Cà phê tàn tạ hơn cà pháo

Mới đây, một trong top 20 nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại lâm vào cảnh nợ nấn bủa vây. Theo đó, 7 ngân hàng gồm: MB, VIB, Techcombank, Vietinbank, Agribank và OCB đã đến kho hàng của Công ty TNHH Trường Ngân (TX. Dĩ An, Bình Dương) để xiết nợ. Chuyện nợ nần, phá sản trong ngành cà phê đã âm ĩ từ năm 2011 với sự “ra đi” của hàng loạt công ty và đại lý thu mua cà phê nguyên liệu ở Tây Nguyên. Đây rõ ràng là tín hiệu không mấy tốt đẹp đối với ngành mang về giá trị xuất khẩu cao cho Việt Nam.

2-6

Từ giữa năm 2012, nhiều nhà phân tích đã đặt nghi ngại về khả năng Tập đoàn Thái Hòa bị phá sản. Doanh nghiệp sản xuất cà phê lớn nhất nhì Việt Nam này đã quá lạm dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư, nên lún sâu vào nợ nần.

Nợ chồng nợ

Tập đoàn Thái Hòa (THV) là một trong những DN sản xuất cà phê lớn đã có quý thứ 8 liên tiếp thua lỗ. Kết quả này, cộng với thực trạng vốn chủ sở hữu bị âm, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, nguy cơ THV dừng hoạt động, bị hủy niêm yết rất dễ xảy ra. Theo báo cáo tài chính quý I/2013, THV vừa trải qua một quý thua lỗ, với mức lỗ là 37,9 tỷ đồng.

Mặc dù đà thua lỗ đã giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn làm trầm trọng thêm bức tranh kinh doanh vốn ảm đạm của tập đoàn này. Tính chung, THV lỗ lũy kế hơn 660,4 tỷ đồng. Tính ra, THV bị âm vốn chủ sở hữu 51,7 tỷ đồng. Chỉ riêng thông tin này cũng đủ khiến THV bị hủy niêm yết buộc.

Tuy nhiên, khó khăn nhất cho THV là vướng nợ quá nhiều. Riêng nợ ngắn hạn của THV tại ngày 31/3/2013 đã gần 2.000 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 700 tỷ đồng, nghĩa là công ty đang thiếu hụt vốn lưu động nặng nề. Năm 2012, kiểm toán từng lưu ý khả năng dừng hoạt động ở THV.

Xét chi tiết nợ nần, vay ngắn hạn của THV chiếm hơn 1.328 tỷ đồng, nợ dài hạn đến hạn trả là 16,7 tỷ đồng, trái phiếu chuyển đổi 100 tỷ đồng. Theo thông tin tìm hiểu, THV vay nợ ở khoảng 10 ngân hàng như Ngân hàng Phát triển Việt Nam -VDB,Vietcombank, Agribank, Maritime Bank, BIDV, ABBank, SHB, Techcombank và VIB.

Theo kiểm toán, trong các năm 2011, 2012, riêng chi phí lãi vay ở THV đều hơn 200 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với lãi gộp. Nghĩa là doanh nghiệp (DN) làm ra không đủ trả lãi chứ chưa nói đến trả nợ gốc và các khoản chi phí hoạt động khác. Đến quý I/2013, chi phí lãi vay còn vượt cả doanh thu. Từ giữa năm 2012, nhiều nhà phân tích đã đặt nghi ngại về khả năng THV bị phá sản.

Tuy nhiên, cũng ở thời điểm ấy, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc THV đã lên tiếng trấn an. Giải pháp mà ông An nêu ra là Công ty sẽ huy động thêm vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, đàm phán để cơ cấu lại nợ. Ông An cũng đề cập tới những hợp đồng xuất khẩu mới, những khoản đầu tư ở Lào sẽ sớm có doanh thu…

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh thu của THV vẫn liên tục sụt giảm mạnh. Theo đó, doanh thu thuần năm 2011 của THV chỉ còn bằng một nửa so với năm 2010 và doanh thu năm 2012 chỉ bằng 21% năm 2011. Đến quý I/2013, doanh thu của THV cũng giảm hơn 40% so với cùng kỳ.

