Trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại là phần đóng góp của Cục Sở hữu trí tuệ và các doanh nghiệp trong hiệp hội.
Thông tin trên do Người Lao động dẫn lời ông Trịnh Đức Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết.
Theo ông Minh, vụ kiện đòi lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột có thể sẽ kéo dài 2 – 3 năm.
Đến nay, hiệp hội đã nhận được hồ sơ của 4 công ty luật muốn tham gia tranh tụng, gồm: Công ty Hà Hải (TPHCM); Bross & Partners, Evenco, Phạm và Liên doanh, cùng có trụ sở tại Hà Nội.
Trước đó, từ đầu tháng 10, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn chính thức uỷ quyền cho Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, là tổ chức đại diện chủ đơn khiếu kiện để huỷ bỏ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được bảo hộ tại Trung Quốc.
Đồng thời, Hiệp hội này cũng sẽ là đại diện để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Cà phê Buôn Ma Thuột” ra nước ngoài theo đúng quy định của Luật pháp quốc tế.
Còn Cục Xúc tiến Thương mại cũng đã gửi công văn tới Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) để thông báo tình hình và đề nghị tìm hiểu thông tin chi tiết, phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột trong việc tiến hành đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc.
Ông Lương Văn Tự – chủ tịch hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng lên tiếng khẳng định sẽ kiện đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
(Tổng hợp)