Theo kế hoạch, đến năm 2020, Tây Nguyên cần phải tái canh 120 ngàn ha cà phê. Đối với nông dân, quá trình này là cả một quãng đường gian nan, nhất là các vấn đề về kỹ thuật và nguồn vốn. Tuy nhiên, các vấn đề này đang được nhiều doanh nghiệp chung tay tháo gỡ.
Phát triển chuỗi giá trị cho cà phê
Năm 2013, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) và Viện Khoa Học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã “bắt tay” xây dựng mô hình tái canh theo hướng hữu cơ sinh học trên 5 ha tại Công ty cà phê Tháng 10 (huyện Krông Păk, Đăk Lăk). Đến nay, 5 ha cà phê này đã bắt đầu ra hoa và phát triển rất tốt. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, viện trưởng Viện WASI, cho biết, bằng việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mô hình này đã rút ngắn được 2 năm kiến thiết cơ bản (do cây giống khi trồng đã được ươm trồng trong bầu từ 12-15 tháng), rút ngắn thời gian luân canh xuống một năm; Tiết kiệm được 20% lượng nước tưới và 30% phân bón hóa học so với quy trình thông thường. “Đến niên vụ 2016-2017, mô hình này hứa hẹn sẽ cho thu hoạch với năng suất lên đến 4 tấn/ha”- ông Báu cho biết.
Bằng việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mô hình tái canh cà phê này đã tiết kiệm được đáng kể chi phí cho nông dân.
Từ thành công của mô hình này, ngày 11.3, AGPPS và WASI đã ký kết chương trình hợp tác chiến lược phát triển chuỗi giá trị cà phê bền vững. Theo đó, các hoạt động sắp tới của 2 bên sẽ hướng đến mục đích phát triển các giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp, phục vụ nông sản hữu cơ, bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình tái canh cà phê, phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bằng cách, nghiên cứu lựa chọn, lai tạo giống; nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong việc tái canh cà phê; Xây dựng, chuyển giao mô hình và quy trình tái canh cà phê cho nông dân…
“Hai bên sẽ hợp tác để xây dựng một hình mẫu về tái canh cây cà phê vối Tây Nguyên với quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thực nghiệm; tìm những cách làm mới, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, sản xuất cà phê Tây Nguyên”- ông Báu cho biết.
Sự hợp tác của một cơ quan nghiên cứu đầu ngành về cây cà phê với một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp với tầm nhìn chiến lược “chuỗi giá trị” hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân trồng cà phê.
Hỗ trợ giống cho nông dân
Ông Báu cho biết, ngoài AGPPS, WASI cũng đã “bắt tay” với Nestlé xây dựng dự án Nescafé Plan. Theo đó, Nestlé sẽ chịu trách nhiệm về tài chính còn WASI sẽ là đơn vị nghiên cứu đưa ra các loại giống cà phê tốt nhất cho nông dân. Do đó, dự án sẽ hỗ trợ cho nông dân nguồn giống đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Từ năm 2011 đến nay, dự án đã hỗ trợ được 7 triệu cây giống cho gần 1 vạn nông dân. Trong năm 2015, dự án công bố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân 4 triệu cây giống nữa. “Dự án đã giúp nông dân tháo gỡ nhiều khó khăn của việc tái canh cà phê, hỗ trợ 50% giá giống cho nông dân, thúc đẩy mạnh mẽ việc thay thế vườn cà phê già cỗi. Chương trình này đẩy nhanh việc cung cấp cho thị trường những giống cà phê mới với năng suất có thể đạt gấp đôi so với hiện nay”- ông Báu cho biết. Ông Báu cũng cho biết, trong tương lai WASI sẽ nghiên cứu phương pháp nuôi cấy mô trong việc sản xuất giống cà phê. Nếu phương pháp này thành công thì sẽ chấm dứt được nạn giống kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường.
Bằng nguồn giống tốt, vườn cà phê trồng theo tiêu chuẩn 4C của bà Trần Thị Mai (thôn Đoàn Kết- Bàu Cạn- Chư Prông- Gia Lai) cho năng suất vượt trội.
Ông Phạm Phú Ngọc, đại diện Nestlé tại Tây Nguyên, cho biết: “Ngoài hỗ trợ giống, chúng tôi còn hỗ trợ cho nông dân kỹ thuật để phát triển cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Bên cạnh đó Nestlé cũng cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân”.
Với những đóng góp trên của các doanh nghiệp, tin rằng nông dân sẽ giải quyết được đáng kể những khó khăn trong quá trình tái canh cà phê trong thời gian tới.