Công ty đã viện dẫn lý do sụt giảm giá cà phê, chi phí tài chính cao nhưng giới đầu tư cho rằng, quan trọng là THV không bán được hàng. Thêm nữa, quý I/2013, THV còn tồn kho hơn 679,3 tỷ đồng. Trong đó, cà phê thành phẩm và hàng hóa chiếm hơn 500 tỷ đồng.

Riêng nợ nần ở THV vẫn chưa được cải thiện. Theo báo cáo tài chính quý I/2013, nợ ngắn hạn của THV vẫn đang tăng lên trong khi nợ vay dài hạn lại không thay đổi. THV cũng chưa huy động được những nguồn vốn rẻ từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Năm 2011, THV từng tiến hành chào bán 30,25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cán bộ và người lao động.

Kết quả, THV chỉ bán được 60 cổ phiếu. THV từng hy vọng ở hợp tác với Haverstock Master Fund sẽ giúp huy động được 315 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc này sau đó đã bị rơi vào quên lãng. Năm 2012, THV lên kế hoạch chào bán 42,25 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 6.000 đồng/CP.

Nhưng đến nay, kết quả của kế hoạch này ra sao vẫn chưa thấy nhắc đến. Ông An đã nghĩ đến giải pháp bán bớt một số dự án đầu tư để trang trải nợ nần.Tuy nhiên, ngoại trừ việc bán dự án ở Điện Biên cho Maritime Bank, THV chưa có động thái bán tài sản nào khác.

Hiện tại, giá cổ phiếu của THV đang quanh mức 600-700 đồng/CP. Theo giám đốc một công ty chứng khoán ở TP.HCM, với tình trạng thua lỗ, số liệu còn nhiều nghi vấn và giá cổ phiếu bèo bọt, THV rất khó gọi vốn.

3-1

Ngắn cắn dài

Làm sao để THV giảm được nợ, có vốn hoạt động là bài toán nan giải. Tuy nhiên, nếu Thái Hòa chỉ là DN bình thường, có lẽ nhà đầu tư đã không quan tâm và ưu tư nhiều đến thế. Tính đến năm 2013, Tập đoàn Thái Hòa có 17 năm hoạt động. Năm 2009, xuất khẩu cà phê Arabica của THV chiếm hơn 50% của toàn ngành, xuất khẩu cà phê Robusta đứng thứ ba toàn ngành, doanh thu đạt hơn 3.200 tỷ đồng.

Thái Hòa cũng là DN duy nhất tại Việt Nam hoạt động theo mô hình khép kín, từ canh tác, thu hoạch, chế biến, dịch vụ đến xuất khẩu cà phê. Vì thế, nhiều người đã không tin THV lại có ngày rơi vào tình trạng bế tắc như hiện nay.

Theo một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực, lý do của những đổ vỡ ở THV là vì THV đã đầu tư quá nhiều và dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư. Thực tế, THV đã theo đuổi chiến lược đầu tư mở rộng và cho xây dựng hàng loạt các nhà máy, kho bãi trải dài từ Bắc vào Nam, sang cả Lào. Trong 3 năm từ 2008-2010, THV đã đầu tư xây dựng 11 dự án, trong đó có những dự án hàng trăm tỷ đồng.

Những thông tin đã công bố cho thấy, THV chủ yếu vay nợ để đầu tư. Từ năm 2009, nợ ngắn hạn của THV đã luôn ở mức hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng trước năm 2010, chuyện nợ nần của THV chưa được đặt ra vì Công ty được hưởng những mức lãi vay ưu đãi. Từ sau khi chính sách tiền tệ siết chặt, lãi vay trở thành gánh nặng cho THV.

Trong khi đó, hoạt động đầu tư lại chưa sinh lợi, còn kinh doanh của THV hầu như không tạo ra dòng tiền dương. Công ty đành dùng vốn vay để thực hiện những dự án dang dở. THV lún sâu vào nợ nần và đối diện với nguy cơ ngừng hoạt động vì những tham vọng bành trướng vượt ngoài năng lực.

