Cần sớm ban hành quy chuẩn về chất lượng cà phê hòa tan, cà phê bột

Hiện nay, cà phê là thức uống đang được nhiều người ưa dùng. Thế nhưng, chất lượng sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan đang ở mức báo động đỏ mà vẫn còn “bỏ ngỏ”. Thực tế, hiện nay ở nước ta vẫn chưa có các quy chuẩn về chất lượng cà phê hòa tan, cà phê bột nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

940777620130824075829750

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Việt Nam cần sớm ban hành các quy chuẩn về chất lượng cà phê hòa tan, cà phê bột, quy chuẩn về đảm bảo an toàn cơ sở chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột để không những bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, mà còn góp phần tạo giải pháp chiến lược kích cầu cho tiêu dùng cà phê nội địa.

Theo các chuyên gia cà phê, những năm 1990, cà phê nguyên liệu (cà phê nhân) thiếu, đắt đỏ, nên hầu hết các cơ sở rang xay cà phê trong cả nước đã sử dụng ngô và một số loại hạt khác để độn vào cà phê. Ngoài ra, để tạo gu riêng, các cơ sở chế biến cà phê còn sử dụng một số phụ gia khác như rượu, bơ, hạt cau, thậm chí sử dụng cả nước mắm để cho vào cà phê. Hiện tượng này kéo dài đã tạo nên “gu” cà phê tạp trên thị trường cà phê rang xay. Càng về sau, “gu” cà phê này càng khuyến khích các cơ sở sản xuất chỉ chú trọng vào việc tìm kiếm các chất độn rẻ tiền hơn nhằm tối đa hóa lợi nhuận, mà không chú ý đến việc đầu tư cho công nghệ và kỹ thuật chế biến. Cũng theo các chuyên gia nghiên cứu về cà phê, ngày nay “gu” cà phê tạp này còn lây sang cả cà phê hòa tan. Các nhà sản xuất cà phê hòa tan ngày càng sử dụng nhiều chất độn mới, rẻ tiền hơn. Nếu cà phê hòa tan chỉ độn thêm đậu nành, hương liệu… thì cà phê rang xay, chất độn khá phức tạp, không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày càng nhiều, nhất là đối với các cơ sở nhỏ lẻ.

Ngay tại Đắc Lắc, nơi có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất nước (từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên mỗi niên vụ) và cũng là địa phương có hàng trăm cơ sở rang xay, sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan, hiện vẫn ngang nhiên sử dụng các chất độn, các chất phụ gia để sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan. Cụ thể, mới đây, theo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học khảo sát chất lượng cà phê bột, cà phê hòa tan lưu thông trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc do Hội Bảo vệ Người tiêu dùng và Sở Khoa học và Công nghệ Đắc Lắc tiến hành kiểm tra trên 27 mẫu cà phê hòa tan, cà phê bột của 30 cơ sở chế biến cho thấy: Ngoài nguyên liệu cà phê nhân, có 73,3% cơ sở sử dụng đậu nành, 46,7% dùng thêm ngô, 6,7% cơ sở dùng thêm đậu đỏ để độn thêm vào trong khâu chế biến cà phê. Về phụ gia thực phẩm, 80% các cơ sở dùng ca-ra-men, 63,3% dùng tinh dầu hoặc hương cà phê, 60% dùng bột va-ni, 96,7% cơ sở dùng bơ các loại, 86,7% sử dụng rượu và 3,3% cơ sở có sử dụng nước mắm trong khâu pha trộn…

Theo đánh giá của các nhà quản lý, các cơ sở sản xuất, chế biến đều cho biết: Quá trình xin cấp phép sản xuất, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc khá chặt chẽ, tức là các cơ sở phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục giấy tờ như giấy kiểm tra sức khỏe định kỳ của người sản xuất, chứng nhận tham gia tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm. Căn cứ các loại giấy tờ trên, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắc Lắc mới cấp giấy xác nhận phù hợp quy định về an toàn thực phẩm cho hoạt động sản xuất. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, tiêu chí bắt buộc đối với cà phê bột là hàm lượng caffeine là 1%, độ ẩm đảm bảo để tránh mốc.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Đắc Lắc cho biết: Mặc dù biết các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan vi phạm, có sử dụng các chất phụ gia, các loại hạt để độn, nhưng hàm lượng caffeine vẫn đảm bảo 1% thì không thể xử lý được do chưa có các quy chuẩn về chất lượng cà phê hòa tan, cà phê bột, quy chuẩn về đảm bảo an toàn cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan.

Tuy chưa có các quy chuẩn về chất lượng cà phê bột, cà phê hòa tan, nhưng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Đắc Lắc tăng cường kiểm tra, lập lại trật tự về sản xuất, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan trên địa bàn, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Mới đây, tỉnh đã xử phạt hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Sao Mai ở địa chỉ 399 đường Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột, với mức 10 triệu đồng cho các lỗi, kinh doanh không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cà phê Sao Mai, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy khám sức khỏe, chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho người trực tiếp sản xuất cà phê bột…

Hiện nay, cả nước có trên 614.545 ha cà phê, sản lượng mỗi niên vụ đạt từ 1,273 triệu tấn cà phê nhân trở lên, trong đó đã có 10% sản lượng cà phê nhân được tiêu thụ nội địa để phục vụ rang xay chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan, góp phần tăng giá trị gia tăng của cà phê nhân trong nước.