Các món ăn sẽ khiến bạn phải lui tới Đắk Lắk nhiều lần

Vùng cao nguyên đầy nắng gió Đắk Lắk có những món ăn có thể khiến bạn ăn một lần là nhớ mãi.

1. Gà nướng sa lửa

Gà sa lửa là niềm tự hào của ẩm thực Đắk Lắk. Trước đây, người ta chỉ dùng gà rừng để chế biến món này vì thịt gà rừng dai, chắc, ngọt. Ngày nay, do gà rừng hiếm, người ta sử dụng gà thả vườn để làm món nướng, tuy nhiên, chỉ có loại gà quạ có lông đen nhẻm hoặc gà dưới 1kg để nướng vì thịt gà sẽ mềm nhưng không bở, lại ngọt và thơm.

ganuong
Món gà nướng “chuẩn vị” là phải ăn với cơm lam Tây Nguyên và muối chanh

Gà làm sạch, chặt đôi ướp trong muối ướt chanh giã nhuyễn và nước sả cho gà đậm đà và dậy mùi thơm. Gà không nướng trên vỉ thép mà xiên cả con qua cây tre, dóc nhỏ, nướng trực tiếp trên than hoa. Khi ăn, người ta có thể cảm nhận được mùi thơm ngào ngạt của tre tươi gặp lửa, vị quyến rũ của thịt gà nóng hổi vừa mới bắc ra khỏi bếp.

2. Gỏi lá

Gỏi lá là món ăn đậm chất rừng Tây Nguyên, được chế biến vơi nguyên liệu chính từ hơn 60 loại cây, củ các loại có nguồn gốc từ rừng già. Có thể kể ra các loại lá quen thuộc như: mơ lông, đinh lăng, sung, cải, tía tô, lá bứa, hồng ngọc, ổi, chùm ruột, lê rừng, xoài… Ngoài ra, còn có cả các loại lá mà chỉ Tây Nguyên mới có, mang đến hương vị khác lạ cho món này như: ngành ngạnh tím, trâm, lá chua, lá con khỉ, vừng…

goila
Gỏi lá rừng ăn kèm với thịt, tôm, bì heo…

Nước chấm của gỏi lá làm từ hèm rượu, được khử qua dầu ăn, trộn với một quả trứng vịt luộc, kẹp với thịt, tôm, bì heo, gia vị. Khi ăn, cuốn nhân vào trong các loại lá và chấm tất cả vào thứ nước mắm sền sệt bùi bùi đó.

3. Lẩu lá rừng

Có hơn 10 loại lá để chế biến món lẩu lá rừng, nấu cùng tôm khô và thịt các loại. Món lảu này có nguồn gốc từ người dân tộc Ê Đê, khi cuộc sống khó khăn khiến họ phải vào rừng bứt các loại lá cây về nấu canh. Trải qua thời gian, đây lại là món đặc sản của người bản địa để tiếp đãi du khách ghé thăm Đắk Lắk.

laula
Lẩu lá với hơn 10 loại lá rừng khác nhau

Các loại lá cây đều được tuyển chọn nghiêm ngặt để tránh phản ứng với nhau gây ra độc tố, một bữa lẩu lá rừng kèm theoe vài chén rượu dân tộc quả là cuộc vui không dễ gì quên được.

4. Rượu cây

Dù cách ủ rượu, lên men của loại rượu này không có gì khác biệt so với các loại rượu khác của mảnh đất Tây Nguyên nhưng cái thú nhắm rượu cùng các loại thịt nóng hổi bọc trong chiếc lá cây rừng dưới một gốc cây nào đó trong cái vẻ hoang sơ, mát mẻ thì không phải ai cũng có thể cảm nhận.

ruoucay2
Cả những người phụ nữ Đắk Lắk cũng biết cách ủ rượu cây
ruoucay
Rượu cây nổi tiếng của các dân tộc Tây Nguyên

Loại rượu này xuất phát từ thói quen uống rượu dưới gốc cây cùng tập tục lang thang trong rừng sâu của người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai… trong tháng Ninh Nơng (tháng sau khi kết thúc mùa rẫy).

5. Thịt nai

Thịt nai là món đặc sản của Tây Nguyên mà mấy năm gần đây được rất nhiều người săn lùng. Thịt nai tươi mềm thơm, vị ngọt , ít gân, có mỡ màu trắng ngà, ngon hơn cả thịt bê non. Người ta có thể chế biến thịt nai thành nhiều món như: nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử… Thịt nai cũng là một trong những món ăn khoái khẩu của rất nhiều du khách khi đến tham quan Đắk Lắk.

thitnai
Thịt nai nướng không ngấy mỡ hay quá khô như các loại thịt khác
thitnai2
Thịt nai khô – đặc sản Đắk Lắk

Mảnh đất Đắk Lắk nhiều sản vật phong phú, là nơi để du khách hòa mình vào với thiên nhiên, tìm hiểu nét văn hóa của người dân tộc nơi đây, và thưởng thức các món ăn vừa lạ mắt, vừa ngon miệng.

Nguồn Phunutoday.vn