Cần sớm điều tra và nghiêm trị kẻ gian phá hoại vườn tiêu

Suốt tuần nay, gia đình anh Hà Văn Chuân (trú tại thôn Tân Phương, xã Ea Toh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) thắt lòng khi vườn tiêu hơn 1.000 trụ là gia sản của cả nhà bị kẻ gian phá hoại bằng hóa chất gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Chị Trương Thị Bé (vợ anh Chuân) nói trong nước mắt: “Họ phá hoại kiểu này gia đình tôi chỉ còn cách đi ăn xin thôi mấy chú ạ. Bao nhiêu vốn liếng gia tài gia đình tôi đổ vào vườn tiêu, nay sắp đến mùa thu hoạch chuẩn bị có tiền trả nợ thì bị người ta triệt phá không còn gì. Giờ không biết lấy tiền đâu mà trả nợ nần, nuôi con cái ăn học”.

Để đầu tư vườn tiêu này, gia đình anh Chuân, chị Bé đã cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay hơn 400 triệu đồng, cộng với số tiền vay mượn anh em họ hàng hơn 400 triệu. Cùng với đó, anh chị còn nợ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cả trăm triệu đồng.

Không chỉ nợ tiền ngân hàng, để ổn định cuộc sống khi căn nhà gỗ nhiều năm xuống cấp có nguy cơ sập ảnh hưởng đến tính mạng con cái, anh chị đã vay mượn anh em bạn bè xây lại căn nhà kiên cố gần 300 triệu đồng. Mọi khoản chi tiêu trả nợ đều được gia đình anh chị trông mong vào số tiền thu hoạch tiêu từ vụ mùa năm nay. Vậy mà, chỉ trong chốc lát mọi cố gắng bao nhiêu năm vất vả chăm nom vườn tiêu đều trờ thành công cốc khi trong 1 tiếng đồng hồ kẻ gian đã đột nhập vườn tiêu phun thuốc lưu dẫn diệt cỏ, phá hoại gần 450 trụ tiêu đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch.

101115hha19145341577
Vườn tiêu của gia đình anh Chuân bị kẻ gian phá hoại, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Theo ước tính của người dân, để trồng 1 trụ tiêu từ khi xuống giống đến khi phủ trụ và bước vào thời kỳ kinh doanh hết 4 năm trời phải bỏ ra chi phí hơn 1,2 triệu đồng.

Anh Chuân chia sẻ, năm 1995, anh từ quê hương Thái Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Do cuộc sống gia đình khó khăn nên anh bươn chải đi làm thuê làm mướn khắp nơi, sau bao nhiêu năm tích góp anh mua được mấy sào đất trồng cà phê đến năm 1999 anh lập gia đình.

Đến nay gia đình nhỏ của anh đã có thêm 3 thành viên mới, với mong muốn chăm lo cho các con ăn học, anh chị không ngại gian khổ quần quật ngoài rẫy, chăm cà trồng bắp cải thiện cuộc sống.

Năm 2011, khi diện tích cà phê già cỗi, anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng tiêu để cải thiện kinh tế. Quyết tâm vươn lên giảm nghèo từ cây tiêu, anh đã tham quan học tập nhiều mô hình trồng tiêu hiệu quả trong và ngoài xã, thậm chí sang tận tỉnh Gia Lai để tìm giống, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc. Niềm vui của gia đình anh ngày càng nhân lên, khi vườn tiêu không phụ công người, tươi tốt và ra bông đơm quả.

Theo ước tính của anh Chuân, năm nay vườn tiêu gia đình anh sẽ cho thu hoạch khoảng 3,5 tấn tiêu hạt, với giá tiêu hiện nay 190 triệu đồng/1 tấn, sẽ mang lại thu nhập cho gia đình anh gần 700 triệu đồng. Còn hơn 300 trăm trụ tiêu sang năm tới mới bắt đầu bước vào thu hoạch. Với ước lượng đó chỉ cần thêm mùa tiêu sang năm là anh có thể trả hết nợ nần và bắt đầu có tiền tích góp.

Anh Chuân chia sẻ: Nếu như tiêu vào đúng vụ họ ăn trộm tuốt hạt thì mình mất năm đó còn có năm sau mà thu, chứ kẻ “thủ ác” phun thuốc thế này, thì không phương cách nào có thể cứu nổi. Họ phá vậy không chỉ năm nay trắng tay, mà 3-4 năm sau cũng chẳng có gì thu hoạch. Bởi để có trụ tiêu như bây giờ gia đình tôi lại phải đào đất, cày xới trồng lại tiêu và chăm sóc đến 4 năm sau nữa mới có thu hoạch.

