Cây cà-phê trên đất Tây Nguyên

ND – Bài 1: Những nghịch lý trong sản xuất và xuất khẩu

Mười năm qua, cà-phê Việt Nam đã có bước tiến nhảy vọt, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 483 triệu USD năm 2000 lên 2,7 tỷ USD năm 2011, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu của cả nước. Mặc dù có bước tăng trưởng nhanh, nhưng trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu cà-phê vẫn còn nhiều khó khăn.

Diện tích tăng, chất lượng giảm

Cả nước hiện có hơn 555 nghìn ha cà-phê, trong đó hơn 90% diện tích và 92% sản lượng cà-phê được trồng tại bốn tỉnh khu vực Tây Nguyên, gồmL Đác Lắc, Lâm Đồng, Đác Nông và Gia Lai. Nhờ diện tích không ngừng tăng, những năm gần đây, sản lượng cà-phê của Việt Nam cũng tăng nhanh. Vụ cà-phê năm 2010, sản lượng cà-phê nhân cả nước đã vượt con số hơn 1,1 triệu tấn, đưa Việt Nam vào tốp đầu những quốc gia có sản lượng cà-phê cao nhất thế giới. Nhưng thành tích này dường như chưa ổn định khi cả nước đang có gần 150 nghìn ha cà-phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp cần thanh lý hoặc tái canh. Nếu việc cải tạo giống “trẻ hóa” vườn cà-phê không kịp thời thì việc giảm sút chất lượng và sản lượng là điều có thể thấy ngay trước mắt.

Qua tìm hiểu thực tế tại tỉnh Đác Lắc – địa phương có diện tích và sản lượng cà-phê nhiều nhất với hơn 190 nghìn ha, mỗi năm đạt gần 400 nghìn tấn cà-phê nhân, chúng tôi được biết: mặc dù diện tích trồng cà-phê của Đác Lắc có xu hướng tăng, nhưng năng suất lại giảm dần. Nếu như năm 2006, năng suất đạt gần 26 tạ/ha; thì năm 2008 chỉ đạt khoảng 24 tạ/ha; đến năm 2010 chỉ còn khoảng 22,5 tạ/ha. Nguyên nhân chính của hiện tượng này chủ yếu vẫn là do diện tích cây cà-phê bị già cỗi quá nhiều. Hay như tại Lâm Đồng – tỉnh có diện tích và sản lượng cà-phê chỉ đứng sau Đác Lắc, với diện tích hơn 140 nghìn ha, cũng đang phải đối mặt tình trạng tương tự. Số vườn có nhu cầu chuyển đổi tái canh cây cà-phê lên tới 30% tổng diện tích. Điều đáng nói là trong khi chi phí cho sản xuất cà-phê ngày càng tăng, thì diện tích cà-phê già cỗi nhiều năm gần đây cho năng suất ngày một giảm, khoảng 15 tạ/ha, thấp hơn năng suất bình quân cả nước gần sáu tạ/ha. Không chỉ giảm năng suất, chất lượng sản phẩm ở những vườn cà-phê này cũng không ổn định. Đây là một thực tế mà cả người dân và doanh nghiệp đều nhận thức được, song, do thiếu vốn cho nên việc tái canh rất khó thực hiện.

download

Những ngày đầu tháng 3 này, khi vụ thu hoạch cà-phê niên vụ 2011-2012 vừa kết thúc, chúng tôi có cuộc khảo sát tại thôn 3, xã Eakao, TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc), nơi có 173 hộ dân tham gia trồng cà-phê. Được biết, hầu hết các hộ trồng cà-phê đã giao xong hàng cho các đại lý, và chuẩn bị vật tư, tiền vốn cho vụ cà-phê mới. Mặc dù trúng mùa, được giá, nhưng tiền vốn trong các hộ dân không còn nhiều. Bằng chứng là ở thời điểm này chỉ có 15/173 hộ trong xã vẫn giữ được sổ đỏ trong nhà. Còn lại đều đã phải thế chấp để vay vốn ngân hàng chăm bón cây cà-phê. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao nhiều hộ trồng cà-phê phải bán “lúa non” để trang trải những chi phí phát sinh đột xuất. Thiếu vốn từ nhiều năm nay đã trở thành cái khó của người trồng cà-phê nói chung, không riêng gì Đác Lắc. Trung bình, mỗi ha cà-phê bình thường phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng/năm. Nếu tái canh thì số tiền còn nhiều hơn (ước tính cả trăm triệu đồng) vì cây già cỗi phải nhổ bỏ, đất bạc màu cần nhiều phân bón và các loại hóa chất khác, cũng như các chi phí cho tới khi cây cà-phê trồng mới cho thu hoạch (khoảng ba năm). Vì vậy, tái canh cây cà-phê trở thành một việc khó khăn, có hộ dân tái canh theo kiểu “cuốn chiếu”; nhiều hộ dân biết năng suất thấp nhưng cực chẳng đã vẫn phải tiếp tục “thâm canh” theo kiểu được đến đâu hay đến đấy. Anh Đào Xuân Hội, thôn 2, xã Eakao cho chúng tôi biết: Vì cây trồng đã già cỗi, nhiều gia đình trồng một ha cà-phê, sản lượng cả năm chỉ ước đạt 22 tạ/ha. Vẫn biết nếu tái canh thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng không có vốn, trong khi đó mọi chi phí trong nhà chỉ biết trông vào cây cà-phê cho nên chưa thể phá bỏ một lúc bằng ấy diện tích để trồng lại.

