Công ty nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đầu tư ngoài ngành

Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhà nước do đầu tư dàn trải ở những lĩnh vực ngoài giấy phép kinh doanh.

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo kết quả giám sát tài chính tại các DN nhà nước thuộc đơn vị quản lý. Qua đó, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco) gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Theo kết luận của UBND tỉnh, việc thất thoát là do Dakruco thực hiện đầu tư dàn trải ở những lĩnh vực ngoài giấy phép kinh doanh.

Trong đó, Cụm Dịch vụ khách sạn Dakruco được xây dựng trên diện tích 3,6 ha bao gồm 1 khách sạn quốc tế 4 sao, 1 khách sạn 3 sao và trung tâm tiệc cưới… Sau 6 năm hoạt động đến nay dự án âm vốn hơn 122 tỷ đồng.

Ngoài ra, Dakruco còn tham gia góp vốn 15 tỷ (35,29%) thành lập Công ty CP Chỉ thun Đắk Lắk và 12 tỷ đồng (28,24%) Công ty CP TM&DV Bản Đôn. Sau đó, đơn vị này còn rót 135,5 tỷ đồng vào Công ty chỉ thun với danh nghĩa cho vay.

DSC_0027
Cụm khách sạn Dakruco sau 6 năm hoạt động đã lỗ 122 tỷ đồng. Ảnh: M. Q.

Từ khi thành lập đến hết năm 2014, Công ty Chỉ thun đã thua lỗ hơn 90 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 80% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp.

Còn Công ty CP TM&DV Bản Đôn tính đến thời điểm ngừng hoạt động (cuối năm 2013) lỗ 26 tỷ đồng. Trong đó, Dakruco đã mất trắng số vốn đầu tư.

Hiện, khu du lịch không được sử dụng nên nhiều hạng mục được đầu tư hàng chục tỷ đồng hư hỏng, xuống cấp. Hơn 1.300 ha rừng của Nhà nước giao cho Dakruco quản lý bị chặt phá vì không có người bảo vệ.

Để khắc phục những sai sót trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo tái cơ cấu Dakruco và thu hồi các khoản đầu tư thất thoát.

Theo đó, để thu hồi tài sản tại Công ty CP TM&DL Bản Đôn, Dakruco sẽ thoái vốn toàn bộ.

Tuy nhiên, UBND tỉnh cho biết việc tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng trong điều kiện hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, tỉnh chấp nhận lỗ, chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực và cho bên mua trả dần trong thời gian dài, ưu đãi về lãi suất… Nhưng sau 2 năm vẫn chưa có đơn vị nào mua lại công ty này.

Còn tại Công ty Chỉ thun, Dakruco được phép khoanh nợ, không tính lãi đối với khoản đầu tư 135,5 tỷ đồng.

Ngoài hai dự án trên, Dakruco cũng chuyển nhượng 1.600 ha cao su tại tỉnh Kon Tum với giá 125 tỷ đồng, trong khi giá trị đầu tư 219 tỷ. Như vậy, sau khi bán Dakruco làm mất vốn nhà nước hơn 94 tỷ đồng.

Liên quan đến Cụm Dịch vụ khách sạn Dakruco, UBND tỉnh cũng có văn bản cho định giá tài sản, tìm đối tác để chuyển nhượng toàn bộ. Nhưng đến nay, Dakruco vẫn chưa bán được, phải duy trì hoạt động, mỗi năm đơn vị này lỗ thêm hàng chục tỷ đồng.

Đại tá Cao Thành Vinh – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã kết luận sai phạm tại Công ty CP Chỉ thun Đắk Lắk. Sau khi có kết luận, Phòng đã có kiến nghị UBND tỉnh xử lý.

“Liên quan đến Công ty CP TM&DV Bản Đôn đến nay vẫn đang tiếp tục xác minh, làm rõ”, đại tá Vinh thông tin.

Nguồn News.zing.vn