Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia thương mại của Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương, nói thông tư mới của bộ này có điều khoản quy định các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam là nhằm chấn chỉnh lại hệ thống thu mua trong nước theo hướng lành mạnh hơn.
Theo Thông tư 08/2013/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 7-6, các doanh nghiệp FDI sẽ không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm việc mở địa điểm để mua gom hàng hóa xuất khẩu được.
Dù nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng thông tư 08 có hiệu lực sẽ gây bất bình đẳng và phân biệt đối xử giữa trong hoạt động kinh doanh của loại hình doanh nghiệp này, và nguy cơ nông dân sẽ bị ép giá khi việc thu mua chỉ được dành cho doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia cho rằng các quy định trên là cần thiết trong bối cảnh thị trường nguyên liệu nông sản vốn đã bất ổn trong thời gian qua.
Thực tế trong thời gian qua, việc các doanh nghiệp FDI, thương nhân nước ngoài thu mua nông sản ồ ạt, không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại cũng làm ảnh hướng xấu đến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Nhiều thương nhân nước ngoài đã vào Việt Nam thuê đất trồng lúa, trái cây, các loại nông sản khác.. và cổ xúy cho nông dân cùng mở rộng diện tích. Nhưng khi họ không còn nhu cầu, thị trường không hút hàng nữa, họ sẵn sàng “dứt áo ra đi” và hậu quả là nông dân phải gánh chịu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong ngành cà phê, hiện các doanh nghiệp FDI đã thu mua đến gần 60% tổng sản lượng cà phê của cả nước, tương đương 600.000 tấn mỗi năm. Tương tự đối với ngành hồ tiêu, dù chỉ 7 doanh nghiệp FDI hoạt động kinh doanh xuất khẩu tiêu ở Việt Nam, nhưng kim ngạch xuất của họ chiếm đến 36,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2012.
Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cụ thể trong ngành cà phê, nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam vẫn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không đầu tư vào vùng nguyên liệu sản xuất, không có chiến lược dài hạn cho việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước, dù trong giấp phép đầu tư của các doanh nghiệp FDI đã quy định rõ những chức năng này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa phải đầu tư cho vùng nguyên liệu, hỗ trợ cho nông dân từ con giống đến vật tư nông nghiệp, khi đến vụ thu hoạch, nông dân lại bán cho doanh nghiệp FDI với giá cao hơn doanh nghiệp nội địa.
“Doanh nghiệp FDI mua giá cao vì họ không bỏ chi phí đầu tư cho vùng nguyên liệu”, ông Vinh dẫn chứng. Thực tế trong ngành cà phê, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn mua nguyên liệu xuất thô để kiếm lợi nhuận nhanh mà không đầu tư cho vùng nguyên liệu.