Cẩn thận với “chữ ký nhận nợ”

Cho bạn mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng và ký vào giấy vay nợ giúp bạn, người bạn mất khả năng thanh toán nên phải ôm nợ thay.

Đó là tình cảnh của bà Trương Thị Thanh Nữ (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Bà Trương Thị Thanh Nữ - Ảnh: Trung Tân
Bà Trương Thị Thanh Nữ – Ảnh: Trung Tân

Hơn một tháng nay, bà Nữ đứng ngồi không yên vì phải thi hành bản án trả nợ hơn 1,5 tỉ đồng đã ký vay giúp bạn.

Bà Nữ kể: “Chiều 25-1-2013, trong lúc ở TP.HCM chờ chuyến bay về TP Buôn Ma Thuột thì bà Nữ nhận được điện thoại của vợ chồng ông Trần Duy Đức và bà Vũ Thị Nga (Cư Jut, Đắk Nông) xin mượn một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay món tiền 1,5 tỉ đồng “đáo hạn” ngân hàng. Bà Nữ đồng ý nên bà Mai Thị Mỹ Anh (TP Buôn Ma Thuột) cho vợ chồng ông Đức và bà Nga vay số tiền 1,5 tỉ đồng, lãi suất hai bên thỏa thuận.

Nhận nợ… giúp bạn

17g cùng ngày, bà Mỹ Anh đưa tiền đến Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương chi nhánh Đắk Lắk (VietinBank Đắk Lắk) nộp vào tài khoản của ông Đức. Khoảng 18g, bà Anh và ông Đức đến nhà bà Nữ (lúc này đã về đến nhà) để lấy “sổ đỏ”.

Tại đây, ngoài việc nhận một “sổ đỏ” mang tên chồng bà Nữ là ông Lê Quang Khải (thửa đất tại Đồng Nai), bà Anh còn yêu cầu bà Nữ viết giấy nhận nợ số tiền 1,5 tỉ đồng.

Mặt trước tờ giấy vay tiền này có nội dung bà Nữ vay bà Anh, còn mặt sau ghi vợ chồng ông Đức bảo lãnh nếu tài sản bà Nữ thế chấp không đủ số tiền 1,5 tỉ đồng thì vợ chồng ông sẽ thanh toán phần còn lại.

Mọi việc trở nên rắc rối khi vợ chồng ông Đức, bà Nga không vay lại được số tiền 1,5 tỉ đồng từ VietinBank Đắk Lắk. Vợ chồng bà Anh tìm ông Đức để đòi nợ, ông này đang gặp khó khăn nên xin trả chậm nhưng bà Anh không đồng ý. Đòi tiền ông Đức không được, bà Anh quay sang đòi tiền bà Nữ nhưng bà Nữ không trả vì cho rằng mình chỉ vay giúp. Bà Anh khởi kiện bà Nữ ra tòa.

Bà Nữ nói: “Vì muốn giúp bạn có tiền đáo hạn, giải quyết việc kinh doanh gặp khó khăn mà tôi ký vào giấy vay nợ nhưng thỏa thuận cũng nói rõ trong trường hợp trục trặc không trả được nợ, bà Anh sẽ lấy thửa đất của tôi, vợ chồng ông Đức sẽ trả khoản tiền còn thiếu. Thế nhưng TAND hai cấp đều buộc một mình tôi trả khoản nợ mình không vay, không chấp nhận nội dung “bảo lãnh” của vợ chồng ông Đức”.

Ông Trần Duy Đức cũng nói: “Khi việc vay đáo hạn gặp khó khăn, tôi có đến xin vợ chồng bà Mỹ Anh cho trả chậm nhưng bà Mỹ Anh không chấp nhận, quay sang đòi chị Nữ khiến chúng tôi rất áy náy”.

Tòa xử đúng nhưng chưa công bằng

Luật sư Tạ Quang Tòng, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk, cho biết: “Theo dõi hồ sơ vụ việc cho thấy bà Nữ đã tự nguyện giao dịch vay tiền dù tiền đó thật sự được chuyển cho vợ chồng ông Đức, bà Nga nên việc tòa tuyên buộc bà Nữ trả tiền là không sai.