Không chỉ già cỗi mà phần lớn diện tích cà-phê trồng không đúng cách, chăm sóc không đúng kỹ thuật, thu hoạch không đúng thời điểm… làm ảnh hưởng nghiêm trọng năng suất và chất lượng cà-phê. Kết quả khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành tại 100 hộ dân được chọn ngẫu nhiên ở bốn huyện có diện tích sản xuất cà-phê nhiều của tỉnh Đác Lắc là thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Pách, Chư Mếgar và Krông Ana, cho thấy hầu hết cà-phê sau thu hoạch không đạt tiêu chuẩn hạng 1 và 2 theo TCVN 4193:2005 vì vượt quá 150 lỗi/300gram. Nếu so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế như sản phẩm phải có chứng chỉ UTZ (sản xuất truy nguyên nguồn gốc), Rainforest (chứng chỉ quản lý rừng), 4C (chương trình sản xuất cà-phê bền vững)… thì hiện cả nước cũng chỉ có khoảng 10% diện tích trồng cà-phê có chứng chỉ sản xuất bền vững.

Xuất khẩu nhiều, giá trị thấp

Theo Hiệp hội Cà-phê và Ca-cao Việt Nam (Vicofa), cứ 10,5 ly cà-phê mà người dân các nước trên thế giới uống có 1,5 ly đến từ Việt Nam. Nhiều năm nay, Việt Nam giữ vững vị trí là nước xuất khẩu cà-phê đứng thứ hai thế giới về sản lượng, chỉ sau Bra-xin. Trong đó, riêng về xuất khẩu cà-phê robustan thì Việt Nam dẫn đầu thế giới. Với sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn/năm, Việt Nam dành 95% cho xuất khẩu, và thị trường tiêu thụ chính là các nhà buôn ở Luân Đôn (Anh), Niu Oóc (Mỹ) và từ đây sẽ được phân phối đến các nhà rang, xay. Mặc dù xuất khẩu nhiều, song, cà-phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng giá trị thấp. Hiện tổng công suất chế biến cà-phê hòa tan của cả nước vào khoảng 80 nghìn tấn cà-phê nhân/năm nhưng thực tế chỉ khoảng 30 nghìn tấn được chế biến, tương đương 3% tổng sản lượng của cả nước. Trong khi đó, giá trị do cà-phê hòa tan đem lại gấp hàng trăm lần cà-phê nhân. Do chủ yếu là xuất khẩu thô cà-phê, Việt Nam không chỉ thiệt hại về giá trị, còn chịu nhiều thiệt thòi do chưa xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng thế giới.

images

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty cà-phê Việt Nam (Vinacaphe) Đoàn Đình Thiêm cho biết: Hiện nay, những tên tuổi, thương hiệu cà-phê chế biến sâu (rang, xay, bột, hòa tan) nổi tiếng thế giới như Nestlé (Thụy Sĩ), Kraft Foods (Mỹ), Jacobs Kaffee, Gevalia (Thụy Điển), Grand Mere và Carte Noire (Pháp)… thường không xuất thân từ những “đại gia” trồng, xuất khẩu cà-phê hàng đầu thế giới như Bra-xin, Việt Nam hay Cô-lôm-bi-a… mà chủ yếu ở châu Ấu, hay Bắc Mỹ. Do đó, việc đẩy mạnh chế biến sâu, tạo dựng thương hiệu là một trong những vấn đề sống còn của ngành cà-phê Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là đang phải cạnh tranh lúc ngấm ngầm, khi công khai với các doanh nghiệp nước ngoài đang trực tiếp thu mua tới 60% sản lượng cà-phê của Việt Nam. Do có lợi thế về vốn, các doanh nghiệp nước ngoài đang dần thao túng thị trường cà-phê Việt Nam. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì doanh nghiệp trong nước sẽ tự thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến việc xác lập thương hiệu cà-phê Việt trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – cán bộ Ban dự án cà-phê bền vững của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đác Lắc cho biết thêm: Các doanh nghiệp nước ngoài dù trực tiếp thu mua hay đứng đằng sau các doanh nghiệp Việt Nam thì cũng đang gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Để làm chủ thị trường, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với từng hộ dân, đồng thời vẫn phải thu mua thêm ngoài thị trường. Nhưng doanh nghiệp trong nước vốn ít, cho nên rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trường vốn, lại được vay lãi suất thấp và một mạng lưới hoạt động tương đối rộng, gần như phủ kín toàn bộ vùng trồng cà-phê.

Đấy là chưa kể đến một số doanh nghiệp kinh doanh cà-phê trong nước lo lắng tới đây, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đưa cà-phê vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà-phê sẽ phải đáp ứng các điều kiện như: được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; sở hữu ít nhất một cơ sở chế biến cà-phê kèm theo kho chứa phù hợp Quy chuẩn QCVN 01:06/2009/BNNPTNT. Cơ sở chế biến cà-phê bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt), có các chứng chỉ UTZ, Rainforest, 4C và số lượng xuất khẩu ít nhất 1.000 tấn cà-phê nhân/năm. Doanh nghiệp có nhà máy rang xay, chế biến cà-phê xuất khẩu phải có công suất từ 500 tấn trở lên. Doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu và ủy thác đã tham gia xuất khẩu cà-phê hai năm liên tục với sản lượng cà-phê xuất khẩu ít nhất 5.000 tấn/năm…

Vicofa thì đề nghị từ tháng 10-2012, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội sẽ bị thu phí hai USD đối với mỗi tấn cà-phê khi xuất khẩu. Trước những yêu cầu này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ rơi vào tình trạng khó khăn hơn nữa. Thậm chí có ý kiến cho rằng, quy định này tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài chèn ép các doanh nghiệp trong nước. Tất cả những yếu tố đó đang làm cho thế đứng của cà-phê Việt Nam vốn đã khó lại càng thêm khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới.

(Còn nữa)

Nguồn Kiều Thắng, Ánh Tuyết và Nguyễn Hồng