Tây Nguyên được mệnh danh là “thủ phủ cà phê Việt Nam”. Sản phẩm từ cây cà phê đã trở thành nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế đa thành phần trên miền đất bazal này nhiều năm qua. Tuy nhiên …
Khó giữ vị trí hàng đầu về xuất khẩu cà phê
Theo quy hoạch phát triển cây cà phê Việt Nam do Bộ NN&PTNT đến năm 2020, các địa phương trong vùng trọng điểm về cây cà phê sẽ giảm diện tích xuống chỉ còn 447.000 ha. Riêng tỉnh Đắc Lắc chỉ còn 170.000 ha, giảm khoảng 22% diện tích so với hiện nay. Ngoài ra, các tỉnh khác như Lâm Đồng còn 135.000 ha, Gia Lai còn 73.000 ha, Đắc Nông còn 69.000ha…
Tỉnh Đắc Lắc mùa khô của niên vụ 2012 – 2013 đã có trên 26.000 ha cà phê bị hạn, thiếu nước tưới, năng suất thấp hoặc nhiều vườn cây đã già cỗi… nên người dân phải chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với các điều kiện về thổ nhưỡng, địa chất và sự biến đổi khí hậu. Mặc dù có sản lượng cà phê xuất khẩu là hàng hóa chủ lực của tỉnh (chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu hàng năm), tạo việc làm ổn định cho trên 300.000 lao động trực trực tiếp và gần 200.000 lao động gián tiếp. Thế nhưng, với tình hình biến động của kinh tế toàn cầu nên hiện tại cây cà phê đã và đang có dấu hiệu “thất sủng” khi người lao động không còn mặn mà với loại cây trồng giàu tiềm năng này.
Thực tế thời gian qua, giá sản phẩm cà phê thường bấp bênh, chưa có sự bảo trợ về bình ổn giá… là những nguyên nhân khiến người sản xuất cà phê phải chuyển đổi mục đích sử dụng trồng cây cà phê để thay vào những loại cây nông sản khác. Bên cạnh nguyên nhân cây cà phê bị “thất sủng” là nỗi lo cho ngành cà phê đang phải đối mặt với những thách thức mới. Theo dự toán đến năm 2023, diện tích cây cà phê già cỗi, kém năng suất nếu không được trồng mới và nhiều vườn cây khác không được nâng cấp thì toàn vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắc Lắc nói riêng khó giữ được vị trí là nơi xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước. Vì vậy, việc trồng lại, trồng mới diện tích cà phê kém hiệu quả là việc cần phải được ngành cà phê Việt Nam nên sớm có những quy hoạch cụ thể.
Giải pháp ổn định khi năng suất … bấp bênh
Đầu năm 2013, Đắc Lắc còn lại hơn 202.000 ha cà phê. Thế nhưng, theo quy hoạch đến năm 2020, con số này sẽ bị giảm khoảng 22% diện tích. Đây có thể xem là dấu hiệu báo động về sự suy thoái cho cà phê Việt Nam. Nguyên nhân chính của sự suy thoái này được các chuyên gia cho rằng: Do tuổi thọ của cây cà phê đang già đi, năng suất kém (tuổi thọ trung bình của cây cà phê đạt khoảng từ 20 – 25 năm). Thực tế, tại Tây Nguyên nói chung và Đắc Lắc nói riêng, nhiều vườn cà phê được trồng từ những năm 1984 đến những đầu của thập niên 90 thế kỷ trước. Tỷ lệ trồng mới từ năm 2000 đến nay là quá ít. Theo đó, hiện tại Đắc Lắc trên khoảng 66,5% diện tích vườn cây cho sản phẩm kém năng suất (chỉ đạt 0,8 – 1,35 tấn/ha/năm); gần 20,5% diện tích già cỗi cần trồng lại hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chỉ còn trên dưới 13% diện tích vườn cây cà phê đạt năng suất cao (từ 3,8 – 4,2 tấn/ha/năm).
Từ nhiều năm nay, cà phê luôn là loại cây trồng mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với nhiều cây trồng khác đã dẫn đến tình trạng người dân phá bỏ nhiều vườn cây khác để trồng cà phê. Thậm chí cà phê được trồng một cách rất bừa bãi. Nhiều vùng đất không thích hợp nhưng vì lợi nhuận nên người dân trồng cà phê cứ “cấy đại” cây cà phê để rồi… được chăng hay chớ . Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền về cây cà phê chưa sát sao với thực tiễn của người trồng cà phê. Nguyên nhân này tạo nên năng suất rất thấp, cây cà phê thường nhiễm các bệnh sinh học, mau cỗi … Dự báo đến khoảng năm 2023, cả khu vực Tây Nguyên sẽ có trên 425 nghìn ha cà phê không còn ra trái và gây thất thu lớn cho người dân trồng cây cà phê”. Vì vậy, đây là thời điểm đang cần nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả sản xuất cây cà phê là giải pháp ổn định khi năng suất … bấp bênh !