Đắc Lắc: dân “đổ vạ” cho nhà sản xuất!

Sử dụng quá liều lượng dẫn đến việc cây bị ngộc độc phân bón song thay vì “đối thoại” để được nhà sản xuất hỗ trợ, chủ vườn măng tây ở Đắc Lắc lại vác đơn đi kiện đòi phải được bồi thường thiệt hại.

images653552_mangtay

Cây măng tây đang đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng nhưng cũng là loại cây khá khó tính- ảnh MH

Theo trình bày của bà Phạm Thị Danh ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc, bà có 1 ha măng tây chuẩn bị đến mùa thu hoạch. Do một số cây suy dinh dưỡng và không cho măng được nên bà Danh đã mua phân bón lá sinh học NH của công ty CP Thanh Hà về tưới.

Tưới đợt 1 thì cây và mầm măng tây lên rất đẹp. Tuy nhiên, khi bà tưới đợt 2 thì có hiện tượng già cây, tưới đợt 3 thì cây bắt đầu vàng và mầm măng tây nhú lên bị cong đầu và chết dần.

Bà Danh đã liên lạc với đại diện công ty Thanh Hà và được nhân viên kỹ thuật của công ty xuống kiểm tra, kết luận vườn măng bị tưới phân quá liều lượng.

Cho rằng người bán thuốc cho mình trình độ quá thấp nên hướng dẫn không kỹ dẫn tới việc người dùng phun quá liều lượng. Đồng thời nghi ngờ phân độc hại nên bà Danh đã gửi đơn khiếu kiện tới Thanh tra Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đắc Lắc cùng nhiều cơ quan báo chí.

Trong đơn khiếu nại, bà Danh đặt ra yêu cầu công ty Thanh Hà phải bồi thường cho mình và cho rằng đây chính là một bài học cho công ty Thanh Hà. Bà Danh còn yêu cầu cơ quan chức năng lấy mẫu phân bón của công ty Thanh Hà đi kiểm định chất lượng để xem có chất 2,4D trong đó hay không.

Nhận được đơn của bà Danh, Thanh Tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc đã lập đoàn kiểm tra xuống xác minh tại vườn măng tây của bà Danh. Kết quả kiểm tra cho thấy vườn măng bị “sốc thuốc” là do gia đình bà Danh bón phân quá liều lượng dẫn đến cây bị ngộ độc phân bón.

“Vườn măng chết là do lỗi của người sử dụng phun nồng độ cao hơn mức nhà sản xuất hướng dẫn, không phải lỗi của công ty Thanh Hà. Sau khi đi kiểm tra thực địa, chúng tôi đã có văn bản số 29/SNN-TTra trả lời gia đình bà Danh”, ông Nguyễn Văn Sinh- Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc khẳng định như vậy với phóng viên PLVN.

Ông Sinh cũng cho biết thêm, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc đã tiến hành lấy mẫu phân bón hữu cơ sinh học NH của công ty Thanh Hà gửi đi kiểm tra. Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ tại TP Hồ Chí Minh cho thấy các mẫu phân bón của công ty Thanh Hà bảo đảm chất lượng và nồng độ các chất kim loại nặng đều đạt ở mức cho phép.

Kết quả kiểm định của Trung tâm kiểm định và kiểm nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam cũng cho thấy các mẫu phân bón của công ty Thanh Hà không có chất 2,4D.

images653553_anh_bai__L

Phân bón của công ty Thanh Hà được cơ quan kiểm định chất lượng xác định không có hoạt chất 2,4D

Ông Sinh cũng khẳng định trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có nhiều gia đình sử dụng phân bón Thanh Hà cho các loại cây công nghiệp như cây bơ, cây tiêu, cây cà phê và trừ trường hợp gia đình bà Danh khiếu nại, từ trước tới nay chưa có trường hợp nào sử dụng sản phẩm của công ty Thanh Hà mà cây bị chết hay có vấn đề. Ngược lại “tôi đi thăm nhiều vườn sử dụng sản phẩm Thanh Hà thì đều thấy cây phát triển tốt hơn trước khi dùng”, ông Sinh nhận định.

Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Nguyễn Anh Kết- TGĐ công ty CP Thanh Hà cho biết khu vực bà Danh trồng măng tây không phù hợp vì thiếu nước. Bà Danh không những sử dụng phân bón quá liều mà còn bón thêm NPK vào sát gốc măng. Tuy nhiên dù đã có kết luận cuối cùng của cơ quan thanh tra nhưng gia đình bà Danh vẫn tung tin thất thiệt và ‘đổ vạ” cho sản phẩm của công ty gây chết măng tây với mục đích đòi bồi thường.

Chúng tôi chỉ có trách nhiệm khôi phục hiện tượng cây chết nhưng người dân lại không cho thực hiện mà bắt phải bồi thường.Quan điểm của chúng tôi là sẵn sàng hỗ trợ người sử dụng nếu như họ chẳng may sử dụng sai hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng đó là sự hỗ trợ chứ không phải bồi thường”, ông Kết nói.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng doanh nghiệp không sai, người sử dụng sản phẩm sử dụng sai không thể bắt doanh nghiệp phải bồi thường.

Việc sử dụng sai liều lượng khiến cho cây chết rõ ràng đã gây thiệt hại cho gia đình bà Danh và đây là rủi ro không ai mong muốn. Việc yêu cầu được hỗ trợ để giảm thiệt hại là mong muốn chính đáng song thiết nghĩ, quá trình giải quyết, khắc phục hậu quả này cần có sự thấu hiểu, cảm thông và “tiếng nói chung” thay vì “làm khó” nhau, khiếu kiện dai dẳng, kéo dài mà mục đích ‘cứu” vườn cây hàng trăm triệu đồng lại không đạt được.

Nguồn PLVN