Sau nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre…, nay đến lượt cà phê Buôn Ma Thuột bị thiên hạ mang đi đăng ký và sở hữu nhãn mác thương mại. Tạm bỏ qua sự ranh ma của người bên ngoài, chúng ta phải tự hỏi với nhau rằng: liệu sự việc trên rồi có diễn ra với hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long, hạt tiêu Gia Lai, hạt điều Bình Phước, cọng rau ở Đà Lạt, đọt trà ở Thái Nguyên…?
Sau này ta sẽ còn mất những thương hiệu nào nữa?
Không phải vùng đất nào cũng nổi tiếng và cây trái ở đâu cũng có “thương hiệu”, chất lượng và giá trị được thừa nhận. Đất nước nông nghiệp, theo nhiều kiếp đời đi qua cùng với sự lao lực miệt mài của người nông phu mới hình thành những vùng cây trái danh tiếng, định vị được thương hiệu cho nông sản mà hương thơm có thể tỏa ra được ngoài lãnh thổ. Cho đến bây giờ, số sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như thế nào phải nhiều nhặn. Nhưng trong thế giới tiêu dùng ngày nay, đến giày dép mà người ta còn xem trọng thương hiệu huống chi thực phẩm, những thứ cho vào bao tử. Vì thế, thương hiệu nông sản hẳn phải là tài sản quốc gia.
Những ngày qua, hàng vạn nông dân luôn thầm lặng với rẫy vườn ở Buôn Ma Thuột làm sao không có những tâm tư. Hàng ngày họ đã tự bơi trên ruộng vườn của mình để tạo ra từng hạt lúa, quả thanh long, trái điều… và còn có thể đổ thêm mồ hôi để hoa trái càng trở nên ngon hơn, tốt lành hơn. Nhưng nông dân không thể tự đi bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm làm ra hay lường định được đạo lý làm ăn ở không gian thương mại toàn cầu… Họ đóng thuế để nuôi hệ thống chính quyền cùng các cơ quan hữu trách lo việc đó cho mình. Thời bình, công việc chính là phát triển kinh tế, tranh đua thương mại, không dồn thời gian và công sức cho những việc này thì làm gì?
Địa phương nào sở hữu được những thứ nông sản có giá trị, uy tín mà không nâng niu, chăm sóc chu đáo là có tội với nông dân, cũng như bỏ quên niềm tự hào cho xứ sở. Chỗ nào không đọc ra được xu thế, mánh thói, trật tự, đặc thù của nền bán buôn thế giới ngày nay để có thể đi trước, đón đầu, phản xạ đủ nhanh sẽ được nhận xét là gì nếu không phải non kém, hoặc thiếu trách nhiệm.
Gần 100 năm trước, học giả Phan Kế Bính, một trí thức có tư tưởng duy tân dân tộc, đã chỉ ra điểm yếu của việc bán buôn ở xứ ta là hàng hóa không có thương hiệu. Chẳng lẽ điều ấy lại vẫn tồn tại mãi đến bây giờ!
Chúng ta vẫn còn là quốc gia nông nghiệp, canh nông hãy còn là thế mạnh mà không giữ nổi những sản phẩm nông nghiệp thì còn giữ được cái gì đây?
Hiepcoi