Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, sau Brazin về xuất khẩu cà phê, tuy nhiên nhiều người không biết cà phê VN.
>> Số hợp đồng đặt cược giá cà phê tăng lên cao nhất từ tháng 3
>>4 quốc gia nhận bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot coffee”
Bởi vì cà phê của chúng ta lại không có xuất xứ ở VN, các nhà rang xay trên thế giới mua xong rồi mang về chế biến, cà phê sẽ mang tên họ, thành Nestle, Starbuck… Đây là một vấn đề lớn mà chính phủ phải vào cuộc, nếu chính phủ không vào cuộc thì không thể làm được, một sản phẩm chỉ đứng sau gạo mà không được quan tâm đúng mức cho nó thì không hợp lý”.
Đó là quan điểm của TS Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên chủ tịch tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Ông có thể nêu cho độc giả vài nét khái quát về thực trạng cà phê tại Việt Nam?
Những năm 95 đổ về trước thì cà phê Việt Nam chưa phát triển lắm, diện tích chưa nhiều, sản lượng chưa lớn, năng suất chưa cao và xuất khẩu cũng rất ít. Chủ yếu xuất khẩu cho các nước trong khối Cộng đồng chung châu Âu và để thực hiện các nghị định thư.
Sự quản lý cà phê lúc đó là theo chế độ bao cấp. Xuất khẩu lấy ngoại tệ để trả nợ, cho nên ngành cà phê lúc đó không phát triển. Và hầu hết cà phê lúc đó thì tư nhân rất ít mà chủ yếu là các nông trường cà phê từ phía Bắc như Đồng Dao, rồi từ Ninh Bình, sau đó là Phủ Quỳ, Tây Hiếu, Đông Hiếu của Nghệ An. Sau này mới phát triển thành các nông trường cà phê nhiều nhất ở vùng Đắk Lắk như các công ty cà phê Việt Đức, Tháng Mười, Phước An, Thắng Lợi… Lúc này có khoảng 30, 40 công ty, nông trường đã trồng cà phê nhưng năng suất, chất lượng còn thấp.
Đến năm 2000 thì diện tích tập trung trồng cà phê hàng năm lên hàng chục ngàn ha và Việt Nam trở thành 1 trong những nước có diện tích cà phê không phải là nhỏ, gần 600.000 ha cà phê và năng suất cà phê VN rất là cao.
Thời Pháp thuộc thì năng suất chỉ khoảng 8 tạ đến 1 tấn/1ha, sau đến thời bao cấp chỉ khoảng 1 tấn đến 1,2 tấn là cùng nhưng đến nay sản lượng đạt bình quân từ 2,3 tấn đến 2,5 tấn trên toàn quốc và nhiều nơi có khả năng đạt 5,6 tấn, thậm chí cá biệt đến 9 tấn. Và hiện VN đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê.
Nhưng nếu nói về xuất khẩu cà phê vối thì VN đứng đầu thế giới và chúng ta xuất khẩu tới hơn 43 nước trên thế giới.
Cà phê VN cũng tạo cho VN thế mạnh, thế đứng thứ 2 thế giới và cả thế giới biết nhưng ngành cà phê VN có những nhược điểm không tốt, có thể nói là sự thách thức, điểm yếu, tức là người ta khai thác cà phê 1 cách quá mức, trồng cà phê bằng kỹ thuật quá mức làm thay đổi đặc điểm vật hậu học, tức là thời gian ra hoa, kết quả của nó khác với bản chất tự nhiên của nó.
Thí dụ như người ta hái quả sớm hơn hoặc người ta tưới nước vào cho nó ra hoa cùng một lúc, bung hoa ra cả, hoặc người ta cắt cành để tạo ra cành thứ cấp. Tất các giải pháp kỹ thuật đó là cho cà phê không còn đúng nguyên chất là cây cà phê tự nhiên nữa. Cho nên là đây cũng là một điểm yếu.
Thứ 2 là cà phê VN, số lượng quả chín thu hoạch không cao, tỉ lệ quả chín trong các lô cà phê xuất là không cao. Nhiều khi người ta hái rất nhiều quả xanh, chỉ có những nông trường quản lý thật tốt thì mới có 90, 95% quả chín, còn lại hầu hết là người ta hái có nhiều quả xanh và chính như vậy chất lượng cà phê của ta trên thế giới không cao.
