Cái giá của lòng tham!

Mỗi lần nghe đứa cháu ngoại thỏ thẻ: “Lần sau, con đang xem phim hoạt hình, ngoại đừng mang ti vi đi sửa nữa nhé”, là ông S (phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) lại cảm thấy xấu hổ vô cùng. Nhắc đến chuyện sửa ti vi, ông S nhớ ngay tới việc không nên, không phải mà mình đã làm, giống như mới xảy ra hôm qua.

Chẳng là trước đây chưa lâu, do lỗi chủ quan của nhân viên điện lực khiến điện áp đột ngột tăng cao, gây cháy hàng loạt thiết bị của các hộ dân quanh khu vực nhà ông S. Trong khi hàng xóm khốn khổ vì sự cố, thì ông S lại rất vui bởi vật dụng nhà ông may mắn không bị gì. Đi đến đâu ông cũng hả hê, mặc cho người xung quanh khó chịu. Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của khách hàng, đại diện công ty điện lực đã nhanh chóng khảo sát, thống kê thiệt hại và từng bước đền bù cho các hộ dân. Thông cảm với công nhân ngành điện vì sơ ý mà phải tự bỏ tiền túi ra đền, các hộ dân đều tìm cách chia sẻ, tự mua sắm, sửa chữa những vật dụng lặt vặt trong nhà. Thế nhưng, mọi người đều bất ngờ khi ông S cũng có tên trong danh sách đền bù thiệt hại với số tiền không hề nhỏ.

Thì ra, vì tham tiền đền bù, ông S đã “bí mật” mang hai chiếc ti vi của nhà mình đi nơi khác. Rồi ông cho mời nhân viên điện lực đến, trình bày gia đình có hai ti vi bị cháy, đã mang đi sửa chữa. Quan sát tủ để ti vi ở phòng khách và giá treo trong phòng bếp nhà ông S trống trơn, đại diện công ty điện lực không mảy may nghi ngờ, chỉ nói gia đình khi sửa xong nhớ lấy hóa đơn để họ thanh toán. Chẳng biết ông S xoay xở ra sao mà có được tờ hóa đơn sửa chữa lên tới hơn hai triệu đồng. Khi nhân viên ngành điện thắc mắc về số tiền quá lớn, ông S làm bộ ngây thơ: “Tôi có biết gì về điện tử đâu, thấy ti vi hỏng thì đem ra tiệm, họ sửa hết bao nhiêu tôi báo lại với các anh. Hóa đơn chứng từ đủ cả đây”. Rồi ông nửa tỏ ra “biết điều”, nửa có ý trách móc: “Thôi, tôi với các anh “cưa đôi” số tiền này vậy. Biết thế tôi cứ để nguyên đấy cho các anh mang đi sửa, đỡ rách việc”. Biết gặp phải khách hàng cố tình “ăn vạ”, song vì không muốn đôi co và khỏi mất thời gian nên phía công ty đành chấp nhận bồi thường.

Việc ông S lợi dụng sự cố của ngành điện để “đục nước béo cò” không chỉ khiến bà con lối xóm xì xào, bàn tán, chê trách, mà còn bị chính người thân trong gia đình lên án. Dù rất ngượng nhưng ông S không đủ can đảm trả lại tiền và công khai xin lỗi. Sự trục lợi của ông S sẽ là “tấm gương” xấu cho con trẻ trong nhà, và từ ấy đến nay, ông luôn ngại ra đường vì xấu hổ…

Nguồn Qdnd.vn