Chấm dứt kiểu “ăn xổi ở thì”?

Sau lúa gạo, từ tháng 10.2011, càphê – mặt hàng nông sản chủ lực thứ hai của VN cũng bắt đầu “áp” các điều kiện về kinh doanh và xuất khẩu (XK).Trong khi các DN nhỏ tỏ ra “méo mặt” thì Hiệp hội Càphê cacao VN (Vicofa) khẳng định nhất thiết phải có các quy định trên nhằm chấm dứt tình trạng “ăn xổi ở thì” trong sản xuất, XK càphê.

caphedaklak.com

Những doanh nghiệp nhỏ sẽ phải rời bỏ cuộc chơi?

“Cuộc chơi” mới của DN lớn

Bộ NNPTNT mới đây có công văn số 290 gửi Bộ Công Thương về việc kinh doanh càphê có điều kiện, theo đó nhất trí với bộ này về tính cấp thiết của quy định về các điều kiện trên. Theo quy định, điều kiện để thương nhân có quyền tham gia kinh doanh XK càphê phải sở hữu ít nhất một cơ sở chế biến kèm kho chứa phù hợp quy chuẩn và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các DN tham gia phải có “thâm niên” XK hai năm liên tục trở lên và năng lực XK tối thiểu 5.000 tấn/năm.

Điều kiện này áp cho không chỉ DN trong nước mà còn với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trao đổi với LĐ hôm qua (25.10), Chủ tịch Vicofa Lương Văn Tự cho biết phía hiệp hội đồng tình với quy định trên nhằm cải thiện hoạt động vốn thiếu bền vững lâu nay của ngành càphê, dù biết rằng “số phận” của không ít DN trong số hơn 150 DN càphê chưa biết… đi đâu về đâu.

Theo ông Tự, việc đề ra quy định hướng đến nhiều mục tiêu rõ ràng, trong đó giải quyết tình trạng khó khăn của ngành càphê nước ta hiện nay. “Cấp bách trước mắt là cần phải có DN đủ lực để cùng nông dân tái canh. Hiện 20% diện tích càphê nước ta đã già cỗi, phải trồng lại nhưng đang thiếu vốn, chưa kể phải đầu tư đồng loạt vào hệ thống tưới tiêu, thổ nhưỡng. Thứ hai là cần DN đủ lực để tập trung khâu chế biến – khâu mang lại lợi nhuận không nhỏ. Nếu ngoại tệ từ XK càphê nhân toàn thế giới khoảng 15 – 17 tỉ USD/năm thì nguồn thu từ chế biến lên đến 100 tỉ USD” – ông Tự phân tích. Ngoài việc giữ vững diện tích toàn vùng khoảng 500.000ha và sản lượng duy trì 1,1 – 1,2 triệu tấn/năm, các điều kiện kinh doanh XK đưa ra nhằm tăng giá trị gia tăng chứ không phải là phát triển mở rộng.

Ông Tự cho rằng, DN ngành càphê luôn đối mặt với thua lỗ do giá cả biến động, bấp bênh do ảnh hưởng của các DN dạng “đa ngành nghề”, kinh doanh thiếu ổn định. Với điều kiện mới, DN nhỏ dù muốn hay không cũng cần liên kết lại và chấm dứt tình trạng kinh doanh “ăn xổi ở thì” như hiện nay.

Nội, ngoại cùng… đua

Một vấn đề không nhỏ khác được đặt ra là liệu “cuộc chơi” sẽ là lợi thế lớn của DN nước ngoài hay không khi họ áp đảo DN nội về vốn và lãi suất ưu đãi? Về điều này, ông Lương Văn Tự khẳng định “sân nhà” mới có nhiều lợi thế khi nông dân trồng càphê là của mình, mối quan hệ lâu năm với DN nội. DN nước nhà lại nắm rõ tính chất mùa vụ, thổ nhưỡng, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận DN nước ngoài khi “nhảy” vào chiếm lĩnh thị trường VN đều hơn hẳn về nghiệp vụ kinh doanh và dự báo thị trường. Cùng một nguồn thông tin, song chính sự quyết đoán trong khâu dự báo nên việc thành công trong nhiều thương vụ lớn của các DN FDI ngành càphê, theo ông Tự, là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Trong tình thế cả DN nội và ngoại cùng… đua, Vicofa khẳng định hiện đang tích cực hỗ trợ các DN nhằm hoàn thiện hóa các điều kiện nói trên. Hiện đã có khoảng 60 DN đủ điều kiện tham gia, trong đó 99% là DN quy mô lớn. Thời gian tới, Vicofa sẽ cùng với liên bộ: NNPTNT, Công Thương phối hợp hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, đào tạo nghiệp vụ kinh doanh, chọn giống càphê tái canh và xúc tiến thương mại. Trong đó, khâu quảng bá thương hiệu sẽ được đẩy mạnh nhằm giúp DN mở rộng thị trường và giảm bớt các trung gian để sản phẩm có thể đến tay người mua cuối cùng. Thị trường càphê hòa tan cũng được các DN nỗ lực tìm kiếm mà mới đây là hợp tác với Belarus ký kết các hợp đồng mua càphê hòa tan của VN.

Nguồn Laodong.vn