Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công văn trả lời Bộ Công Thương, nhất trí đưa càphê vào mặt hàng xuất khẩu có điều kiện. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm doanh nghiệp càphê bị loại bởi điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia xuất khẩu là kinh nghiệm thị trường, điều kiện kho bãi, bảo quản, chế biến và năng lực tài chính.
Cà phê trở thành mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội càphê, cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết,trên thị trường càphê Việt Nam có 150 doanh nghiệp thương mại hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp thương mại càphê đúng nghĩa và 8 nhà rang xay, chiếm 80% sản lượng.
Thực tế, ngành hàng càphê không thiếu kho bãi bảo quản như lúa gạo, nên người trồng càphê không phải chịu áp lực bán gấp sau khi thu hoạch. Vì vậy trên thị trường chủ yếu là các nhà máy rang xay, chế biến… và thiếu những doanh nghiệp đủ mạnh có thể cân đối xuất khẩu.
Chính điều này khiến xảy ra tình trạng, chất lượng càphê Việt Nam luôn được đánh giá cao hơn càphê của Indonesia nhưng giá luôn luôn thấp hơn do có quá nhiều đơn vị tham gia xuất khẩu, chào đủ mọi giá khiến nhà nhập khẩu tìm mọi cách ép giá càphê Việt Nam.
Như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực đến mấy cũng không thể chống đỡ nổi cách làm ăn như phá thị trường.
Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, lẽ ra càphê xuất khẩu của Việt Nam luôn hưởng mức cao hơn ít nhất từ 50-60 USD/tấn. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ thiếu năng lực và tài chính luôn theo cách làm “lãi 1 đồng cũng bán,” có phá sản thì lập công ty khác, làm đảo lộn cả thị trưởng, ảnh hưởng đến lợi ích chung của cả ngành.
Theo ông Lương Văn Tự, việc sàng lọc doanh nghiệp bằng điều kiện bắt buộc là việc mà lẽ ra nên làm từ lâu. Nhiều nhà nhập khẩu thế giới đã ngỏ ý nếu Việt Nam kiểm soát được thị trường, duy trì được ổn định họ sẽ sẵn sàng mua cao hơn 100 USD/tấn, điều này đồng nghĩa với việc, sản lượng xuất khẩu hàng triệu tấn/năm của như hiện nay thì ngành càphê có thể mang về hàng trăm triệu USD.
Theo dự đoán của Vicofa, nếu áp dụng điều kiện trong kinh doanh, xuất khẩu càphê, sẽ có khoảng 50-60 doanh nghiệp đủ điều kiện. Đây là giải pháp chiến lược nhằm nâng cao giá trị bằng đổi mới công nghệ đầu tư phát triển chế biến sâu của ngành hàng này.
Trong khi Vicofa ủng hộ việc sàng lọc doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu càphê như vậy, không ít doanh nghiệp tỏ ra lo ngại nếu áp dụng điều kiện nêu trên, trong tương lai gần sẽ chỉ có doanh nghiệp nước ngoài đủ điều kiện tham gia thị trường, thế độc quyền sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp lớn từ đó khó tránh khỏi tình trạng ép giá…
Nhưng với cương vị một doanh nghiệp đứng đầu ngành hàng càphê, ông Nguyễn Công Hoàng phân tích, hiện Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn càphê/năm, trong đó lượng xuất từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tới 800.000-900.000 tấn nên rất khó có thể để doanh nghiệp nước ngoài thắng thế.
Trái lại, doanh nghiệp trong nước có rất nhiều lợi thế từ cơ sở hạ tầng, mạng lưới thu mua… nếu không bị các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm làm liều thì doanh nghiệp trong nước dư sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Từ đó, những doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ trở thành những nhà cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong và ngoài nước.
Hiepcoi