Chuyên gia văn hóa nói gì về tục nối dây của người Ê Đê?

“Dầm sàn gẫy thì phải thay, giát sàn nát thì phải thế, chết người này phải nối bằng người khác”, tục nối dây (Juê Nuê) của đồng bào Ê Đê quy định rõ như thế. Nhiều người bảo tục này lạc hậu, cần loại bỏ. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu văn hóa lại cho rằng đây là tập quán nhân văn.

edejpg_HNHU.gif

Rượu cần Ê đê ngày lễ.

Gian nan tìm “Nuê”

Già H’Doen MLô (60 tuổi, xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) cho biết: Juê nuê có nghĩa là nối, để chỉ người vợ (hoặc chồng) thay thế. Với người Ê đê, gia đình được xem là một tổ ấm.

Bố mẹ chính là nguồn sống, là nơi nương tựa cho những đứa trẻ. Khi một trong hai mất đi, việc tìm cho những đứa trẻ bất hạnh ấy một người để nuôi dạy chúng là điều cần thiết.

Thường trước khi di quan một ngày, người ta phải thông qua ý kiến này trước dòng họ, còn việc được chấp nhận hay không và sẽ chấp nhận với đối tượng nào, điều đó lại phụ thuộc vào người góa. Dĩ nhiên người góa phải thật sự xứng đáng là người mẹ, người cha của những đứa trẻ khi dòng họ tìm cho một Nuê.

Chị gái của bà H’Doen là bà H’Dim Mlô sinh được 2 người con, bị bệnh nặng qua đời. Bà H’Doen phải nối dây với anh rể, nhưng anh rể có tình cảm với một người đàn bà khác. Vì thế bà H’Doen thay chị gái chăm sóc nuôi dạy hai đứa con của chị gái để anh rể đi tìm hạnh phúc riêng.

Ông Y Bhiao M’lô, buôn trưởng buôn Tring (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết: Cuộc sống hiện tại tiến bộ hơn xưa về tính tự nguyện trong hôn nhân của tục nối dây.

Theo luật tục, người được họ hàng chọn lựa để kết hôn với chị/em vợ hoặc anh/em rể có thể từ chối cuộc hôn nhân nếu cảm thấy không phù hợp với mình.

Thay vì lấy anh rể, cô gái hoặc gia đình cô sẽ nuôi dưỡng những đứa con của chị gái để anh rể đi tìm hạnh phúc mới. Và người anh rể phải để lại toàn bộ tài sản và con cái mà trước đó hai vợ chồng gây dựng được cho gia đình bên vợ.

Bà H’Len (45 tuổi, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) khi chồng mất, lẽ ra em trai chồng là anh Y Nghiêm (30 tuổi) phải nối dây thay anh trai. Nhưng Y Nghiêm lại yêu chị H’Tâm cùng huyện.

“Để cưới người con gái mình yêu, tôi và H’Tâm phải đi vay 20 triệu nộp đủ cho gia đình nhà chị dâu sau đó mới được tổ chức lễ cưới nếu không sẽ bị phạt. Những năm trở lại đây, tục Juê Nuê đổi khác nhiều, không hà khắc như xưa”, Y Nghiêm cho biết.

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, Trưởng bộ môn Ngữ văn khoa Sư phạm, kiêm Phó giám đốc trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Trường đại học Tây Nguyên nhận xét: “Lâu nay, nhiều người nhìn nhận, đánh giá một chiều, chưa hiểu hết nội hàm cũng như giá trị nhân văn của tục nối dây.

Luật tục Juê nuê không lạc hậu, ấu trĩ mà mang tính nhân văn rất cao trong việc bảo vệ sự bền vững trong hôn nhân, đồng thời bảo vệ quyền lợi bên dòng mẹ, cũng có nghĩa bảo vệ quyền lợi của những đứa trẻ.

Nếu chẳng may chị gái mất thì em gái tự nguyện nuôi con của chị mình, coi đó là nghĩa cử với người đã khuất, đảm bảo tuyệt đối quyền lợi của trẻ về vật chất lẫn tinh thần.

Tiến sĩ Tuyết Nhung dẫn chứng từ chính gia đình mình: “Khi bố cô mới biết bò thì bà nội mất, ông nội của cô đã kết hôn với em gái của vợ, bà đã chăm sóc, yêu thương các con của anh rể và chị gái như con đẻ của mình. Bà nội của cô là người bà nối dây của ông nội”.

Nối dây tự nguyện

Theo đồng bào Ê Đê, trong tộc mẹ, những người phụ nữ luôn xem những đứa con của các chị, em gái ruột hoặc chị, em gái họ hàng như con đẻ.

Việc người phụ nữ trong dòng họ của vợ chấp nhận làm vợ Nuê không những xuất phát từ tình yêu thương với người góa kia mà còn có trách nhiệm và tình thương đối với những đứa trẻ bất hạnh, mang lại hạnh phúc cho con cháu, dòng họ và gìn giữ truyền thống mẫu hệ.

Tiến sĩ Tuyết Nhung kể: Khi Juê Nuê, người chồng được phép lấy chị hoặc em gái trong dòng họ của vợ khi vợ mất, người vợ được phép lấy anh hoặc em trai trong dòng họ của chồng khi chồng chết.

Cuộc hôn nhân mới sẽ đem lại cho những đứa trẻ mất cha, hoặc mất mẹ sự nuôi dưỡng ân cần và chu đáo từ chính người có chung dòng máu với cha hoặc mẹ chúng. Người còn sống sẽ có nơi nương tựa để tiếp tục nối dòng, cũng như bảo đảm sự nguyên vẹn tài sản đã gây dựng nên.

ba_h_lil_gi_a_dang_noi_endz
Bà H’Lil (thứ hai từ trái sang) đang nói về tục nối dây của người Ê Đê.

Bà H’Lil Niê Kđăm, ở buôn Tring chia sẻ: “Tục nối dây của người Ê đê biến chuyển linh hoạt theo thời thế, khác xưa. Trước đây, người con gái rất nhỏ tuổi cũng có thể bị ép kết hôn. Ngày nay phải dựa trên sự tự nguyện của hai bên.

Nếu người góa đã đứng tuổi mà người thay thế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu làm vợ (chồng), thì người góa phải có trách nhiệm nuôi nấng, dạy bảo Nuê như một đứa trẻ bình thường khác, và che chở, chờ đợi Nuê, để khi trưởng thành Nuê đồng ý nhận nhiệm vụ nối tiếp giống nòi. Nếu em gái không chịu lấy anh rể, thì anh rể có quyền lấy vợ nơi khác. Đây là sự tiến bộ rất nhiều so với ngày xưa”.

Bà H’Lil nêu ví dụ về trường hợp dì của bà: Bà H’Grâo Niê (48 tuổi), chưa lập gia đình. Sau khi người chị con bác qua đời, bà đã lấy anh rể, tự nguyện chăm sóc các con của anh chị. Sau hai năm chung sống, hai ông bà có với nhau một cô con gái và sống hạnh phúc.Hiện nay, trong hôn nhân của đồng bào Ê đê, tục Juê nuê vẫn còn tồn tại và được bà con áp dụng ở mức độ khác nhau, nhưng luôn dựa trên nguyên tắc một vợ một chồng, tự nguyện.

Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nối dây mà đôi bên đều vui vẻ chấp nhận, tự nguyện thì nên khuyến khích bởi đạt được mục đích nhân văn, để chăm sóc cho những đứa trẻ không cha, hoặc không mẹ, nhưng nối dây không phù hợp với lứa tuổi thì nên bỏ”.

Nguồn Tienphong.vn