Cà phê non làm tiêu tùng chất lượng cà phê Việt Nam.

Chất lượng cà phê giảm sút do nông dân thu hoạch sớm trái xanh, gian lận để tăng trọng và tình trạng tranh mua, tranh bán…được nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh trong hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2010-2011 do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VIFOCA) tổ chức sáng 5-11, tại TP.HCM.

caphedaklak.com

tình trạng hái cà phê xanh hiện nay vẫn diễn ra phổ biến.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch VIFOCA, cho biết tình trạng hái cà phê xanh hiện nay vẫn diễn ra phổ biến và có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, đặc biệt là cà phê Arabica. Nguyên nhân có thể do giá cà phê tăng cao, người dân sợ bị hái trộm và chi phí nhân công thu hái quá cao nên thu hoạch sớm toàn trái xanh. Ngoài ra, có thể do DN thu mua không phân biệt rõ về giá giữa cà phê chín và xanh nên không khuyến khích được người dân. Niên vụ gần đây, DN chế biến khô 40% sản lượng cà phê Arabica hầu như tỉ lệ lẫn cà phê xanh non cao gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thử nếm.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, cho biết một số DN thu mua tràn lan cà phê xanh chín lẫn lộn, tranh mua tranh bán. Có DN còn trộn cà phê Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột với cà phê thu mua ở các tỉnh như Phú Yên, Bình Thuận để bán được giá cao. Hiện nay còn xuất hiện tình trạng gian lận để tăng trọng cà phê bằng cách đổ cà phê xanh, chín mới hái vào bể chứa nước ngâm, nếu ngâm khoảng 12 tiếng đồng hồ, trọng lượng sẽ tăng 14%. VIFOCA có 160 DN, trong đó 20 DN đã chiếm 70% thị phần, còn lại 140 DN mặc dù đang chia “miếng bánh” nhỏ hơn nhưng lại đang gây ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động của ngành cà phê. Đáng chú ý, trong VIFOCA có 13 DN FDI hiện tại đang chiếm 30% thị trường, dự báo sẽ tăng lên 50% trong các năm tới, thực sự là thách thức đối với DN Việt Nam.

Để khắc phục những tiêu cực trên, ông An cho biết DN phải thỏa thuận trước với hộ nông dân mua giá cao cà phê nguyên liệu chất lượng trái chín chiếm khoảng 95%, trái xanh chỉ chiếm dưới 15%. Đưa cà phê vào ngành hàng sản xuất có điều kiện, quy định tiêu chuẩn cấp phép cho DN theo từng đối tượng là hợp lý, hạn chế những DN có năng lực XK kém, gây nhiễu loạn thị trường.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VIFOCA, cho biết với việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển xuất khẩu giữa Hiệp hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về hỗ trợ vốn tín dụng lên đến 5.000 tỉ đồng, ưu đãi lãi suất thì chắc chắn năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam sẽ được tăng cao. Hiệp hội sẽ có chỉ đạo tới từng hộ nông dân các địa phương thu hoạch trái chín nâng cao chất lượng cà phê, kiểm tra DN gian lận. Đồng thời, sẽ trích quỹ hiệp hội hỗ trợ nông dân tái canh, trồng mới thay cây cà phê đã già cỗi trong thời gian nhanh nhất nếu không trong năm đến 10 năm tới sản lượng XK của VN sẽ giảm trầm trọng.

Khang Nguyen(tổng hợp)