Với diện tích tự nhiên 82.443 ha, trong đó, gần 70% là đất đỏ Bazan, huyện Cư M’gar có điều kiện thuận lợi để phát triển cây cà phê. Thời gian gần đây, địa phương đang đẩy mạnh phát triển cà phê theo hướng bền vững.
Chuẩn hóa những vườn cây
Xác định cà phê là cây trồng chủ lực, Huyện ủy Cư M’gar đã triển khai thực hiện Chương trình số 14 – CTr/HU về phát triển cà phê bền vững giai đoạn 2011 – 2015 và đã xây dựng thành công những mô hình sản xuất cà phê bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 9.081 hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững với diện tích 15.071 ha (chiếm 45% diện tích cà phê toàn huyện), sản lượng đăng ký hằng năm ước đạt 52.000 tấn. Đặc biệt, huyện đã hình thành các tổ chức kinh tế tập thể tham gia sản xuất cà phê bền vững có thông tin chứng nhận như HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kiết, HTX Dịch vụ nông nghiệp thương mại Công Bằng Cư Dliê Mnông, Liên minh sản xuất cà phê bền vững Quảng Hiệp và hơn 48 câu lạc bộ sản xuất cà phê bền vững ở các xã, thị trấn. Trong đó, Dự án sáng kiến sản xuất cà phê bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam được triển khai tại xã Quảng Tiến từ năm 2012 với 200 hộ tham gia trên tổng diện tích 400 ha đã cung cấp bộ công cụ giúp nông dân trồng cà phê ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó tăng khả năng phục hồi, thích nghi và quản lý rủi ro. Hiện Dự án đang được triển khai mở rộng tại các xã Cư Suê, Ea Kpam, Cư M’gar, Ea H’đinh với 750 hộ sản xuất cà phê. Song song với đó, huyện còn triển khai tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ men vi sinh sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp với hơn 3.000 tấn phân/năm. Ông Trương Bảy, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện đánh giá, hiệu quả lớn nhất của dự án là thay đổi nhận thức của người nông dân về vai trò của phân hữu cơ trong việc phát triển sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Bà con đã ý thức được rằng, vườn cây cho năng suất 2 – 3 tấn cà phê/năm thì cần phải bổ sung một lượng dinh dưỡng cần thiết để bù đắp cho đất.
Theo thống kê của Phòng NN – PTNT huyện, địa phương hiện có 36.000 ha cà phê, tuy nhiên khó khăn trong sản xuất hiện nay là đa số các vườn cây đều trồng trước năm 2002 bằng giống cà phê thực sinh không chọn lọc, nên năng suất thấp, kích thước quả không đồng đều, chín không tập trung gây khó khăn cho việc thu hái, chế biến. Một số diện tích trồng trên đất không phù hợp dẫn đến thiếu nước tưới vào mùa khô, chất lượng chưa cao.
Hướng đến sản xuất cà phê bền vững
So với mặt bằng chung toàn tỉnh, Cư M’gar là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển cà phê bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nông dân vẫn canh tác theo thói quen cũ, lạm dụng phân bón vô cơ vượt quá mức khuyến cáo từ 15 – 20% (bình quân 2,5 tấn/ha); ít quan tâm đến bón phân hữu cơ; phương pháp bón chủ yếu theo mưa (rải trên bề mặt chứ không chú ý đến biện pháp bón vùi trong đất nên gây thất thoát, lãng phí); chủ yếu sử dụng phương pháp tưới dí với mức 400 – 600 lít/gốc/lần (khuyến cáo 200 – 300 lít/gốc/lần); lạm dụng thuốc trừ cỏ để làm sạch vườn cây, bờ lô. Đến mùa thu hoạch, do lo ngại bị mất trộm nên nhiều nông dân vẫn còn thu hái quả xanh, tỷ lệ chín đạt thấp. Đặc biệt, tỷ lệ cà phê chủ yếu do các nông hộ quản lý nên khi thu hoạch đa số được phơi khô sau đó xát dập đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng hạt cà phê… Do vậy, huyện khuyến khích người dân xây dựng nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, hiệp hội để thực hiện các dịch vụ đi kèm như bảo vệ vườn cây mùa thu hoạch, chế biến ướt, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất.
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết, so với quy hoạch (28.000 ha) thì diện tích cà phê hiện tại của huyện đã vượt rất nhiều, trong đó, cà phê kiến thiết cơ bản 1.043 ha, tái canh 394 ha, già cỗi kém năng suất 354 ha. Từ nay đến năm 2020, huyện sẽ tập trung chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, không đủ nước tưới, có độ dốc cao hơn 15 độ sang trồng các loại cây khác để ổn định diện tích ở mức 30.000 ha, sản lượng 80.000 tấn nhân xô/năm, thâm canh tăng năng suất 2,8 – 3 tấn nhân/ha; đẩy mạnh phát triển diện tích cà phê có chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ nguồn gốc; vận động bà con sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, bảo đảm đúng khoa học, kỹ thuật, đúng tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng IPM (quản lý sâu bệnh hại tổng hợp) vào phòng trừ sâu bệnh; đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cây bằng việc trồng xen các loại cây ăn quả để che bóng, chắn gió, cải thiện môi trường sinh thái và giảm áp lực nước tưới cho mùa khô, giảm thiểu biến động thời tiết, sâu bệnh và phát triển vườn nhân chồi giống ở các vùng chuyên canh cà phê để cung cấp đủ giống tốt và dịch vụ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cho người trồng cà phê.