Khi mặt trời lặn xuống dưới chân núi xa mờ, trong bảng lảng khói bếp sương chiều, chúng tôi được nghe lời kể trầm bổng, thổn thức xen lẫn xót xa của những già làng từng dốc cạn tình yêu cho loài voi ở xã Ea Huar (Buôn Đôn, Đắk Lắk). Sợ biểu trưng của buôn làng chỉ còn trong cổ tích, họ nghĩ đến việc “cưới vợ, gả chồng” cho voi để duy trì nòi giống.
1. Đêm Buôn Đôn ven dòng Sêrêpôk, bếp than hồng rực lửa trong mái nhà sàn cổ của già Y Chút. Đôi mắt già như tạc sâu vào vách gỗ, hằn rõ nỗi đau và sự khắc khoải. Sống gần hết đời người trên mảnh đất trăm voi, từng ngạo nghễ vác súng, đeo gươm đi chinh phục đàn voi rừng về thuần dưỡng, đến một ngày phải chứng kiến cảnh voi đổ máu dưới bàn tay kẻ ác, già như chết lặng, đau đến tận xương tủy. Bao năm rồi, lòng già vẫn không nguôi trăn trở về nòi giống của voi. Ông suy nghĩ rất nhiều và đi đến quyết định bằng mọi cách phải “se duyên” cho voi, phải cho chúng “yêu nhau” để tìm kiếm một “đứa con”.
Voi Buôn Đôn là biểu tượng của văn hóa, nét đẹp và sự độc đáo của Tây Nguyên, nếu không duy trì giống nòi cho voi thì sẽ mất hết, mất tất cả, khi ấy, chúng ta sẽ mang tội với voi. Nắm được tình cảm, cảm xúc của voi, già Y Chút cho biết: “Voi rất thích ân ái nhưng phải là bạn tình ưng ý nó mới làm “chuyện ấy” và phải có một không gian riêng biệt để chúng “yêu”. Voi trong buôn làng toàn huyện Buôn Đôn bây giờ chỉ còn vài chục con, trong đó một nửa là già. Voi ít, khách không đến, Buôn Đôn có nguy cơ tê liệt ngành du lịch”.
Cặp đầu tiên già Y Chút se duyên là voi đực Y Nan và voi cái H’Pút. Đây là cặp voi mà già Y Chút theo dõi nhiều ngày mới phát hiện được tình cảm của chúng. Ông tập trung chăm bẵm thật chu đáo, có chế độ sinh hoạt riêng. Cho chúng thử ở gần nhau một thời gian xem thái độ như thế nào, có thích nhau thật sự không. Khi thấy ánh mắt chúng tình tứ nhau mới quyết định se duyên. Lễ cưới cho voi được ông cùng buôn làng tổ chức rình rang và trịnh trọng. Ông bảo: “Voi có nhiều đặc điểm giống người lắm. Nó cũng có tâm tư và sự biểu cảm. Biểu cảm cao nhất của voi là ở cặp mắt. Phải quý voi lắm mới nắm bắt được tâm tính của chúng.”
Làm đám cưới cho voi xong, già Y Chút cùng con cháu và nài voi đi vào rừng tìm không gian cho cặp vợ chồng “hưởng tuần trăng mật”. “Phòng ở” của voi là một chiếc chòi làm bằng lá cây, nằm tách biệt hoàn toàn với con người. Thức ăn, nước uống và tất cả những thứ cần thiết đều được chuẩn bị sẵn để xung quanh vị trí cặp vợ chồng voi ở.
Thời gian chờ đợi kết quả cặp voi đầu tiên, già Y Chút hồi hộp, lo lắng còn hơn cả ngày chờ đón đứa con đầu tiên của mình. Đêm ông không thể ngủ tròn giấc, hình ảnh về voi luẩn quẩn trong đầu và ông vùng dậy, một mình soi pin đi về phía rừng. Già đứng thật xa, lắng nghe hơi thở của voi, rồi lại trở về. Sau khoảng thời gian dài “mặn nồng”, cuối cùng cặp voi đầu tiên đã có thai. Dân làng vui như ngày hội, mở tiệc ăn mừng.
Già Y Chút trẻ ra mấy tuổi, ông suốt ngày ở bên cạnh voi, vuốt ve, nâng niu. Chú voi con được đặt tên là Y Vọng, với mong muốn gửi gắm niềm hy vọng vào thế hệ tương lai của loài voi. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ được hai năm, Giàng bắt Y Vọng về rừng. Y Vọng chết để lại niềm thương xót trong dân bản, già Y Chút khóc mấy ngày liền.
Không cam tâm đứng nhìn đàn voi thuần dưỡng ngày một hao hụt, nài voi Y Chung quyết định sẽ làm ông mai. Rút ra được nhiều kinh nghiệm xương máu từ tiền bối đi trước, Y Chung cẩn thận hơn, tính toán khoa học hơn.
Trước khi làm đám cưới cho một cặp voi, Y Chung tổ chức một hội nghị gồm hơn chục già làng có uy tín nhất trong vùng để lấy ý kiến thống nhất.
Khi đã chốt được phương án khả thi nhất, Y Chung bắt tay vào việc làm đám cưới. “Voi là một loài rất đặc biệt. Nếu đang chuẩn bị ân ái mà thấy bóng người là chúng bỏ đi. Voi chỉ yêu nhau khi thật sự riêng tư, dẫu chỉ là quấn quýt bên nhau cũng vậy, nghe tiếng chân người thôi là chúng đã “xấu hổ” rồi. Chỉ cần vợ chồng voi sống hạnh phúc, không ghen ghét, không xa lánh nhau đã là một thành công rất lớn. Còn việc có con thì phải nhờ Giàng chứ bà con mình không quyết định được”, nài Y Chung thổ lộ.
