Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, để phát triển được vùng chuyên canh trồng cà phê với diện tích hơn nửa triệu ha trên cả nước, Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục tỷ đồng phục vụ cho hoạt động nghiên cứu cây giống, đất trồng, xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Tuy nhiên, dù đã đổ vốn đầu tư và đã thành một quốc gia có tiếng về xuất khẩu cà phê, nhưng trong 1,1-1,3 triệu tấn cà phê xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, các DN có vốn nước ngoài (FDI) chiếm tới 60-65% sản lượng. Con số này cho thấy các DN FDI đang thống lĩnh và hưởng lợi trên thị trường nguyên liệu cà phê xuất khẩu Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết Nghị định 23/2007/NĐ-CP không cho phép các DN FDI xây dựng mạng lưới thu gom cà phê trực tiếp, mà chỉ khuyến khích đầu tư chế biến sâu. Nhưng thực tế vẫn có rất nhiều DN FDI thành lập các DN, hợp tác xã mang danh nghĩa Việt Nam để lách Nghị định 23.
Thậm chí, nhiều DN FDI còn công khai việc trực tiếp thu mua cà phê của nông dân. Những năm gần đây, giá cà phê có xu hướng tăng cao đã khuyến khích xuất khẩu, nên nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, người nông dân cũng bắt đầu găm hàng chờ giá cao mới bán.
Các DN FDI với nguồn vốn lớn đã đưa ra mức giá cao hơn so với DN trong nước và thu gom nguyên liệu dễ dàng. Hơn nữa, dù Nghị định 23 nghiêm cấm DN FDI mua cà phê trực tiếp của nông dân, nhưng Luật Đầu tư lại không cấm nên cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý.
Trước sự lấn át của các DN FDI, thời gian qua Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ DN trong nước, một số ngân hàng cũng ký kết thỏa thuận cho DN vay ngoại tệ với lãi suất tương đương các DN FDI để cạnh tranh.
Tuy nhiên, những hỗ trợ này vẫn chưa đi sâu vào các DN, việc tiếp cận vốn gặp nhiều khó khăn và chỉ mới hướng đến người thu mua, tích trữ mà chưa giúp nông dân được hưởng lợi nên việc hợp tác giữa bên mua và bên bán vẫn còn nhiều khó khăn.
Để giải quyết tình trạng này, thị trường trong nước đang cần một quỹ bình ổn hỗ trợ cho việc sản xuất, thu mua, chế biến cho cả DN lẫn nông dân để ổn định thị trường, giúp nông dân tránh được rủi ro vì tin đồn tăng giá mà ôm hàng quá đà dẫn đến cảnh giá xuống phải bán tống bán tháo.
Mới đây, trong Thông tư 08/2013/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, cũng đã quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của DN FDI tại Việt Nam, có hiệu lực từ 7-6-2013.
Tuy nhiên, nếu muốn kiểm soát một cách hiệu quả, Nhà nước cần có sự nhất quán về quy định trong các thông tư, bộ luật để nếu xảy ra vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt để ngành cà phê Việt Nam phát triển ổn định hơn.