Chiếm vị thế “số 1” trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Đắk Lắk, cây cà phê ở đây đang được đầu tư trên mọi phương diện: quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng lẫn chất lượng sản phẩm.
Thực tế cho thấy nhiều thập kỷ qua, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đã tăng lên nhanh chóng. Từ trên dưới 100.000 ha của những năm 90 thế kỷ trước, đến nay loại cây trồng này đã tăng gấp đôi, chiếm hơn 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày và gần 33% tổng diện tích gieo trồng nói chung của tỉnh.
Do diện tích tăng nhanh và chiếm tỷ trọng khá ấn tượng trong bức tranh kinh tế Đắk Lắk hằng năm với mức đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách của tỉnh nên cà phê luôn được xem là cây trồng chủ lực của hầu hết các địa phương.
Hoạt động sản xuất cà phê trên địa bàn Đắk Lắk đã giải quyết việc làm cho hơn 360.000 lao động trực tiếp và hơn 120.000 lao động gián tiếp. Đời sống của hàng vạn nông hộ ở đây gắn bó với cây cà phê và cũng nhờ đó cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện nhờ giá trị kinh tế từ loại cây trồng này mang lại.
Tuy nhiên, khi nhìn vào hoạt động sản xuất cà phê ở nơi được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam này, nhiều người cho rằng vẫn còn bộc lộ những bất cập đáng lo ngại.
Trước hết là việc quy hoạch cà phê ở đây hiện đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát, trong đó nguồn nước tưới là vấn đề nóng bỏng và thường xuyên nhất phải đối mặt.
Theo Nghị quyết 24/2017/NQ – HĐND của HĐND tỉnh về “Phát triển cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 24) thì diện tích cà phê trong quy hoạch của tỉnh ở mức 180.000 ha, trong đó có từ 75 – 80% diện tích đảm bảo nguồn nước tưới vào mùa khô hằng năm.
Song, nhìn những gì đang diễn ra trong đời sống sản xuất cà phê ở Đắk Lắk hiện nay thì dường như quy hoạch trên đã bị phá vỡ. Diện tích cà phê đã tăng lên khoảng 221.000 ha, vượt quy hoạch hơn 40.000 ha, điều đó đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó nguồn nước tưới là vấn đề nan giải nhất, không chỉ đối với diện tích cà phê ngoài quy hoạch, mà trong quy hoạch cũng thế – đều không đảm bảo khi mùa khô đến.
Mới đây, vào trung tuần tháng 3/2024, qua khảo sát của HĐND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 24 tại một số địa phương đã cho thấy các công trình thủy lợi hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 30% diện tích cà phê (trong quy hoạch 180.000 ha), chưa đạt mục tiêu đảm bảo 75 – 80% diện tích cà phê chủ động được nước tưới theo Nghị quyết đề ra. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống thủy lợi trên địa bàn Đắk Lắk phục vụ nước tưới cho diện tích cà phê hiện hữu chỉ đáp ứng khoảng 50.000 – 60.000 ha, còn lại phải sử dụng nước tưới từ giếng đào, giếng khoan và bơm trực tiếp từ sông suối.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguồn nước nói trên hiện cũng đang sụt giảm nhanh chóng do những tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó, nắng nóng và hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt khiến nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất cà phê, nhất là diện tích cà phê ngoài quy hoạch trở nên hết sức nghiêm trọng.
Làm việc với một số địa phương về việc thực hiện Nghị quyết 24, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhìn nhận: Hàng trăm nghìn héc-ta cà phê bị khô héo, mất trắng, hoặc ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, chất lượng sản phẩm vì thiếu nước tưới trong mùa khô hằng năm là tình cảnh mà người làm cà phê phải thường xuyên đối mặt và hứng chịu trong vòng 20 năm trở lại đây đã cho thấy sự bất cập trong việc quản lý, quy hoạch và phát triển diện tích cà phê theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như đã và đang xảy ra.
Một bất cập nữa là cơ cấu vùng trồng cà phê ở Đắk Lắk còn quá manh mún và tự phát. Đến nay chỉ có hơn 10% diện tích cà phê do các doanh nghiệp quản lý, gần 90% diện tích còn lại do các hộ cá thể làm chủ với quy mô trung bình 0,8 – 1 ha/hộ.
Vì vậy, việc triển khai đồng bộ những tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê từ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến, xuất khẩu còn gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện có gần 80% diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh được người dân trồng bằng giống cây thực sinh, chứ không qua chọn lọc và sự kiểm nghiệm khoa học nào của cơ quan chuyên môn.
Vì vậy, năng suất cà phê không cao, kích thước hạt nhỏ, không đồng đều và dễ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt là vấn nạn người sản xuất đã quá lạm dụng bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng với hàm lượng lớn nhằm đạt năng suất tối đa, đã không những làm cho cây cà phê nhanh chóng bị kiệt sức, mà còn làm cho môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, khó phục hồi để cân bằng sinh thái và phát triển bền vững trong tương lai.
Từ những bất cập trên đã khiến “ngôi vương” của cà phê Đắk Lắk thiếu bền vững – không những trong hoạt động sản xuất, quản lý và giám sát vùng trồng, kiến tạo hệ sinh thái phù hợp giúp vườn cây phát triển, mà ngay trong cả việc tìm kiếm, thúc đẩy chuỗi gia tăng giá trị cho ngành hàng chiến lược này cũng chưa thật sự rộng mở và bứt phá.
Rõ ràng, thu hẹp dần và tiến tới xóa đi những bất cập ấy là đòi hỏi bức thiết đặt ra đối với các cấp, ngành hữu trách và cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê nói chung trên địa bàn tỉnh để vị thế của loại cây trồng chiến lược này luôn được giữ vững.
Theo Đình Đối (báo Đắk Lắk)