Cần nhân rộng mô hình phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng tại Tây Nguyên

Ngày 16-10, tại xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Nguyên”. Mô hình điểm được triển khai trên địa bàn xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột.

can-nhan-rong-mo-hinh-phong-chong-hiv-aids-dua-vao-cong-dong-tai-tay-nguyen-1

Các đại biểu và đông đảo người dân là đồng bào DTTS ở xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột tham dự tổng kết mô hình điểm phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên.

Tháng 7-2013, Cục phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế, Vụ Tuyên truyền và Vụ Địa phương II của Ủy ban Dân tộc cùng các cơ quan chức năng của ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chuyến khảo sát và cuối cùng chọn triển khai mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV dựa vào cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Nguyên” tại xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, bởi đây là xã có nhiều tiêu chí phù hợp.

Là một trong 21 đơn vị hành chính của TP Buôn Ma Thuột, nằm cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột khoảng 15 km về phía Tây Nam, xã Hòa Xuân có năm thôn, ba buôn đồng bào DTTS và một khu dân cư tại tiểu khu 1266. Toàn xã hiện có 1.765 hộ với 7.150 nhân khẩu, trong đó có 715 hộ đồng bào DTTS tại chỗ với 3.612nhân khẩu, chiếm 50,51 % và sinh sống tập trung chủ yếu tại ba buôn gồm: buôn Buôr, buôn Cư Dluê và buôn D’Rai H’Linh. Ngoài ra, còn một số hộ dân thuộc các DTTS khác sinh sống xen kẽ tại các thôn và tiểu khu 1266.

Theo thống kê của ngành Y tế Đắk Lắk, tính đến hết tháng 10-2013, xã Hòa Xuân có tám người bị nhiễm HIV/AIDS, gồm một người Kinh và bảy người DTTS, trong đó số nhiễm HIV mới là năm người, số đã tử vong do AIDS một người. Số người nhiễm HIV ở xã Hòa Xuân chủ yếu là lây qua sinh hoạt tình dục, từ mẹ sang con và ở lứa tuổi thanh niên. Hòa Xuân lại là địa phương nằm cách không xa trung tâm TP Buôn Ma Thuột và tiếp giáp với khu vực của ba địa phương khác nên có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhân dân cao, đặc biệt là trong đồng bào DTTS.

Vì vậy, ngay sau khi triển khai mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV dựa vào cộng đồng trong đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên” tại xã Hòa Xuân, Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tiến hành gửi tạp chí AIDS và cộng đồng cho các thôn, buôn, người uy tín, già làng của ba buôn, đồng thời cung cấp tài liệu, tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho các thôn, buôn và các cán bộ nòng cốt của xã Hòa Xuân.

Với sự tham vấn, hỗ trợ về mặt chuyên môn của ngành y tế tỉnh Đắk Lắk và sự phối hợp chặt chẽ của UBND xã Hòa Xuân, trong hơn hai năm qua, Ủy ban Dân tộc đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức được ba lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng cho các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS của xã và các thành viên nhóm nòng cốt của tám thôn, buôn thu hút gần 200 lượt người tham gia. Cùng với Trạm y tế xã Hòa Xuân tổ chức chín đợt nói chuyện chuyên đề tại ba buôn với khoảng hơn 2.000 lượt người dân tham dự. Tổ chức thành công Hội thi “Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng” thu hút hơn 30 thí sinh của sáu đội thi đến từ các thôn, buôn của xã Hòa Xuân với các phần thi hết sức sôi nổi. Hội thi được coi là một trong các phương pháp truyền thông hiệu quả nhất của mô hình.

Bên cạnh đó, UBND xã Hòa Xuân phân công cán bộ truyền thanh của xã hàng ngày viết bài và tuyên truyền trên loa phát thanh của xã để bà con hiểu về HIV/AIDS, tác hại của nó, các biện pháp phòng lây nhiễm, cách đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống HIV, cách phòng chống các tệ nạn ma túy, mại dâm…

Đặc biệt, từ cuối năm 2013, các đơn vị triển khai thực hiện mô hình phối hợp với UBND xã Hòa Xuân tổ chức cho ba buôn đồng bào DTTS ký cam kết “Buôn không có người nhiễm mới HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội” và các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS của xã Hòa Xuân ký cam kết “Gia đình không có người nhiễm HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội”.