Thứ 3 là cà phê cần phải có diện tích sân phơi rất lớn, hàng trăm héc ta cà phê thì người ta tính cứ 100 ha thì phải có 1 ha sân phơi bằng bê tông hoặc gạch. Thế nhưng mình không có điều kiện để làm sân phơi, không phải tất cả mọi người đều có sân phơi bằng gạch hoặc bằng bê tông, họ phải phơi trên bao, trên bạt, trên tấm nilon, thậm chí phơi thẳng xuống đất. Và đây cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng cà phê. Và tỷ lệ số cà phê xuất khẩu mà bị trả lại trên thế giới thì VN cao nhất. Chiếm tỉ trọng cũng vào khoảng 50, 60% chung của thế giới, thậm chí có lúc cao hơn, có lúc gần tới 80% của thế giới, cái phần mà bị trả lại do xuất khẩu kém chất lượng.
Cái yếu kém thứ 4 là chúng lại không xuất khẩu trực tiếp cho các nhà rang xay, các nhà phân phối trên thế giới mà đều xuất khẩu qua trung gian. Rất ít cà phê VN được xuất khẩu trực tiếp và chính vì vậy gần đây, rất nhiều các tập đoàn lớn của thế giới tới như là Nestle… họ đã tràn vào VN, họ thu mua, họ xuất khẩu trực tiếp. Cũng có 1 vài công ty mới xuất khẩu trực tiếp. Vì vậy, nên chúng ta bị thua thiệt về giá, thua thiệt về lãi suất.
Điểm yếu thứ 5 là chế biến, rang xay và chế biến sâu cà phê hòa tan, tỷ lệ rất thấp không quá 7% và nhu cầu sử dụng cũng không cao.
Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả từ cây cà phê thưa ông?
Chúng ta phải dùng 1 giải pháp, đó là: công nghệ ghép chồi. Công nghệ này được đưa từ Brazin vào, đầu tiên ở Đắk Lắk năm 2002, và tôi chính là người đưa công nghệ đó vào VN, đưa cho Viện Nghiên cứu cà phê làm thử. Lúc đó, chi 1,4 tỉ đồng, để làm chương trình đó. Đến bây giờ chương trình đã thành công, và Lâm Đồng đang phát triển rất mạnh hiện nay.
Tức là, chúng ta dùng các chồi của những cây tốt, cây đẹp, cây mẹ, cây năng suất cao, cây quả lớn, chất lượng cao ghép vào gốc của các cây già. Mỗi gốc từ 2 đến 4 chồi, và sau đó thì cắt gốc, cắt cành, cắt ngọn của cây già để lại gốc và ghép chồi thì sau 1 năm là bắt đầu bói trái và đến năm thứ 3 là có năng suất ổn định.
Tuy nhiên, ghép chồi để nó không giảm sản lượng thì không phải chặt ghép tất cả các lô cà phê và chỉ ghép với 1 tỷ lệ vừa phải là : Một héc ta 1 ngàn cây. Ghép xong mới chặt cây già. Ghép chồi không nên chặt cành mà có thể ghép tỷ lệ 1/3 hay1/4 các lô cà phê hay các vườn cà phê và ghép thành 3 năm liên tục. Năm nay ghép hàng nọ hàng kia, sang năm lại ghép hàng nọ hàng kia, tức là 1/3 đến 1/4 và như vậy nghĩa là gia đình vẫn có thu nhập trong khi ghép. Đấy là phương pháp thứ 2.
Phương pháp thứ 3 là dùng các chế phẩm sinh học, phân bón để xử lý nguyên nhân tận gốc của các giải pháp tái canh. Mà trong đó, các loại chế phẩm như từ amino axit, hoặc là dùng các chế phẩm hiện nay đang được sử dụng khá rộng rãi ở Tây Nguyên như là chế phẩm Thanh Hà, NH và KH của công ty Thanh Hà tại khu công nghệ cao Hòa Lạc thì cái chế phẩm này nó có 2 loại hình có thể giải quyết được.
2 loại đang phổ biến rộng rãi ở Tây Nguyên, đã áp dụng thử 5 năm, chất lượng tốt, hiện nay thì nhiều tỉnh đã được triển khai, mở rộng, đặc biệt là Đắk Lắk, Kon Tum. Chế phẩm này, một là nó sẽ phun thẳng vào cây cà phê, vào gốc cà phê, thì nó sẽ tạo cho cây cà phê trẻ hóa trở lại và nó kích thích các chồi ngủ, các chồi bất định làm cho cây cà phê tăng nhiều chồi, cành và nó phát triển và cuối cùng thì có năng suất cao.
Và năng suất có thể tăng lên từ 1 tấn đến 1,5 tấn/ 1ha, đồng thời kéo dài tuổi thọ từ 10 đến 15 năm, tuổi kinh doanh từ 10 đến 15 năm. Đấy là những biện pháp có thể áp dụng được. Ngoài ra, cũng có thể dùng chế phẩm này cho việc trồng mới bằng cách là phun chế phẩm này vào đất nơi hố trồng cà phê, nó sẽ diệt được nấm gây bệnh, có thể trồng lại ngay, không cần phải để đất nghỉ.