Cũng tại xứ voi này, Y Chung cùng các cao niên trong buôn làng đã nghiền ngẫm rất kỹ để làm đám cưới cho voi Y Khăm và voi H’Panh. Cặp voi này được thuần dưỡng và gắn bó mật thiết với các buôn làng ở Buôn Đôn đã mấy chục mùa rẫy. Mỗi lần nghe tiếng rống, tiếng hú của nhau là ánh mắt Y Khăm và H’Panh đều sáng rực, lấp lánh hạnh phúc.
Lễ cưới voi Y Khăm và H’Panh diễn ra long trọng, trên mình cả hai đều được khoác những tấm thổ cẩm thêu dệt những chú voi con tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. “Cô dâu” và “chú rể” ngạo nghễ bước đi trên con đường làng rợp bóng núi, các chú voi khác đứng chật xung quanh chúc tụng cho cặp uyên ương.
Lễ tan, Y Khăm và H’Panh được thả vào khu rừng đã khoanh vùng cách khu dân cư chừng 3km. Nhìn cảnh vợ chồng voi đắm đuối dụi vòi vào nhau, đôi mắt sũng nước vì hạnh phúc, mọi người đã tràn đầy hy vọng, chẳng bao lâu nữa sẽ chào đón một “thiên thần” voi. Bỗng một buổi chiều, có tiếng tù và dồn dập, thống thiết vọng từ rừng ra, loan báo voi H’Panh đang nguy kịch do ngộ độc thức ăn. Buôn trên làng dưới đôn đốc chạy chữa nhưng H’Panh đã không qua khỏi. Voi Y Khăm ở lại trong nỗi u buồn thê thiết.
2. Ngày đưa tiễn voi H’Panh về rừng, nỗi đau ngút ngàn như những ngọn gió giữa chốn thâm u quanh năm róng riết. Mới vui bao nhiêu thì giờ đau buồn bấy nhiêu. Họ an ủi và động viên voi đực Y Khăm rồi lặng lẽ xây mộ để thờ cúng voi cái H’Panh. Chị Y Tít cho biết: “Coi như “cô dâu” H’Panh xấu số rồi. Buôn làng ai cũng quý cặp voi này vậy mà “đứt gánh” đúng vào những ngày lẽ ra mặn nồng nhất”. Có những già làng vì quá yêu quý voi H’Panh mà hàng tháng trời cứ quẩn quanh bên mộ H’Panh rồi thẫn thờ như chim xa dời bóng núi. Cái chết của H’Panh chẳng nhẹ bẫng như gió thổi mà để lại những dấu hằn trĩu nặng.
Dời khỏi Buôn Đôn mang theo cái nhìn ẩn chứa bao nỗi niềm về voi của những con người hiền hòa, phóng túng, chúng tôi xuôi về hồ Lắk (huyện Lắk, Đắk Lắk). Ở đó có Đàng Năng Long, người được mệnh danh là phù thủy mai mối và se duyên cho các cặp voi. Ông Long hiện đang sở hữu hơn 10 chú voi và hàng ngày ông vẫn cần mẫn nghiên cứu cách để tác hợp cho chúng yêu nhau. Dành tình yêu sâu nặng cho voi, hiểu rõ nỗi buồn, niềm đau và các đặc tính của voi, ông Đàng Năng Long tiết lộ: “Tình yêu và sự ân ái giải phóng mọi u uẩn và sự nóng tính của loài voi. Voi có khát khao ân ái rất mãnh liệt, nhưng phải ở nơi kín đáo, nhất là vào mùa khô”.
Miệt mài nghiên cứu tình ý của các chú voi, đến nay, ông Long đã kết tóc se duyên cho năm cặp voi. Chúng đều ân ái và quấn quýt bên nhau nhưng vẫn chưa sinh sản được. Đó là một thách thức không nhỏ với những người sở hữu đàn voi nhà cuối cùng như ông Đàng Năng Long. Kết quả thu được trong mối lương duyên vợ chồng của voi là thay đổi được tâm tính của chúng, hạn chế được nóng nảy, giận dữ, còn lại vẫn là con số không.
Chúng tôi chợt giật mình khi cập nhật những bản báo cáo như đốt cháy ruột gan về thảm cảnh voi Tây Nguyên. Đắk Lắk là tỉnh chiếm hơn 90% số voi ở Tây Nguyên. Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cho biết, năm 1980, đàn voi của tỉnh có 502 con, năm 1990 còn 298 con và đến năm 2000 chỉ còn 96 con. Hiện nay chỉ còn hơn 50 con. Ở Gia Lai, làng voi Nhơn Hòa (Chư Sê) cũng chỉ còn trong chuyện kể. Chỉ tỉnh riêng từ năm 2010 đến nay, hàng chục voi quý ở Tây Nguyên đã bị sát hại. Thiếu không gian cho voi giao hợp nên khả năng sinh sản đang ở mức báo động.
Ông Đàng Năng Long thở dài, buồn rầu: “Khi tổ chức cưới cho voi xong, điều kiện bắt buộc để chúng ân ái hiệu quả nhất phải là không gian rừng rộng mở, với bạt ngàn cây to. Thế nhưng rừng Tây Nguyên ngày càng cạn kiện, chẳng biết mai này có còn không gian cho các cặp voi tìm cảm hứng để “yêu” và có những đứa con?”.