Trong khi đó, theo một số người hoạt động trong lĩnh vực cà phê, xuất khẩu cà phê chịu nhiều rủi ro về giá, tỷ giá, thị trường… nên các tính toán của DN càng dễ “trật”.

Chủ nợ tới cửa kho

Công ty CP Cà phê An Giang (AGC), Trường Ngân, INEXIM Đăk Lăk… có nguy cơ nối gót khó khăn của các doanh nghiệp ngành thủy sản không thoát khỏi ách tắc nợ nần.

Không riêng THV mà Công ty CP Cà phê An Giang (AGC) đã rơi vào thảm kịch khi lỗ liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu bị hủy niêm yết. AGC là công ty do Thái Hòa nắm hơn 52% vốn nên mỗi bước đi của AGC trên thực tế có sự chi phối của lãnh đạo THV. Vì thế, theo nhiều công ty chứng khoán nhận định, nếu THV nối gót AGC thì đó cũng là điều dễ hiểu.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), thay vì các cơ sở, DN nhỏ, kể từ năm 2012 đã xuất hiện tình trạng DN có quy mô vừa và lớn lâm vào tình trạng đổ vỡ. Đây thực tế là một cảnh báo. Dễ thấy nhất là trong ngành thủy sản, một trong hai nhóm ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao của Việt Nam (cùng với nhóm hàng nông sản).

– Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa), Việt Nam có hơn 150 DN xuất khẩu cà phê.

– Cùng với Indonesia, Việt Nam là nước có sản lượng cà phê robusta cao nhất thế giới. Khoảng 90% diện tích cà phê của Việt Nam là ở Tây Nguyên.

– Tính đến 13/5/2013, tồn kho cà phê của Việt Nam trên sàn Liffe NYSE (London) là 127.270 tấn (trước đó một tuần, con số này là 126.100 tấn).

Năm 2012, hàng loạt đại gia “ngã ngựa” như: Công ty CP Thủy sản Bình An, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã, Công ty CP Thủy sản Đông Nam… đều lâm vào cảnh mất cân đối giữa tổng tài sản với các khoản nợ phải trả.

Ngành cà phê cũng nếm trải vị đắng, thậm chí còn sớm hơn thủy sản. Trong đó, phải kế đến 24 DN (nhỏ) ở Tây Nguyên phải đóng cửa do vỡ nợ. Đó là chưa kể đến các DN lớn như: Vinacafe Đà Lạt (thuộc VinaCafe Việt Nam) cũng lâm vào cảnh nợ nần, thua lỗ.

Ngay cả DN tham gia thị trường cà phê kỳ hạn đầu tiên của Việt Nam là Công ty CP Đầu tư – Xuất nhập khẩu Đăk Lăk (INEXIM Đăk Lăk) cũng không khấm khá dù không ít những thống kê cho thấy, kể từ niên vụ 2007 – 2008 đến nay, INEXIM Đăk Lăk luôn nằm trong Top 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam.

Theo đó, kể từ năm 2007, khi tiến hành cổ phần hóa, INEXIM Đăk Lăk hiếm khi đạt doanh thu, lợi nhuận cao. Theo thông tin đã công bố (phục vụ cho việc bán đấu giá 16,5 triệu cổ phần của SCIC – tương đương 23,57% vốn điều lệ tại INEXIM Đăk Lăk vào tháng 4/2011 trên sàn HNX) cho thấy, ngay tại thời điểm 31/12/2010, trong khi tổng tài sản DN đạt 369 tỷ đồng thì nợ phải trả của Công ty là 365 tỷ (chiếm 99% tổng tài sản), chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn.