Ông Phan Đăng Huy, hàng xóm chia sẻ: “Hôm gia đình vợ chồng anh Chuân phát hiện vườn tiêu bị kẻ gian phun thuốc phá hoại, người dân chúng tôi qua phụ giúp tuốt lá, dọn vườn, cắt cành, xới gốc mà ai cũng rưng rưng nước mắt khi bao nhiêu công sức của cải cả mấy năm trời giờ thành công cốc, đổ sông, đổ biến hết chỉ vì kẻ gian phá hoại quá tàn ác”.

Anh Chuân mong muốn chính quyền, lực lượng chức năng địa phương sớm tìm ra kẻ gian đã phá hoại vườn tiêu, có như vậy anh mới yên tâm làm ăn; đồng thời mong muốn ngân hàng tạo điều kiện cho gia đình đáo hạn vốn để có thêm điều kiện đầu tư lại vườn tiêu, trả nợ dần cho ngân hàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thái Thạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Toh cho biết, ngày 3-11 sau khi nhận tin báo của người dân, UBND xã đã cử các đồng chí công an xã vào hiện trường nắm tình hình và đã báo cáo bằng văn bản lên UBND huyện. Chiều cùng ngày, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kỳ cùng đoàn công tác của huyện đã xuống tận hiện trường để nắm bắt tình hình. Đoàn công tác đã lấy mẫu cây tiêu nghi bị phun thuốc gửi lên tỉnh xác minh độc tố và chủng loại. Theo ý kiến của đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, sẽ kiên quyết làm rõ sự việc này để trả lời người dân.

Thiếu tá Chu Tiến Thành, Trưởng Công an xã Ea Toh chia sẻ: “Sau khi nhận tin báo, lực lượng công an đã xuống hiện trường, nắm tình hình, động viên nhân dân ổn định tư tưởng. Hiện xã đang cố gắng làm rõ vụ việc. Nếu vụ việc do đối tượng nào đó ra tay phá hoại thì những thủ đoạn của chúng rất tinh vi. Chúng phải nghiên cứu kỹ thời gian sinh hoạt của chủ rẫy, đồng thời dùng thuốc lưu dẫn để xịt lên vườn tiêu khiến cho công tác phát hiện của chủ vườn rất khó. Bên cạnh đó, khi xảy ra sự việc có trận mưa nên mọi dấu vết tại rẫy tiêu hầu như không còn nguyên vẹn, đã gây không ít khó khăn cho công tác điều tra.

Đại Tá Hoàng Văn Vân, Trưởng Công an huyện Krông Năng cho biết thêm, hiện đơn vị này đã cho lực lượng xuống hiện trường tiến hành xác minh, điều tra. Bên cạnh đó đơn vị đang trưng cầu cơ quan chuyên môn thu mẫu giám định nguyên nhân tiêu chết để phục vụ công tác điều tra. Theo nhận định của Đại tá Vân thì đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp kẻ gian phun thuốc diệt cây tiêu trên địa bàn. Trong các trường hợp trước, kẻ phá hoại thường dùng dao cắt dây, chặt gốc nên nhiều chứng cứ còn để lại.

Anh Nguyễn Hồng Quang, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam, cho biết, qua quan sát trên các cây tiêu bị chết, cỏ và ngọn cây muồng ở bờ lô thì có thể kết luận kẻ gian đã dùng thuốc lưu dẫn phun lên vườn tiêu. Khoảng 2 đến 3 ngày sau tiêu mới có biểu hiện héo lá, thân và chết dần. Vì vậy, để cứu vãn cây trồng khi gặp phải trường hợp này thì người dân cần thường xuyên thăm vườn, thấy có biểu hiện héo lá thì nên tưới nước cho cây, đồng thời mua thêm loại thuốc có gốc canxi phun cho cây để trung hòa lượng axít trong cây.

Mong rằng cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk sớm làm rõ và nghiêm trị đối tượng có hành vi hủy hoại tài sản ở xã Ea Toh, huyện Krông Năng, bảo đảm tốt an ninh nông thôn.

Nguồn Qdnd.vn