Con đường nghìn tỷ chỉ để… ngắm và chờ người đi

Sau hơn 2 năm hoàn thành, N5 – con đường đẹp nhất Tây Nguyên, dài gần 19km với từ 6 – 8 làn xe, nối liền đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum vẫn trong tình trạng nằm chờ người và phương tiện giao thông.

u128_c

Con đường đẹp nhất Tây Nguyên chỉ để phục vụ bà con đi rẫy (Ảnh: TPO)

Mặc dù có thể tận dụng con đường đẹp đẽ, vắng vẻ này làm sân phơi sắn, người dân địa phương vẫn không khỏi xót xa, khi khoản tiền đầu tư gần nghìn tỷ đồng dường như đang bị lãng phí.

Nếu không có biển báo giao thông, không có vạch sơn, dải phân cách cứng, những đặc trưng cho biết rằng đây là một con đường, có lẽ không ít người sẽ nhầm tưởng nó là một công trình gì khác. Sự nhầm lẫn này là dễ hiểu, vì ngay điểm đầu tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh, con đường rộng tới 40 – 50m, chia thành 8 làn xe với bồn hoa, cây cảnh đẹp đẽ nhưng không dùng để đi, mà đang được người dân sử dụng làm bãi phơi mì, nơi đậu đỗ, sửa chữa ôtô.

Con đường đẹp nhất Tây Nguyên này nằm ở phía Bắc thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, trong gói dự án phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y của tỉnh Kon Tum. Gần 1.000 tỷ đồng đã vội vã được đổ xuống, hình thành con đường với viễn cảnh phá thế độc đạo, giảm áp lực lưu thông cho quốc lộ 40 lên cửa khẩu.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm hoàn thành, con đường này hầu như chưa có phương tiện qua lại. Lượng xe và người từ các nơi lên cửa khẩu đều chọn đi qua quốc lộ 40. Sự vắng lặng của con đường N5 hiện đại khiến không ít người xót xa.

Hiện tại, bên cạnh việc phục vụ số ít bà con ở thị trấn Plei Kần đi làm nương, làm rẫy, làm sân phơi nông sản, con đường nghìn tỷ này cũng có thêm chức năng nữa là nơi… tập lái ôtô, xe máy. Nhiều vòng cua số 8 được vẽ ngay giữa đường làm nơi tập xe, mà chẳng sợ ảnh hưởng tới giao thông.

Cõ lẽ, chỉ còn số công nhân thuộc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng, thuộc Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum, những người trực tiếp hàng ngày chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trên tuyến đường này là có ý thức rõ nhất về tầm quan trọng của con đường. Một công nhân cho biết, nhiều khi người dân xả rác thải ra đường, cống rãnh, làm tắc cống.

Sự đầu tư quá nhiều tiền của cho một con đường quá to, quá đẹp nhưng quá ít người đi ở Kon Tum đang gây ra những phản cảm và bức xúc trong cử tri địa phương. Người am hiểu thì than do khâu quy hoạch không tốt. Người học ít thì chép miệng… lãng phí.

Còn riêng đối với ông Đàm Văn Cường, Thôn trưởng thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, nơi con đường đi qua có tâm sự khác. Ông bức xúc và cả khó xử với người dân trong thôn vì chính mình đã tuyên truyền, vận động người dân giải phóng 5 ha cao su phục vụ cho việc làm đường. Tuy nhiên đến nay, những lời hứa như là cấp đất sản xuất nơi khác, chuyển đổi ngành nghề vẫn chưa thấy đâu!

Kon Tum là một tỉnh nghèo, có tới 2 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 30a của Chính phủ. Hệ thống giao thông còn khó khăn, nhiều xã ôtô không đến được trong mùa mưa. Cử tri địa phương đặt câu hỏi: Liệu có thỏa đáng khi đầu tư một con đường dài chỉ hơn 18km với cả gần nghìn tỷ đồng để rồi để ngắm và nằm chờ người đi?./.

Nguồn VOV