Tuy nhiên cùng trên một tờ giấy vay nợ, hội đồng xét xử chấp nhận việc bà Nữ vay nợ nhưng không chấp nhận việc bảo lãnh của ông Đức theo hướng nguyên đơn không chấp nhận là chưa thật sự công bằng với bà Nữ.

Ở vụ án này, bà Nữ có thể làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm về việc hội đồng xét xử chưa nhìn nhận khách quan, thấu đáo các vấn đề xung quanh tờ giấy vay nợ này”.

Tòa chỉ xử theo chứng cứ

Ngày 4-4-2013, TAND TP Buôn Ma Thuột tuyên buộc bà Trương Thị Thanh Nữ và chồng là ông Lê Quang Khải phải có trách nhiệm trả cho bà Anh số tiền hơn 1,5 tỉ đồng (cả gốc và lãi). Hội đồng xét xử cho rằng việc bà Nữ nói bà chỉ ký nhận vay tiền giúp và tiền là để ông Đức đáo hạn tại ngân hàng nhưng bà không chứng minh được, trong khi đó giấy vay nợ lại do bà ký nên phải chịu trách nhiệm trả nợ. Bà Nữ kháng cáo.

Viện KSND cũng có kháng nghị theo hướng hủy án sơ thẩm vì cho rằng trong bản tự khai ngày 22-8-2013 của vợ chồng ông Đức, bà Nga có nội dung: “Số tiền trên (1,5 tỉ đồng) thực chất là bà Anh mang đến Ngân hàng VietinBank Đắk Lắk để đáo hạn cho vợ chồng ông bà, sau đó về nhà bà Nữ viết giấy vay nợ”.

Theo kháng nghị, tòa án TP Buôn Ma Thuột đã không thu thập chứng cứ tại ngân hàng để đối chất, làm rõ việc vay tiền, thời gian, địa điểm, mối quan hệ của các đương sự, việc cam kết của vợ chồng ông Đức trong tờ giấy vay tiền… nhưng buộc bà Nữ trả tiền cho bà Anh là chưa có cơ sở.

Ngày 18-7-2014, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm vẫn tuyên buộc vợ chồng bà Nữ phải thanh toán số tiền 1,5 tỉ đồng cho bà Anh. Hội đồng xét xử cũng cho rằng bà Nữ trực tiếp viết giấy vay nợ và tín chấp một “sổ đỏ” cho bà Anh nên phải có trách nhiệm trả nợ.

Ngày 27-8, bà Lê Thị Hương – phó chánh tòa dân sự TAND tỉnh Đắk Lắk, thẩm phán chủ tọa xét xử vụ án này – cho biết: “Bà Nữ là người trực tiếp viết giấy vay nợ tại nhà mình, tức là không bị ai đe dọa, cưỡng ép nên phải có trách nhiệm thanh toán nợ đã vay. Hội đồng xét xử vẫn xác định tiền bà Nữ vay được nộp vào tài khoản của ông Đức, nhưng đó là giao dịch, quan hệ riêng của ông Đức và bà Nữ. Bà Nữ có thể khởi kiện ông Đức, bà Nga yêu cầu thanh toán số tiền này, còn bà đã vay của bà Mỹ Anh thì phải trả. Hội đồng xét xử chỉ xét xử quyết định dựa trên chứng cứ.

Về việc vợ chồng ông Đức có bảo lãnh sẽ trả số tiền còn lại nếu thửa đất bà Nữ thế chấp không đủ, hội đồng xét xử đã hỏi nhưng bà Mỹ Anh từ chối việc bảo lãnh này nên tòa buộc vợ chồng bà Nữ phải chịu trách nhiệm trả nợ.

Bà Hương cho biết thêm trong quá trình xét xử đã gặp nhiều trường hợp khai vay giúp bạn như bà Nữ. Tuy nhiên cần xác định các giao dịch vay tiền mà người vay tự nguyện ký tên thì phải chịu trách nhiệm. Tiền vay sau đó được giao cho ai, làm gì lại là một giao dịch khác và chỉ được giải quyết bằng vụ án khác…

>> Cập nhật tin tức nổi bật về Đắk Lắk