Đắc Lắc: Các doanh nghiệp cà phê FDI đang làm gì?

Ngoài việc tận dụng triệt để những kẽ hở của pháp luật Việt Nam để thâu tóm vùng nguyên liệu cà phê, các doanh nghiệp FDI tại Đắc Lắc chỉ xuất khẩu cà phê thô với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp.

Vì vậy, chẳng những doanh nghiệp FDI không làm tăng giá trị cà phê như kỳ vọng, mà ngân sách nhà nước cũng không thu được gì.

fdi
Với sự xuất hiện ồ ạt của các DN FDI, cà phê VN vẫn xuất khẩu thô với giá trị thấp.

“Đại gia” báo lỗ

Doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê tại Đắc Lắc là Công ty TNHH chế biến cà phê Man – Buôn Ma Thuột (Dakman), được Bộ KHĐT cấp giấy phép năm 1995. Đây là liên doanh giữa Cty ED&FMAN VIETNAM HOLDING B.V Vương quốc Anh với một DN nhà nước là Cty TNHH MTV xuất nhập khẩu cà phê 2.9 Đắc Lắc (Simexco), tỉ lệ góp vốn 66,4% và 33,6%.

Từ năm 2008 đến nay, Dakman liên tiếp báo lỗ nên không phát sinh thuế thu nhập DN. Dễ thấy là nếu tiếp tục lỗ, Dakman sẽ trở thành DN… 100% vốn đầu tư nước ngoài như nhiều liên doanh khác tại VN. Lúc đó không chỉ mất vốn, DNVN còn mất luôn lợi thế xuất xứ, khách hàng, thương hiệu…

Ngoài Dakman, đã có thêm 7 DN và chi nhánh DN FDI được UBND tỉnh Đắc Lắc cấp giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm Cty TNHH cà phê Hà Lan Việt Nam (Nedcoffee), Cty TNHH cà phê Ngon, chi nhánh Cty TNHH cà phê Vĩnh An, chi nhánh Cty TNHH Armajaro, chi nhánh Cty TNHH Olam, chi nhánh Cty TNHH Neumann Gruppe và chi nhánh Cty TNHH Louis Dreyfus Commodities. Nếu liên doanh Dakman báo lỗ thì các DN này lách luật, lấn sân các DN trong nước mà không bị xử lý gì. Nghị định 23/2007 chỉ cho phép DN FDI mua hàng hóa qua hộ kinh doanh hoặc DN trong nước, nhưng các DN này vẫn tổ chức thu mua đến tận gốc cà phê.

Điển hình là chi nhánh Neumann Gruppe và chi nhánh Olam mua trực tiếp 125,28 tấn trong năm 2009; 226,6 tấn trong năm 2010 – số liệu do DN tự báo cáo. Các cơ quan quản lý địa phương biết rõ, nhưng rất ngại xử lý vì Luật Đầu tư không cấm DN nước ngoài mua hàng trực tiếp như Nghị định 23.

Ngân sách thất thu

Theo thống kê của UBND tỉnh Đắc Lắc, trong niên vụ 2010 – 2011, các DN FDI này đã thu mua hơn 180.000 tấn cà phê, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng cà phê của tỉnh.

Trong đó nhiều DN tăng tốc thu mua rất nhanh, thường là tăng gấp 2 – 3 lần sau mỗi năm. Điển hình như Cty TNHH ca phê Vĩnh An năm 2009 chỉ mua 4.029 tấn thì năm 2010 là 14.018 tấn, chi nhánh Armajaro là 7.096 tấn và 19.698 tấn, chi nhánh Olam là 23.936 tấn và 58.177 tấn tương ứng v.v… Đây quả là sự phát triển thần tốc.

Theo Sở KHĐT Đắc Lắc, chủ trương của tỉnh là khuyến khích DN nước ngoài chế biến sâu, làm gia tăng giá trị cà phê, tăng thu ngân sách nhà nước. Nhưng hầu hết các “nhà máy chế biến” của DN FDI chỉ thu mua, phân loại, đánh bóng cà phê hạt rồi xuất khẩu. cà phê nhân xuất khẩu là mặt hàng được hoàn thuế GTGT nên ngân sách cũng không thu được đồng nào.

Nếu một ngày, nhờ đồng vốn và nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, các DN FDI thâu tóm toàn bộ cà phê xuất khẩu của VN mà hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng, nộp ngân sách vẫn không cải thiện thì rất nguy. Ông Võ Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Đắc Lắc – cho biết, UBND tỉnh và các ngành chức năng nhận thức rõ điều này, nên sắp tới chỉ ưu tiên cho DN FDI nào đầu tư chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan, các sản phẩm có giá trị khác.

Nguồn Báo Lao Động