Cà phê Dak Lak và những bước khẳng định thương hiệu

Với lợi thế là vùng đất đỏ bazan màu mỡ điều kiện tự nhiên ít biến động, Dak Lak không chỉ là nơi hội đủ mọi yếu tố để cây cà phê phát triển tốt mà còn tạo nên sản phẩm cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt so với các vùng trong cả nước.

Đây chính là yếu tố quyết định cho thế mạnh cạnh tranh của thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đặc biệt đối với loại cà phê Robusta (cà phê vối). Cà phê Dak lak không chỉ là cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân mà còn có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Cà phê Dak lak

Cà phê Dak lak không chỉ là cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân mà còn có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Dak Lak, năm 1975 toàn tỉnh mới chỉ có 37.000ha cà phê, năm 1990 đã tăng lên 76.000 ha và đến nay có 200.161 ha với sản lượng bình quân hằng năm đạt trên 40.000 tấn nhân. Cà phê được trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là loại Robusta (hay còn gọi là cà phê vối).

Theo nhận định của các chuyên gia ngành cà phê Việt Nam, Robusta là loại cà phê nổi tiếng thơm ngon, chiếm thị phần lớn trong tổng số các loại cà phê xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Tại Luân Đôn (một trong những quốc gia có diện tích cà phê Robusta lớn) năng suất cây trồng này cũng chỉ đạt khoảng 4 – 6 tạ/ha, còn riêng tại Dak Lak, nếu chăm sóc tốt, năng suất có thể lên đến 7 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Dak Lak cho biết: để phát huy lợi thế của cây cà phê trong tỉnh, những năm qua, Dak Lak luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước cũng như các ban, ngành hữu quan trong tỉnh thông qua các đề án, chính sách, biện pháp hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành cà phê.

Cụ thể là việc thành lập Hội đồng điều hành cà phê Dak Lak (năm 2005), Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (năm 2008), xây dựng Chỉ dẫn xuất xứ địa lý cà phê Buôn Ma Thuột… Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng xây dựng nhiều đề án, ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đối với cà phê Robusta; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020, nhằm từng bước ổn định diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê Dak Lak.

Đặc biệt, từ việc khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân trồng cà phê triển khai thực hiện các chương trình cà phê bên vững được chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified, 4C, RFA…, đã có không ít doanh nghiệp, ngành chức năng trong tỉnh thực hiện ký kết xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất cà phê bền vững với bà con nông dân, bước đầu đem lại hiệu quả khá, chất lượng dần đi vào ổn định; doanh nghiệp thu mua cà phê giá cao, tạo điều kiện để người trồng cà phê hưởng lợi nhuận lớn hơn việc sản xuất cà phê truyền thống 5 – 10% (bình quân từ 60 – 100 triệu đồng/ha/năm). Bên cạnh đó, để tiếp tục phát huy tối đa nội lực, xây dựng và nâng cao giá trị kinh tế cho cây cà phê, việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế luôn phải được thực hiện thường xuyên nhằm mở rộng các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng sản phẩm làm từ cà phê…

Qua 3 lần Dak Lak tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, thu hút hàng triệu lượt khách cùng các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến tham quan và đóng góp bằng các gian hàng giới thiệu sản phẩm trong khuôn viên Lễ hội đã góp phần hình thành, xác lập thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.

Những năm qua ngành cà phê Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đưa cà phê Dak Lak trở thành một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước, có mặt tại 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến hết tháng 9 – 2012, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam là 1,36 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,85 tỷ USD/năm, Việt Nam chính thức trở thành nước xuất khẩu cà phê đứng đầu thế giới.

Từ những thế mạnh nói trên, cà phê Buôn Ma Thuột đã hội đủ các yếu tố bền vững và ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong nền sản xuất hàng hóa của tỉnh Dak Lak (giá trị sản phẩm cà phê hàng năm chiếm 35% GDP và 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh). Sản phẩm cà phê vối Robusta đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của tỉnh Dak Lak nói chung, vùng địa danh Buôn Ma Thuột nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn Báo Đắk Lắk