12 cán bộ công tác lâu năm trong các lĩnh vực chuyên môn như: Văn phòng – Thống kê; Địa chính – Xây dựng; Tư pháp – Hộ tịch; Văn hóa – Xã hội tại các xã thuộc huyện M’Đrăk rất bức xúc vì bỗng dưng nhận được thông báo phải đi thi tuyển công chức. Các cán bộ đã gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện cho rằng, đương nhiên họ đã là công chức thì tại sao lại phải đi thi tuyển công chức.
Thông báo đi thi công chức cấp xã của huyện M’Đrăk.
Chúng tôi đến M’Đrăk, chứng kiến nhiều cán bộ cấp xã bức xúc, kéo đến trụ sở UBND huyện khiếu nại về việc nhận được thông báo đi thi công chức.
Anh Lương Xuân Bá, đang công tác tại xã CưPrao, huyện M’Đrăk cho biết: “Tôi đã công tác tại xã CưPrao hơn 20 năm.Vị trí tôi làm việc là cán bộ kế toán. Hiện tôi đang hưởng mức lương A0, hệ số 3,34. Theo Pháp lệnh Công chức năm 2003, đương nhiên chúng tôi đã là công chức. Tuy nhiên, UBND huyện lại có thông báo cho tôi đi thi công chức là điều khó hiểu và bất hợp lý. Tôi không chấp nhận và đã gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện M’Đrăk để được giải quyết”.
Anh Nguyễn Văn Trung, cán bộ văn hóa xã EaLai, huyện M’Đrăk chia sẻ: “Tôi công tác tại xã EaLai đã hơn 17 năm rồi. Năm 2008, tôi được UBND xã EaLai tuyển dụng và giao giữ chức vụ chuyên môn là cán bộ văn hóa, được xếp ngạch lương công chức. Tôi cũng đã được địa phương cử đi học đại học, có bằng Đại học Văn hóa và được xếp nâng lương công chức theo định kỳ. Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Nghị định 114 về Cán bộ công chức cấp xã năm 2003 của Chính phủ thì tôi đã là công chức. Việc UBND huyện bỗng nhiên có thông báo yêu cầu tôi đi thi công chức là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật”.
Còn chị Dương Thị Lệ Xuân, cán bộ kế toán công tác tại xã EaTrang, huyện M’Đrăk giãi bày: “Cách đây 20 năm, thế hệ như chúng tôi đều được tuyển dụng thông qua xét tuyển, được bổ nhiệm và giao giữ các chức vụ chuyên môn tại các xã. Theo quy định thì là công chức rồi. Việc UBND huyện bỗng dưng có thông báo cho chúng tôi phải đi thi công chức là điều vô lý. Những người công tác tại địa phương đã mấy chục năm, có người sắp về hưu nhưng có thông báo đi thi công chức thì thật nực cười”.
Ông YLốp Niê, Chánh Văn phòng UBND huyện M’Đrăk thừa nhận: “Hiện nay, UBND huyện M’Đrăk đã thông báo cho 21 cán bộ đã được giao giữ các chức vụ Địa chính – Xây dựng; Tài chính – Kế toán; Tư pháp – Hộ tịch; Văn hóa – Xã hội thực hiện thi tuyển công chức năm 2017 theo kế hoạch của địa phương. Có 12 cán bộ các xã có đơn khiếu nại, kiến nghị đến UBND huyện về việc thi tuyển công chức. Số đơn khiếu nại, kiến nghị trên, UBND huyện đã giao cho Thanh tra huyện giải quyết”.
Ông Hồ Tuấn Anh, Trưởng phòng Nội vụ huyện M’Đrăk lại cho rằng: “Hiện nay, 21 cán bộ đang công tác tại các xã trên địa bàn huyện yêu cầu công nhận họ là công chức là chưa có căn cứ”.
Khi phóng viên hỏi, trong các quyết định mà Chủ tịch UBND huyện xếp ngạch lương cho 21 cán bộ cấp xã nêu trên đều công nhận họ là công chức và xếp ngạch lương công chức là thế nào? Ông Hồ Tuấn Anh giải thích: “Việc xếp ngạch lương, bậc lương công chức chỉ là căn cứ để trả lương mà thôi”. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng thừa nhận trong vấn đề nêu trên đã có “lỗi hệ thống”.
Tại Thông báo số 177/TB-UBND ngày 6/7/2018, có nêu kết luận của ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’Đrăk, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức cấp xã tại buổi đối thoại với 12 công dân có đơn đề nghị, kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác tuyển dụng công chức cấp xã năm 2017: “Hiện nay, UBND huyện chưa có căn cứ xác định 12 công dân có đơn đề nghị, khiếu nại là công chức cấp xã”.
Văn bản trên còn nêu: “Các trường hợp trên chưa được xác định là công chức cấp xã, do vậy, không được hưởng trợ cấp công vụ theo quy định tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ”.
Cũng tại văn bản trên kết luận của ông Hòa Quang Khiêm nêu: “Trong quá trình xây dựng phương án tuyển dụng, UBND huyện đã xem xét ý kiến của các cấp có thẩm quyền; xét thấy, việc tuyển dụng công chức cấp xã theo hình thức thi tuyển là hợp với tình hình thực tế địa phương. Quá trình xây dựng phương án đã thực hiện chặt chẽ các bước và được Sở Nội vụ phê duyệt”.
Cán bộ các xã thuộc huyện M’Đrăk trình bày các vấn đề bất cập với PV.
Thế nhưng, theo Pháp lệnh Công chức số 11/2003/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2003 tại Điều 1, Khoản h quy định: Cán bộ, công chức quy định tại Pháp lệnh này là công dân Việt Nam, trong biên chế, bao gồm: h) Những người được tuyển dụng, giao giữ một chức danh chuyên môn nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã.
Tại Điều 2, Khoản 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn như sau: Công chức cấp xã bao gồm: a) Trưởng ban công an; b) Chỉ huy trưởng quân sự; c) Văn phòng – Thống kê; d) Địa chính – Xây dựng; đ) Tài chính – Kế toán; e) Tư pháp – Hộ tịch; g) Văn hóa – Xã hội.
Căn cứ Pháp lệnh Công chức số 11/2003/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2003; Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 áp dụng đối với 21 cán bộ đang công tác tại các xã thuộc huyện M’Đrăk thì các cán bộ trên đương nhiên đã là công chức. Việc UBND huyện ra thông báo yêu cầu 21 cán bộ xã phải tham gia thi tuyển công chức liệu có xác đáng.
Liên quan đến các khiếu nại của 12 cán bộ cấp xã đến UBND huyện M’Đrăk, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo và Chủ tịch UBND huyện M’Đrăk Hòa Quang Khiêm đã ra thông báo tạm hoãn việc tổ chức thi công chức cấp xã năm 2017, để giải quyết những vấn đề tồn tại.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.