vụ mùa. 132.838 ha cà phê và 14.708 ha cây hoa màu các loại. Có 539 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích thiết kế khoảng gần 1 tỷ m3 nước, trong đó có 17 hồ chứa nước lớn ví tổng dung tích 401 triệu m3 và 523 hồ vừa và nhỏ.
Theo sở NT&PTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện các hồ chứa nước lớn trên địa bàn chưa đạt mức nước dâng bình thường. Tính đến đầu năm 2013 đạt gần 50% dung tích thiết kế, riêng hồ Ea Súp Thượng, hồ Buôn Yong đạt mức dâng bình thường, hồ Ea Kao đạt khoảng 70% và hồ Vụ Buôn 40%. Còn hồ chứa vừa và nhỏ ở các huyện như Cư M’gar, Ea H’Leo, M’Drawk, Krông Ana , Lawk, Buôn Đôn, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuật đạt mức dâng bình thường. Tuy nhiên dung tích của nhiều hồ không đảm bảo theo thiết kế lòng hồ bị bồi lắng nên khả năng phục vụ tưới hạn chế.
Hiện nay, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh này, nông dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Cả gia đình ông Ysắt B.Yă (thuộc xã Dang Kang, huyện Krông Bông) có 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng, nhưng đã gần 2 tháng kể từ khi gieo lúa không một lần được bơm nước, ông đành cho làng xóm chăn thả trâu bò . Ông Ysắt B.Yă buồn bã nói: “Không có năm nào như vậy, số diện tích 3 sào của gia đình tôi không có nước nên không thể phát triển được đành để cho trâu bò ăn. Không biết năm nay, gia đình lấy gì để ăn”. Còn anh Phạm Ngọc Văn ở xã Ea Blang có gần 2ha cà phê đang trong nguy cơ chết cháy: “Đến lần tưới hai cho cà phê, nhưng mấy tháng trời không có mưa, hồ cạn trơ đáy, không thể làm gì được”, anh Văn cho biết. Thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 7.184 ha cây trồng các loại bị khô hạn và 1.173 ha diện tích cây trồng bị mất trắng do không có nguồn nước để chống hạn. Riêng diện tích cây cà phê, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì nhiều diện tích sẽ bị cháy do không có nước tưới. Trọng điểm là các vùng trồng cà phê và có lượng mưa năm 2012 đạt quá thấp như Buôn Hồ, Krông Năng, Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin…, hiện nay 5.075 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tại Krông Bông 2.396 hộ, krông Na 1.255 hộ, Krông Pắc 1.394 hộ và Cư Mgar 30 hộ.
Tìm giải pháp chống hạn
Trước tình hình khô hạn gây gắt xảy ra trên diện rộng, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo chống hạn.
Ban chỉ đạo chống hạn đã chỉ đạo cho các địa phương ở các vùng thiếu nước sinh hoạt khuyến cáo nhân dân nạo vét giếng, thực hiện các giải pháp khắc phục nguồn nước tại chỗ để đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân và tập trung chống hạn tích cực phù hợp với điều kiện nguồn nước và tình hình sản xuất của từng vùng nhằm bảo vệ sản xuất hiệu quả. Đặc biệt tưới nước cho lúa, cà phê và tiêu. Theo ông Mai Trọng Dũng – Ban chỉ huy phòng chống lũ lụt, hạn hán thì hiện nay nhiều địa phương đã trích ngân sách dự phòng để thực hiện tại hỗ trợ chống hạn như nạo vét, hồ, kênh mương, tu sửa công trình và mua nhiên liệu bơm tưới.
Tuy nhiên nguồn nước phục vụ chống hạn để bảo vệ sản xuất cũng như phục vụ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện rất hạn chế. Các hồ chứa nhỏ đã cạn, các hồ vừa và lớn mực nước giảm đi đáng kể, xuống mức quá thấp. Theo dự báo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, tình trạng khô nóng còn kéo dài. Nền nhiệt độ trung bình nhiệt độ so với mức trung là khá cao, đặc biệt đợt nóng có thể kéo dài trong tháng 3 và tháng 4 từ 36oC-38oC. Chính vì thế nhiều diện tích cây trồng của Đắk Lắk có nguy cơ mất trắng.