4-1

Thêm nữa, vốn chủ sở hữu năm 2010 của DN lại âm 92,51% so với 2009. Ngoài ra, xét về lợi nhuận, sau khi cổ phần hóa được một năm, INEXIM Đăk Lăk không có đồng lợi nhuận nào, riêng năm 2009, Công ty kiếm được lãi 0,85 tỷ đồng (số tiền này được sử dụng để bù lỗ) và đến năm 2010, Công ty tiếp tục lỗ trên 44 tỷ đồng. Đồng thời, tính đến tháng 4/2011, DN này lỗ lũy kế trên 80,5 tỷ đồng.

Song, điều đáng nói là giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ năm 2000 đến tháng 6/2010 đều tăng, mạnh nhất là năm 2008 với 2 tỷ USD. Như vậy, việc lỗ của các DN xuất khẩu cà phê “đầu đàn” là do đâu?

Với INEXIM Đăk Lăk, nguyên nhân được xác định là chi phí lãi vay, biến động tỷ giá nhưng nặng nề là Công ty đã vấp phải các khoản lỗ khi đầu tư vào công ty liên doanh – liên kết để triển khai các dự án bất động sản (căn hộ, cao ốc văn phòng…).

Được biết, ngoài việc kinh doanh, thu mua, sản xuất và xuất khẩu cà phê, INEXIM Đăk Lăk còn đầu tư vào nhiều ngành nghề khác như: nước uống đóng chai, phân bón, vật liệu xây dựng…

Gầy đây nhất, vào ngày 6/6/2013, việc 7 ngân hàng đến kho của Công ty TNHH Trường Ngân để giải quyết các khoản nợ mà công ty này vay, một lần nữa cảnh báo về tình hình hoạt động của các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam. Theo những thông tin được đăng tải, Trường Ngân đang gánh khoản nợ hơn 600 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Công ty Trường Ngân, khoản nợ này nên được nhìn nhận từ 3 – 4 năm về trước, khi đó, Công ty phải vay với lãi suất 20%, thậm chí có lúc lên đến 24%. Áp lực về lãi vay khiến DN dần mất khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, theo một cán bộ phụ trách tín dụng cho khối DN của ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, hầu hết các hợp đồng vay vốn của Trường Ngân, hay nói rộng hơn là một số DN xuất khẩu cà phê đều là hợp đồng vay ngắn hạn (9 tháng đổ lại) nên chấp nhận mức lãi suất cao (thường là trước thời điểm 7/2012).

Hơn nữa, hiện nay, hầu như các ngân hàng đều không cho DN xuất khẩu cà phê vay với tài sản thế chấp là hàng tồn kho. Do đó, việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh doanh của DN càng thêm khó khăn.

Song, cũng theo cán bộ ngân hàng này, nếu DN chỉ đơn thuần đi theo hàng xuất – nhập thì không có chuyện lỗ, vấn đề còn lại là có hay không chuyện đầu tư tràn lan, không hiệu quả và tham gia chốt cà phê tương lai (hay còn gọi là thị trường cà phê kỳ hạn – Future market) trên sàn ngoại thì khó thoát khỏi nợ nần, thua lỗ. Được biết, ngoài Trường Ngân, vẫn còn một số DN trong Top 20 cũng đang trong tình trạng khó khăn về tài chính.

Không ít DN “than trời” vì lãi suất mà các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam đang phải chịu cao gấp 7 – 8 lần so với các DN ngoại. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của DN nội ngay trên sân nhà trong vấn đề thu mua cà phê nguyên liệu.

Song, theo bà Nguyễn Phi Vân, tư vấn cho Gloria Jeans Coffee vùng châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam tuy đứng thứ hai (sau Brazil) về xuất khẩu cà phê nhưng chủ yếu là robusta (sử dụng chủ yếu trong chế biến cà phê hòa tan), trong khi đó, vài năm trở lại đây, tỷ trọng sử dụng cà phê abrabica đang gia tăng và giá ít biến động nên hầu hết các quốc gia châu Phi đều có sự chuyển đổi, giảm diện tích robusta.

Đây là điều không chỉ các DN thu mua, kinh doanh, xuất khẩu cà phê phải cẩn trọng mà cả về chiến lược quy hoạch của ngành công nghiệp cà phê Việt Nam.