Chủ tịch Đắk Lắk và thứ trưởng Y tế vi phạm thế nào?

Trong thông báo ngày 14.3, Ủy ban Kiểm tra trung ương khóa XI đã có thông báo cụ thể về người vi phạm và những việc làm vi phạm.Theo đó, vi phạm của ông Lữ Ngọc Cư – chủ tịch tỉnh Đắk Lắk – đã gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu. Ông Cao Minh Quang – thứ trưởng bộ Y tế – vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm.

ImageHandler.ashx

Ông Cao Minh Quang (trái) và ông Lữ Ngọc Cư. Ảnh: báo Tuổi Trẻ .

Chủ tịch Đắk Lắk: cho trồng cao su trên đất nông nghiệp

Theo tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ, trong các nội dung liên quan đến ông Lữ Ngọc Cư – phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – nổi bật là vụ cho chủ trương để công ty TNHH thương mại & sản xuất Lộc Phát khảo sát lập dự án trồng cao su tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng.

Theo đó, ngày 8.12.2009, UBND tỉnh Đắk Lắk ra công văn đồng ý chủ trương cho công ty Lộc Phát được khảo sát, lập dự án trồng cao su với diện tích 357ha tại tiểu khu 342 ở xã Ea Dah, tiểu khu 332 và 340 ở xã Ea Puk, thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện Krông Năng. Ngày 26.7.2010, công ty Lộc Phát gửi tờ trình lên Sở NN&PTNT Đắk Lắk xin làm nhà bảo vệ, lập vườn ươm cây giống cao su… trong vùng dự án đã được thẩm định và được Sở NN&PTNT đồng ý.

Trong thông báo số 194/TB-UBND ngày 11.10.2010 về kết quả kiểm tra dự án trồng cao su, khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng của công ty Lộc Phát, UBND tỉnh Đắk Lắk kết luận: “Việc hướng dẫn các thủ tục trồng cao su trên đất nông nghiệp chưa thật sự phù hợp với quy định; việc quản lý, kiểm tra chưa thường xuyên và chặt chẽ; sở NN&PTNT trong quá trình hướng dẫn công ty Lộc Phát triển khai các trình tự, thủ tục trồng cao su trên đất nông nghiệp chưa phù hợp với quy định hiện hành…”.

Từ việc làm trái quy định của sở NN&PTNT Đắk Lắk, hàng trăm người dân huyện Krông Năng đã bức xúc ồ ạt kéo vào khu vực trên phá rừng… Đặc biệt ngày 10.9.2010, có hơn 1.000 người dân thị trấn Krông Năng và xã Ea Hồ tiếp tục vào tiểu khu 340ha xâm canh, phá rừng lấy đất sản xuất. Sau đó, UBND tỉnh phải ra quyết định đình chỉ việc lập dự án khảo sát trồng cao su của công ty Lộc Phát tại rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng.

Ông Quang từng bị kỷ luật mức khiển trách

Ông Cao Minh Quang từng bị đánh giá là thiếu thận trọng, không tạo được đoàn kết nội bộ tại cơ quan mình công tác, lãnh đạo. Vấn đề này đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư đề cập trong lần kỷ luật mức cảnh cáo ông Quang năm 2009 (năm 2011 đã hạ xuống mức khiển trách) và tiếp tục được đề cập ở lần kỷ luật này. Thời hiệu kỷ luật Đảng là một năm, ông Quang đang “treo” một kỷ luật Đảng mức khiển trách năm 2011 và giờ bị chồng thêm một kỷ luật Đảng mức cảnh cáo.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, ông Cao Minh Quang bị kỷ luật do có khuyết điểm vay tiền của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mình quản lý. Theo đó, năm 2007 ông Quang là thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực dược, đã vay của ông Ngô Chí Dũng, khi đó là tổng giám đốc công ty cổ phần dược phẩm BV Pharma, 2 tỉ đồng. Ông Quang đã vay số tiền này làm hai lần và đã trả toàn bộ tiền gốc và 100 triệu đồng tiền lãi vào tháng 6.2008.

Tuy nhiên, do BV Pharma là doanh nghiệp dược phẩm, ông Quang là thứ trưởng phụ trách dược nên việc vay mượn này là tế nhị, thiếu thận trọng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế nói chung.

Một vấn đề nữa liên quan đến mức kỷ luật cảnh cáo của ông Cao Minh Quang lần này là vấn đề bằng cấp. Theo lý lịch, ông Quang có học vị tiến sĩ dược khoa, nhưng tháng 9.2011 Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã có văn bản gửi Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, thông báo đã tiến hành xác minh lần thứ hai về quá trình học tập của ông Quang, hệ thống văn bằng sau đại học và trình độ Licentiatexamen của Thụy Điển, hệ thống văn bằng Thụy Điển và thư trả lời của Trung tâm lưu trữ dữ liệu sinh viên Trường ĐH Upsala nơi ông Quang theo học trước đây, văn bằng Licentiatexamen ông Quang đã nhận được từ Trường ĐH Upsala là văn bằng ở trình độ trung gian, trình độ trên thạc sĩ hoặc trình độ tiền tiến sĩ, chưa phải là bằng tiến sĩ. Việc khai nhận về văn bằng của ông Quang là chưa đúng thực chất.

Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, tháng 2-2000 vụ trưởng vụ Sau đại học bộ GD-ĐT lúc đó là ông Phạm Sỹ Tiến đã ký thư phúc đáp văn bản của Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng bằng này tương đương với bằng tiến sĩ dược khoa theo hệ thống đào tạo của VN. Lý do là thời điểm năm 2000 chưa có thông tin trên mạng để tra cứu, Vụ Sau đại học khi đó đã dựa vào tài liệu của Hiệp hội quốc tế các trường ĐH, cho biết hệ thống văn bằng ở Thụy Điển có khác biệt so với các nước, trong đó văn bằng Licentiatexamen là văn bằng các nước ít có, nhưng được công nhận trên thạc sĩ, tương đương tiến sĩ ở Mỹ, nên Vụ Sau đại học đã ký xác nhận kể trên cho ông Cao Minh Quang. Từ năm 2007 đến nay, hệ thống văn bằng Thụy Điển hòa nhập với hệ thống giáo dục châu Âu, Luật giáo dục Thụy Điển điều chỉnh quy định văn bằng này là trình độ tiền tiến sĩ.

Nguồn Báo Tuổi Trẻ