Chiềng Ban, rộn ràng vụ mùa cà phê mới

Những ngày này về xã Chiềng Ban (Mai Sơn), đâu đâu cũng thấy cà phê. Những sân nhà ngập cà phê. Xe máy, xe công nông chất đầy các bao cà phê hối hả về các điểm thu mua. Tại các đồi cà phê, tiếng cười nói của bà con râm ran, phấn khởi, năm nay lại thêm một vụ cà phê được mùa, được giá.

Cây cà phê bắt đầu được trồng ở Chiềng Ban từ năm 1997, lúc đó toàn xã chỉ có chưa đến 100 ha, do trình độ thâm canh còn hạn chế, giá cả thị trường lại bấp bênh, nên lúc đó bà con vẫn còn chưa mặn mà lắm với cây cà phê. Sau khi có chính sách của huyện, tỉnh chọn xã là đơn vị trọng điểm đưa cây cà phê là cây trồng mũi nhọn của xã, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ về giống, vốn… Đến nay, Chiềng Ban đã được coi là “thủ phủ” cà phê của huyện Mai Sơn.

chien-mai

Nông dân hăng hái thu hoạch vụ mùa mới.

Chiềng Ban có 26 bản, 1.433 hộ, trên 1.500 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích cà phê là 950 ha. Và hằng năm diện tích cà phê lại tăng hơn bởi lợi nhuận từ trồng cà phê cao hơn hẳn những cây trồng khác, bà con đã tận dụng mọi nguồn đất, thậm chí là đi thuê đất ở những xã lân cận để trồng cà phê. Qua kinh nghiệm trồng lâu năm, và qua các lớp tập huấn bà con nơi đây đã có những thay đổi rõ rệt về cách nghĩ, cách làm trong chăm sóc cây cà phê sao cho vừa đảm bảo đạt năng suất cao lại có sản phẩm hạt chất lượng. Xã cũng đã liên hệ với nhiều công ty, doanh nghiệp nên đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm khi bà con thu hoạch không bị thương lái ép giá. Chỉ tính riêng năm 2010 vừa qua, toàn xã đã thu trên 10.000 tấn quả tươi với lợi nhuận nhiều tỷ đồng. Nhờ vậy mà đời sống của bà con trong xã đã ngày một khấm khá, gắn bó với cây cà phê hơn.

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Khánh, chúng tôi tới HTX II Hoàng Văn Thụ – một trong những nơi trồng cà phê có hiệu quả vào bậc nhất của xã. Gặp chị Nguyễn Thị Mười đang thu hoạch cà phê trên đồi, tranh thủ trò chuyện, được biết gia đình chị chỉ trồng cây cà phê với diện tích 1,4 ha. Những năm trước, do chưa biết cách chăm sóc nên mỗi ha chỉ thu được từ 8-10 tấn quả. Đến nay, qua kinh nghiệm trồng và học hỏi qua các lớp tập huấn chị đã áp dụng KHKT vào trồng và chăm sóc cà phê. Theo chị, cây cà phê được ví như cây “nhà giàu” nên phải dày công chăm sóc hơn như: phải tích cực thâm canh, tỉa cành tạo sáng, tăng cường phân bón, phun thuốc thì cây cà phê sẽ cho năng suất và chất lượng cao, hạt lép ít… với cách chăm bón đó mà trong 4 đến 5 năm gần đây gia đình chị Mười đã thu hoạch từ 18-20 tấn/ha cà phê, có những năm thu được đến 25 tấn/ha. Vụ cà phê này gia đình chị ước sẽ thu được gần 30 tấn cà phê, với giá bán cà phê tươi như hiện nay từ 8- 10.000đ/kg, gia đình chị sẽ thu gần 300 triệu đồng.

Ông Trần Văn Kiểm, Chủ nhiệm HTX II Hoàng Văn Thụ thông tin: Trước đây, HTX có 80 hộ, diện tích đất trồng trọt lại ít, bà con chỉ quanh quẩn với việc trồng ngô, đỗ nên đời sống khó khăn lắm, số hộ nghèo chiếm đa số. Từ ngày đưa cây cà phê vào trồng, đời sống của bà con đã thay đổi hẳn. Hiện HTX có 78 hộ trồng cà phê, có nhà còn thuê thêm diện tích đất nông nghiệp của các hộ kinh doanh, dịch vụ và các xã lân cận để trồng. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi vụ thu hoạch cà phê là trong khu lại nhộn nhịp hẳn. Không chỉ mang niềm vui đến với những gia đình có diện tích trồng cà phê mà, đối với mỗi người dân lao động trong khu cũng có thêm công ăn việc làm, có thêm thu nhập, mỗi ngày công lao động thu hái cà phê lên đến cả trăm nghìn đồng, có những lúc cao điểm là 120-150.000đồng/ngày. Hiện HTX có 18 hộ giàu, nhiều gia đình có kinh tế khá và chỉ còn 9 hộ nghèo. Con em được đi học và ngày càng có nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng… bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều thay đổi.

Càng về trưa, cái nắng vùng cao càng gay gắt, những giọt mồ hôi của bà con đang thu hoạch cà phê đã ướt đẫm lưng áo, nhỏ giọt lên những chùm cà phê mọng đỏ, nhưng nét mặt, nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên khuôn mặt họ, bởi họ lại có thêm một vụ trái chín được mùa, được giá.

Nguồn Báo Sơn La Online