Xét cho cùng nên áp dụng cả 3 giải pháp trên trong tiến trình tái canh chung của cà phê chứ không nhất thiết áp dụng 1 giải pháp. Nên khuyến cáo để mọi người có thể lựa chọn các phương pháp để áp dụng.
Vấn đề 12.000 tỉ đồng mà Bộ đề nghị cho dự án tái canh cà phê: đến giờ giải ngân được bao nhiêu?
Tôi không nắm được chính xác, nhưng chắc cũng chỉ khoảng chưa tới 10%, vì Lâm Đồng mới nói trên truyền hình hôm vừa rồi khoảng 8 ngàn mấy héc ta tái canh. Đắk Lắk chỉ mấy trăm ha. Tức là thực sự thì hiện nay là năm 2015 phải kết thúc chương trình này nhưng chắc chắn không làm được.
Vấn đề chế biến cà phê. Theo như đọc một số thông tin người ta tính, lợi nhuận đem lại cho cà phê khoảng 20 đôla thì người nông dân được hưởng có 1 đôla?
Chắc thế thôi!
Như trên ông đã đề cập là mình yếu về cái khâu chế biến rang xay thành sản phẩm như Nestle vẫn vào thu mua và họ thu lợi rất lớn từ người nông dân… Vậy theo ông thì có hướng nào để thu được nhiều tiền hơn thay vì mình cứ sản xuất thô, và cà phê mình xuất khẩu chủ yếu là loại cà phê rẻ nhất: cà phê nhân, nguyên liệu. Công nghệ chế biến này, anh có gặp những dạng sản xuất cà phê lớn ở VN?
Thực sự ra hiện nay cũng rất nhiều hãng cà phê VN sản xuất với quy mô khác nhau sản như Vina cà phê có nhà máy lớn, sản xuất cà phê rang xay hoặc cà phê hòa tan, rồi Trung Nguyên hay Cà phê Ngon ở trên Buôn Mê Thuột của 1 hãng Ấn Độ hàng chục ngàn tấn/năm, An Thái cũng là những hãng cà phê rất mạnh, hoặc là Highland…
Nhưng thực ra cái sản lượng của rang xay trong những nhà máy quy mô lớn thì chỉ đếm trên đầu ngón tay còn lại loại thứ 2 là rang xay trong dân với quy mô nhỏ của các quán cà phê tự rang xay hoặc dân tự rang xay thì khối lượng này nó rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu cộng lại thì không phải là nhỏ, cũng hàng trăm ngàn tấn 1 năm.
Cái cách giải quyết thế nào, thì tôi nghĩ quan trọng nhất là Bộ NN&PTNT nên bàn bạc với các bộ ngành đưa cây cà phê trở thành chương trình quốc gia. Có thể là một sản phẩm quốc gia hoặc 1 chương trình quốc gia. Và lúc đó, chương trình quốc gia sẽ giải quyết tận gốc tất cả các vấn đề từ giống, từ biện pháp canh tác, thu hái, thu hoạch và xuất khẩu, đặc biệt là những chương trình ưu tiên cho chế biến, rang xay cà phê hòa tan hoặc các sản phẩm khác sau cà phê. Thí dụ như rượu cà phê, bánh kẹo cà phê, hoặc là những sản phẩm khác từ cà phê.
Cái quan trọng nữa là chúng ta chưa đặt mục tiêu là quảng cáo các ngành cà phê VN ở trên thế giới cho nên trên thế giới nhiều người không biết cà phê VN, thậm chí không biết VN đứng thứ 2 thế giới, sau Brazin về xuất khẩu cà phê.
Người ta không biết gì hết. Bởi vì cà phê của chúng ta lại không có xuất xứ ở VN, các nhà rang xay trên thế giới mua xong rồi mang về chế biến, cà phê sẽ mang tên họ, thành Nestle, Starbuck… chứ không biết xuất xứ là từ VN…
Đây là một vấn đề lớn mà chính phủ phải vào cuộc, nếu chính phủ không vào cuộc thì không thể làm được, nó phải trở thành trọng tâm bởi vì 1 sản phẩm chỉ đứng sau gạo mà không được quan tâm đúng mức cho nó thì không hợp lý, cho nên phải là một chương trình quốc gia. Và phải là sản phẩm quốc gia.
Nhất là phải có một hệ thống các giải pháp, cơ chế chính sách, tài chính, quảng cáo, cuối cùng là ưu đãi đầu tư cho chế biến, ưu đãi đầu tư cho tái canh. Những cái đó mới giải quyết được vấn đề.