‘Cà phê Việt không ngon vì pha bằng phin’

Chất lượng cà phê không ổn định vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ sôi của nước, độ mịn của cà phê, lực nén xuống khi pha bằng phin, và đặc biệt là chậm, tốn nhiều thời gian.

images

Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam cách tiêu dùng cà phê lại có sự đặc biệt không giống như các quốc gia khác.

Khoảng đầu thế kỷ 20, cà phê theo dấu chân người Pháp du nhập vào Việt Nam và cũng chính họ truyền đạt cho người Việt cách pha chế cà phê bằng phin.

Cách này tương đối đơn giản và không đòi hỏi thiết bị phức tạp. Nguyên tắc chủ yếu là cho nước thẩm thấu qua cà phê. Tuy nhiên chất lượng cà phê không được ngon và ổn định vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ sôi của nước, độ mịn của cà phê, lực nén xuống khi pha và đặc biệt là chậm, tốn nhiều thời gian.

Và cách pha chế này đã không còn phổ biến trên thế giới nữa. Hiện nay có nhiều phương pháp pha chế tốt hơn mà thế giới đang sử dụng. Cách pha chinh phục được nhiều người hơn trên thế giới đó là cách pha chế theo kiểu Espresso của người Ý.

Nó dựa trên áp suất hơi nước thẩm thấu qua cà phê.

Và với 1 ly cà phê ngon thì nó dựa trên 4 yếu tố:

– Chất lượng cà phê

– Nhiệt độ nước

– Lượng nước

– Và thời gian pha

Một máy pha Espresso kiểm soát được phần lớn các yếu tố đó.

Nó dùng áp suất hơi nước thẩm thấu qua cà phê nên trích ly được chất cafein tốt nhất. Nhiệt độ kiểm soát luôn cố định 96 độ C, áp suất 9 – 9,3/1cm khối, lượng nước 14ml trên 1 shot và trong khoảng 26 giây là ta có được một ly cà phê.

Chính vì thế mà pha được một ly cà phê rất ngon và đều, ly trước không khác ly sau. Cũng chính vì thế mà cách pha chế này đi khắp nơi trên thế giới, và phần lớn ngày nay tại các quán hay công sở đã có máy pha Espresso phục vụ người tiêu dùng.

Cà phê ở Việt Nam không ngon còn có một lý do đáng nói nữa là do tác động của thời bao cấp. Khi nền kinh tế thiếu hụt đói kém, nhưng nhu cầu uống cà phê vẫn cao, nên người ta đã tìm cách độn thêm những nguyên liệu dễ kiếm và rẻ tiền như bắp, đậu nành hay thậm chí là cả hóa chất. (Xem thêm: Cách phân biệt cà phê thật và hóa chất, bắp rang )

Do đó các loại cà phê không tinh chất đã xuất hiện trên thị trường. Bằng cách làm như thế, cà phê Việt Nam tách rời khỏi hành vi tiêu dùng của cà phê thế giới. Và sự tách rời đó đủ lâu để ảnh hưởng tới mức người tiêu dùng Việt Nam không còn thấy cà phê tinh khiết là phù hợp nữa.

Hiện nay, một số doanh nghiệp cà phê đã nhận ra điều đó. Và một số đã chấp nhận tiên phong trong việc trả cà phê về ý nghĩa đích thực của nó.

Và khoảng từ năm 2005 đã có một số doanh nghiệp cà phê mang máy pha Espresso về Việt Nam. Nhưng thời gian đầu không mấy khả quan. Vì hành vi tiêu dùng cũ đã quá ngấm sâu vào người tiêu dùng. Có những người họ còn nói cà phê pha máy đang bán là cà phê giả.

Và dần dần, nhờ sự phát triển của thông tin, các thương hiệu cà phê lớn du nhập vào Việt Nam đã góp phần thay đổi dần hành vi đó. Mọi người đang hiểu ra đâu mới là cà phê thật, đâu là cà phê thật sự tốt. (Xem thêm: Cà phê sành điệu của người Hà Nội )

Đến ngày hôm nay, một chuỗi những thương hiệu cà phê hàng đầu trên thế giới tiến vào Việt Nam.

Vậy câu hỏi là các thương hiệu cà phê Việt Nam chống chọi với các thương hiệu ngoại bằng cách nào?

Theo quan điểm của tôi, đó là hãy hòa nhập xây dựng những thương hiệu cà phê Việt tươi sạch phù hợp với gu cà phê của quốc tế, mang cà phê Việt Nam ra nước ngoài. Chính điều đó sẽ giúp giá trị của hạt cà phê Việt Nam nâng cao.

Nguồn Vnexpress.net