Chưa ăn bún đỏ, chưa đến Đắk Lắk

Đặt chân đến mảnh đất Buôn Ma Thuột, nếu hỏi bất cứ người địa phương nào về đặc sản quê hương mà họ tự hào nhất, chắc chắn bạn sẽ nhận được câu trả lời là bún đỏ.

Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị Tây Nguyên. Người dân ở đây đặt tên cho món ăn theo màu đò đỏ của sợi bún. Nhưng không chỉ có vậy, hương vị đậm đà hòa quyện cùng sợi bún dai đỏ mới là thứ gây lưu luyến dài lâu cho thực khách từng được thưởng thức món quà miền đất đỏ này.

Khắp phố phường Buôn Ma Thuột, đâu đâu cũng thấy quán bún đỏ. Món ăn vỉa hè hết sức bình dị thường không được bán sáng, các quán chỉ bắt đầu mở hàng từ tầm chiều về khuya để phục vụ thú ăn vui, ăn vặt của những người lao động bình dân nơi phố thị. Bún đỏ rất rẻ, chỉ khoảng 15.000 – 20.000 đồng là đủ phủ phê, thỏa mãn.

Khó ai có thể gọi tên được sự đặc biệt của bún đỏ, bởi lẽ món ăn ấy là sự biến tấu, pha trộn hài hòa của nhiều đặc sản quen thuộc khác, một chút dư vị bún riêu, thoảng bóng dáng bánh canh,…chỉ duy nhất sợi bún màu đỏ au là có đôi phần khâc lạ. Nhưng những hương vị vay mượn ấy đều là chắt lọc lấy cái tinh túy nhất, khiến món bún đỏ tự thân vẫn mang nét duyên thầm rất riêng mà khó lẫn.


Sợi bún dùng trong món bún đỏ rất lớn, tựa loại sợi dùng bánh canh, cỡ bằng chiếc đũa, vị giòn dai. Nguyên liệu làm bún không làm nên màu đỏ của sợi bún mà phải qua công đoạn “nhuộm màu” hết sức độc đáo. Người ta nhúng bún vào nồi nước dùng được pha hạt điều, để màu nhuộm tự nhiên ấy ngấm đều vào từng sợi bún, tạo nên màu đỏ gạch đẹp mắt.

Thưởng thức nước dùng của bún đỏ, nhiều người liên tưởng tới món bún riêu của miền Nam. Bởi nước dùng cũng được chế từ xương, thịt cua, thịt heo. Điểm nhấn quan trọng trong nồi nước dùng là gạch cua với thịt ba chỉ xay, hành củ băm nhỏ trộn với hạt tiêu được nặn thành từng bánh nhỏ nấu chung với nước dùng. Thêm vào đó là trứng cút đã bóc vỏ. Nước dùng được ninh kĩ càng, tạo vị ngọt thanh đậm đà. Người ta cũng thường ăn kèm bún đỏ với giá đỗ, rau cải ngọt hay rau cần trụng, ăn cùng chút hành củ băm nhỏ phi thơm vô cùng hấp dẫn.

Không hiểu vì lẽ gì mà món bún đỏ chỉ có nhiều nhất ở Buôn Ma Thuột mà khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Có lẽ cái se lạnh đặc trưng bảng lảng của chiều muộn vùng cao nguyên là nơi thích hợp hơn cả để thưởng thức món ăn bình dị và độc đáo này. Khoác lên mình một chiếc áo khoác mỏng lang thang phố núi im lìm trong đêm, khi thấy bụng gợn cồn cào tìm ghé chân vào quán bún đỏ. Khi ấy, bỗng thấy sao Buôn Ma Thuột khó quên tới lạ lùng.

>>Những tập tục bí ẩn giữa đại ngàn Tây Nguyên

>>Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên bằng ngân hàng dữ liệu

>>Lời nói vần của người Êđê, M’nông về tình yêu đôi lứa