Tiếp đó, đầu năm 2014, 2015, UBND xã Hòa Xuân tiếp tục tổ chức cho ba buôn ký cam kết “Buôn không có người nhiễm mới HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội” và toàn thể các hộ dân trong ba buôn ký cam kết “Gia đình không có người nhiễm mới HIV/AIDS và mắc các tệ nạn xã hội”. Việc ký cam kết tham gia phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép với việc ký cam kết “Gia đình văn hóa”. Kết hợp chặt chẽ phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS” với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” trong phạm vi toàn xã, trong đó chú trọng đến ba buôn đồng bào DTTS tại chỗ.

Mặt khác, trong suốt quá trình triển khai thực hiện mô hình điểm, UBND xã Hòa Xuân chỉ đạo Trạm y tế xã phối hợp với các cộng tác viên y tế thôn, buôn tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS lồng ghép trong các đợt tiêm chủng mở rộng tại các thôn, buôn. Tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn xã thu hút hàng trăm lượt người tham gia hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” do địa phương phát động…

can-nhan-rong-mo-hinh-phong-chong-hiv-aids-dua-vao-cong-dong-tai-tay-nguyen-550x413

Chị H Dum Êban, cán bộ Trạm y tế xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS trong xã nâng cao nhận thức trong phòng, chống HIV/AIDS để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Ủy ban Dân tộc Nguyễn Xuân Đức cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình điểm luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình và trách nhiệm của các cơ quan chức năng ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, mô hình còn nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người dân, nhất là các già làng, người uy tín, chức sắc tôn giáo tại địa phương… Vì vậy, qua hơn hai năm triển khai thực hiện mô hình, các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào DTTS tại xã Hòa Xuân được triển khai rộng khắp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của chính quyền và nhân dân xã Hòa Xuân, đặc biệt là trong ba buôn đồng bào DTTS tại chỗ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng.

Theo kết quả khảo sát trước và sau khi triển khai mô hình của Ủy ban Dân tộc cho thấy: Nhận thức của người dân về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người dân bị lây nhiễm HIV/AIDS và có ý thức phòng chống HIV/AIDS tăng rõ rệt. Cụ thể, tăng 25% tỷ lệ người dân trong độ tuổi 15-49 hiểu đúng về HIV/AIDS và xác định được đúng cách phòng ngừa lây nhiễm HIV, phản đối những quan niệm sai lầm phổ biến về lây nhiễm HIV không đúng hướng dẫn theo quy định của Nhà nước; tăng 20% tỷ lệ người dân trong độ tuổi 15-49 có thái độ tích cực đối với người nhiễm HIV/AIDS để họ ổn định tư tưởng và tạo cho họ tự tuyên truyền đồng đẳng; 90% cán bộ, lực lượng nòng cốt được tập huấn nâng cao nhận thức về phòng chống HIV/AIDS; 100% các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội của địa phương đều tham gia chương trình; 100% các trưởng buôn, già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tổ chức và vận động người dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS…

Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nguyễn Đức Nhuận phấn khởi cho biết: Thông qua các hoạt động truyền thông của mô hình, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân Hòa Xuân về mức độ nguy hiểm của HIV/AIDS, có ‎ý thức tự phòng, chống HIV/AIDS; nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người bị lây nhiễm HIV/AIDS… Nhóm cán bộ nòng cốt phát huy được vai trò là những tuyên truyền viên vận động người thân và những người xung quanh tham gia tích cực phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Ban Tự quản các thôn, buôn và 100% hộ gia đình trong ba buôn tích cực tham gia ký cam kết và đã thực hiện tốt cam kết “Buôn không có người nhiễm mới HIV” và “ Gia đình không có người nhiễm mới HIV”…

Nhờ đó, kể từ khi triển khai mô hình điểm đến nay, số lượng người nhiễm HIV/AIDS tại xã Hòa Xuân không tăng so với thời điểm bắt đầu triển khai mô hình (toàn xã chỉ có tám người nhiễm, trong đó có ba người mất dấu) là một kết quả đáng khích lệ, góp phần xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm no và giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Đại cho biết: Sắp tới tại Hà Nội sẽ tổng kết mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên” tại xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nếu được đánh giá có hiệu quả, đề nghị Cục phòng, chống HIV/AIDS tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Dân tộc nhân rộng mô hình tại các địa phương có cùng điều kiện nhằm xây dựng các buôn, thôn lành mạnh, không có tệ nạn hoặc giảm các tệ nạn xã hội của vùng Tây Nguyên. Có chính sách bảo đảm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS cho đồng bào DTTS, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong vùng đồng bào dân tộc. Bố trí kinh phí cho nhóm cán bộ nòng cốt hoạt động và quan tâm đến công tác khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực trong thực hiện các mô hình tiếp theo.

Nguồn Nhandan.org.vn