Đăk Lăk: Báo động nạn cắt trộm cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh

aTheo thống kê của Đội Bảo vệ Viễn thông Dak Lak, từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ cắt trộm cáp viễn thông, gây thiệt hại cho doanh nghiệp gần 300 triệu đồng, đặc biệt là làm gián đoạn thông tin của khách hàng và phải tốn nhiều lao động tuần tra, canh gác ban đêm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Cụ thể, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột xảy ra 13 vụ, chiếm 46,42%, đã bắt được 1 đối tượng; huyện Krông Pak xảy ra 7 vụ; huyện Ea H’leo xảy ra 1 vụ; huyện Krông Buk xảy ra 7 vụ. Đặc biệt nghiêm trọng là từ ngày 23-9 đến 10-10, trên địa bàn các xã Hòa Đông, Ea Kênh, Ea Phê thuộc huyện Krông Pak đã xảy ra liên tiếp 5 vụ, TP. Buôn Ma Thuột 1 vụ cắt trộm cáp viễn thông, lực lượng tự vệ của viễn thông Dak Lak đã tích cực tuần tra, truy đuổi nhưng rất khó bắt giữ được đối tượng. Cơ quan Công an các cấp cũng đã tích cực phối hợp xử lý, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ mới điều tra xử lý 1 vụ án với 1 đối tượng thường trú trên địa bàn xã Hòa Phú.

Hệ thống các tuyến cáp đồng viễn thông thường được kéo treo tại các vùng sâu, vùng xa, khu vực hẻo lánh, tạo cơ hội cho kẻ xấu dễ dàng thực hiện hành vi trộm cắp, mặc khác lực lượng tuần tra bảo vệ lại quá mỏng, phương án phối hợp với chính quyền và Công an xã phường chưa chặt chẽ, chưa kịp thời. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trộm cáp viễn thông còn do nhận thức của các đối tượng về tầm quan trọng an ninh quốc gia của đường truyền viễn thông còn rất hạn chế. Trên 80% đối tượng cắt trộm cắt cáp viễn thông đều có hoàn cảnh gia đình nghèo, nghiện ngập, qua theo dõi các năm 100% vụ xuất phát vì mục đích kinh tế. Trong khi đó, hầu hết những đại lý thu mua phế liệu đều viện lý do như khi đối tượng đưa cáp đến bán đã đốt cháy vỏ bọc để lấy đồng nên không thể biết được đó là cáp viễn thông mà tố cáo tội phạm.

Nghị định 126/2008-NĐ-CP ngày 11-12-2008 quy định các công trình cáp đồng viễn thông không nằm trong danh mục công trình an ninh quốc gia nên việc xử lý của các cơ quan chức năng có phần hạn chế, mức độ xử lý đối với các đối tượng vi phạm bị giảm nhẹ nên hạn chế tính răn đe, ngăn chặn.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn nạn trộm cáp viễn thông, các cơ quan chức năng (cụ thể là Sở Thông tin – Truyền thông và Công an tỉnh) cần xây dựng quy chế phối hợp về bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông và bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng trong hoạt động Bưu chính viễn thông – CNTT nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất; tổ chức truyền thông sâu rộng đến người dân về tầm quan trọng của hệ thống cáp viễn thông qua các buổi sinh hoạt tổ dân phố, thôn, buôn…; nhanh chóng thụ lý các vụ trộm cắt cáp viễn thông đưa ra xét xử lưu động; lập danh sách cụ thể đối tượng thu mua phế liệu tại các địa bàn, buộc họ ký cam kết không mua bán các loại dây điện, thiết bị điện không rõ nguồn gốc… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn cần phối hợp tuần tra bảo vệ và gắn các thiết bị báo động chống trộm để kịp thời phát hiện hành vi trộm cắp và mật phục truy bắt đối tượng.

Nguồn Bao daklak