Đắk Lắk hạn hán, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Hai xã Tân Hòa và Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk có gần 2.700 hộ thì trên 70% đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Tây Nguyên đang ở đỉnh điểm mùa khô. Nắng nóng kéo dài khiến mực nước ngầm cũng như nước mặt tụt sâu, nhiều giếng nước, công trình thủy lợi, ao hồ, sông suối đã khô cạn. Hạn hán trở lên khốc liệt. Tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn ha cây trồng và khiến hơn 1.500 hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Để có nước sử dụng, nhiều người dân ở xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn phải đi hàng cây số chở nước về dùng.

Hai xã Tân Hòa và Ea Nuôl có gần 2.700 hộ thì đến trên 70% đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Anh Vi Văn Định ở thôn 9, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn cho biết, nguồn nước giếng khoan duy nhất của gia đình đã cạn kiệt từ hơn 1 tháng nay. Để có nước dùng gia đình phải đi xa gần 5 km chở về sử dụng. Tuy nhiên việc xin nước không phải lúc nào cũng sẵn có.

Anh Định cho biết: “Mình cứ vào nhà dân, nhà nào có giếng nước thì xin, họ bơm lên bể mình xin về sử dụng. Xin xong cũng phải gửi tiền điện họ bơm khoảng 30.000-40.000 đồng/lần. Khu nhà tôi nhà nào chả phải đi xin nước, không thì lấy đâu mà dùng. Không có nước thì sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt bị bệnh ngoài da nhiều lắm… Nói chung thiếu nước sinh hoạt dân khổ lắm”.

Khô hạn thiếu nước sinh hoạt gay gắt không chỉ xảy ra với các hộ dân, mà nhiều trường học bán trú ở huyện Buôn Đôn cũng chịu cảnh tương tự. Cô Nguyễn Thị Cảnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng ở xã Tân Hòa cho biết, trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhà trường đã vận động các bậc phụ huynh đóng góp tiền để mua nước ăn uống cho học sinh; còn nguồn nước sinh hoạt phải đi xin từ các hộ dân trong vùng. Tuy nhiên những nguồn nước này cũng không còn nhiều, thời gian tới nếu không có mưa lớn xuất hiện thì chưa biết xử lý thế nào.

Nước ngầm tụt sâu, nhiều giếng khoan ở Buôn Đôn sâu trên 100 mét nhưng cũng không có nước.

Cô Nguyễn Thị Cảnh cho biết: “Trường đã thiếu nước sinh hoạt gần 2 tháng. Với khoảng trên 300 học sinh ăn bán trú, mỗi ngày cần sử dụng khoảng 5-6 khối nước phục vụ sinh hoạt, để có nước chúng tối phải xin nhờ của các hộ dân gần trường rồi trả phụ họ tiền điện. Nước phục vụ ăn uống phải mua, chúng tôi đã hợp đồng mua tháng để đảm bảo vệ sinh cho các cháu”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Buôn Đôn thì đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 3.000 ha cây trồng ngắn ngày bị khô cháy; hơn 1.500 hộ với trên 6.200 nhân khẩu, và hàng trăm học sinh học bán trú ở 5 điểm trường đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Buôn Đôn cho biết: “Phòng đã yêu cầu các xã rà soát lại các điểm đã có giếng khoan công cộng tu sửa để công trình hoạt động tốt cung cấp nước cho bà con sử dụng. Ngoài ra cũng cần thống kê các điểm dân cư thiếu nước cục bộ phát sinh để trình UBND huyện, Sở Nông nghiệp bố trí kinh phí khoan thêm giếng cũng như xây dựng các bể chứa nước tập trung phục vụ nhân dân. Chúng tôi cũng tuyên truyền để những người dân may mắn có nguồn nước trong lúc hạn hán chia sẻ với các hộ khó khăn khác”.

Theo kinh nghiệm của nhiều người ở Tây Nguyên, đến rằm tháng 3 âm lịch mà vẫn chưa có mưa thì hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài đến rằm tháng tư. Rằm tháng 3 đã đến cận kề, người người ngửa mặt trông mưa giải hạn.