Cà phê Việt Nam đã vươn lên vị trí XK hàng đầu thế giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, làm gì để nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng này vẫn là câu hỏi khó đối với các cấp, ngành và địa phương. Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột 2013, Hội nghị triển vọng ngành hàng cà phê do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN-NT phối hợp với Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức sẽ bàn nhiều vấn đề này.
XK cao, giá trị thấp
Theo Bộ NN-PTNT, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chính của Việt Nam, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng từ XK, đồng thời tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân tại các tỉnh khó khăn cũng như việc làm trong ngành công nghiệp chế biến. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng XK cà phê niên vụ 2011 – 2012 đạt cao kỷ lục với 1,5 triệu tấn, kim ngạch 3,3 tỷ USD.
Tổng diện tích sản xuất cà phê ở Việt Nam hiện nay khoảng 570.000 ha, hầu hết là ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đó khoảng 93% là sản phẩm cà phê Robusta. Sản lượng hàng năm từ 755.000 đến 1 triệu tấn nhân, trong đó tiêu thụ nội địa chỉ ở dưới mức 10% (khoảng 70.000 tấn), còn lại là XK. Kim ngạch XK tăng từ 483 triệu USD (năm 2000) lên 724 triệu USD (năm 2005), đạt kỷ lục 2,1 tỷ USD (năm 2008). Giai đoạn từ 2007 – 2011 diện tích cà phê Việt Nam tiếp tục tăng với tốc độ trung bình 2%/năm và sản lượng tăng trung bình 5%/năm. Số doanh nghiệp XK cà phê hàng năm lên tới con số 168, trong đó chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp XK với khối lượng tương đối lớn.
Cà phê trở thành ngành hàng nông sản chiến lược của Việt Nam, với lượng xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, đóng góp 10% GDP nông nghiệp, 5% tổng giá trị XK, cung cấp hơn 1 triệu việc làm và tạo 50% sinh kế cho người dân Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Phát triển ngành cà phê giá trị gia tăng cao là cần thiết trong quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cũng đánh giá, hoạt động sản xuất và XK cà phê luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn, cả về chất lượng, sản lượng và giá cả. Một nghịch lý đã và đang xảy ra, Việt Nam là quốc gia XK cà phê Robusta hàng đầu thế giới, nhưng giá trị XK cà phê lại không đi cùng với thứ hạng này.
Cụ thể, nếu như vụ cà phê 2008/2009 được mùa với lượng XK trên 1,17 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 1,94 tỷ USD, thì vụ 2009/2010, sản lượng sản xuất chỉ đạt gần 1,04 triệu tấn, lượng XK xấp xỉ vụ 2008/2009 nhờ lượng hàng tồn kho từ vụ trước lớn, giá trị đạt trên 1,66 tỷ USD. Tuy con số này cũng khá khả quan nhưng năm 2010, ngành cà phê đã phải đối mặt với khủng hoảng khi giá xuống thấp và Chính phủ đã phải có chính sách “tình thế” hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp mua tạm trữ cà phê để chủ động điều tiết thị trường…
Ngoài ra, diện tích cà phê già cỗi khá lớn, liên kết giữa sản xuất và chế biến còn lỏng lẻo, chưa chú trọng đến việc sản xuất cà phê có chứng chỉ, cũng như thị trường cà phê các niên vụ tới có nhiều biến động… cũng là những khó khăn gặp phải của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Cấp thiết nâng cao giá trị sản phẩm
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, để phát triển cà phê Việt Nam bền vững, cần ổn định diện tích cà phê khai thác khoảng 500.000 ha với sản lượng từ 1 – 1,1 triệu tấn, XK khoảng 1 triệu tấn cà phê nhân, giữ được thị phần 15% trên thị trường thế giới. Ngoài thị trường truyền thống như các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thì cần nhanh chóng mở rộng thị trường ra các nước như Trung Quốc, ASEAN để đón nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, nâng mức tiêu dùng cà phê trong nước lên mức 10 – 15% tổng sản lượng cà phê.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức định kỳ 2 năm một lần, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 1 diễn ra năm 2005. Trong khuôn khổ lễ hội năm nay, nhiều hoạt động được tiến hành song song như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm thương hiệu Việt; Lễ hội đường phố; Biểu diễn nghệ thuật; Hội thi pha chế cà phê ; Hội thi nhà nông đua tài; Chương trình hành trình du lịch cà phê…
Bên cạnh đó, cần sớm có chiến lược phát triển cho cây và ngành cà phê; tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết mới; liên kết các nhà trồng cà phê thành một cụm để đầu tư chế biến cà phê ướt, sấy khô khi gặp thời tiết bất lợi; liên kết để bảo vệ quyền lợi, giữ giá bán có lợi cho nông dân; tổ chức lại mạng lưới các đại lý thu mua cà phê…
Vấn đề nâng cao giá trị XK cà phê cho cà phê Việt Nam cũng rất cấp bách và phải thực hiện bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tuyên truyền, vận động người trồng cà phê thu hái quả chín; đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến cà phê để giảm tỷ trọng XK cà phê thô.
Hiện Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với phát triển cà phê bền vững, trong đó có cơ chế chính sách cho tái canh cà phê như hỗ trợ vốn, giảm tiền thuê đất … Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Tổng công ty cà phê Việt Nam và các địa phương cũng đã và đang triển khai chương trình tái canh cà phê để đảm bảo giữ ổn định sản lượng cà phê trong 5-10 năm tới. Hy vọng với các giải pháp đồng bộ, việc nâng cao giá trị gia tăng của ngành hàng cà phê sẽ được thực hiện tốt.