Đắk Lắk đang tự hạ uy tín bằng cà phê dỏm

Đắk Lắk là vựa cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, nổi tiếng với những thương hiệu cà phê thơm ngon, chất lượng. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra mới đây của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản – thủy sản Đắk Lắk, các cơ sở kinh doanh, sản xuất cà phê tại đây đã tự phá bỏ thưởng hiệu của mình bằng các sản phẩm trộn đậu, bắp để giảm giá thành, “cạnh tranh” cà phê Sài Gòn.

ca_phe_1

Tình trạng này khiến nhiều loại cà phê bột trên thị trường Đắk Lắk có hàm lượng caffein quá thấp so với tiêu chuẩn 1% chưa kể chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không được các cơ sở sản xuất công bố một cách rõ ràng.

Phần lớn, các mẫu cà phê bột khi kiểm tra chỉ chiếm chưa đến 0,5% lượng caffein như cà phê bột của cơ sở Cao Thiện Phát loại Moka chỉ đạt 0,27%, loại đặc biệt: 0,3%; cà phê Đất Việt: 0,2%; cà phê Mê Việt: 0,24%; cà phê bột Hoàng An S: 0,3%… Trong quý 1/2013, Thanh tra Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đắk Lắk đã xử phạt 13 cơ sở, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cà phê bột do sản phẩm không đảm bảo chất lương, tuy nhiên thực tế cho thấy còn có rất nhiều các cơ sở vi phạm khác.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk, sau khi tiến hành kiểm tra, khảo sát 30 cơ sở sản xuất cà phê cho thấy, ngoài nguyên liệu cà phê nhân, có 73,3% số cơ sở dùng thêm đậu nành, 46,7% cơ sở dùng thêm bắp, 6,7% dùng thêm đậu đỏ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy về phụ gia thực phẩm sử dụng cho chế biến cà phê, có 80% cơ sở dùng caramel, 63,3% dùng tinh hoặc hương cà phê, 60% dùng bột va ni; 96,7% cơ sở dùng bơ các loại, 86,7% có dùng rượu, 3,3% cơ sở dùng nước mắm… Điều này dấy lên lo ngại về chất lượng cà phê quá kém, từ đó làm thương hiệu cà phê Đắk Lắk dần bị mất uy tín trên thị trường.

Ông Bùi Quang Lộc, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đắk Lắk phân tích, để cạnh tranh với cà phê Sài Gòn, một số cơ sở kinh doanh đã độn thêm các loại đậu, bắp để giảm giá thành. Mặc dù có rất nhiều cơ sở bị phát hiện sản xuất cà phê dỏm, nhưng do hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về việc kiểm nghiệm các chất phụ gia, các loại nguyên liệu khác để rang xay thành cà phê bột nên chưa thể triển khai thực hiện việc đánh giá an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cà phê bột và chất lượng thức uống pha chế từ cà phê bột tại hàng quán ở Đắk Lắk.

Trước đó, các cơ quan chức năng tại TP HCM cũng đã phát hiện, xử phạt cơ sở chế biến cà phê Thông Phát ở số 108 đường Tô Hiệu (phường Hiệp Tân, Q.Tân Phú) do sử dụng rất nhiều loại phụ gia, phẩm màu, hóa chất, đường cấm… để cho vào đậu nành rang tạo thành sản phẩm “cà phê”.

Nguồn Thanh niên