Cà phê – hàng hóa vụ mới ra thị trường trễ so với các năm trước. Tưởng gánh nặng sản lượng mùa vụ 2011-12 thời gian sau Tết cổ truyền vẫn sẽ làm giá cà phê chìm trong lo lắng của nông dân. Nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Tháng Hai nổi gió
Phải nói rằng, trong suốt cả tháng 2-2012, là tháng ngay sau Tết, giá đã trỗi dậy mạnh mẽ, như trận gió mát cuốn đi mọi lo toan của người trồng cà phê trong nước. Nếu như trong tháng 1-2012, giá còn đì đạch có khi xuống dưới mức 1.800 đô la/tấn và ngay ở thời điểm cuối tháng, giá kỳ hạn vẫn còn oằn mình khó chịu dưới mức 1.900 đô la/tấn, thì qua tháng 2-2012, giá bung lên hùng hổ với những đợt vắt giá tăng có lợi cho người bán.
Nhiều tin có lợi: xuất khẩu Việt Nam trong tháng 1-2012 chỉ đạt trên 110.000 tấn, lượng tồn kho cà phê châu Âu giảm xuống mức thấp kỷ lục với 10.033.118 triệu bao (bao 60 kg), cũng như tồn kho robusta được NYSE Liffe công nhận chất lượng (certified) giảm quá bán, chỉ còn 210.970 tấn so với đỉnh là 417.420 tấn vào tháng 7-2011.
Các tin này đã buộc thị trường trả giá cao cho các tháng giao hàng gần. Nên, có lúc giá giao hàng tháng 3 đã tăng cao hơn giá tháng 5-2012 đến trên 200 đô la/tấn. Ngay tại thời điểm cuối tuần này, giá tháng 5 lại vẫn cao hơn giá tháng 7-2012 trên 20 đô la/tấn.
Thị trường cần hàng, đành phải trả giá cao. Giá tháng giao hàng cận kề cao hơn tháng xa, thường được gọi là thị trường giá đảo (inverted market) hay có giá vắt (squeezed price). Thiên hạ đua nhau mua trên thị trường kỳ hạn tháng 3, đẩy giá tăng, kéo theo giá tháng sau tăng. Nhờ vậy, chỉ nguyên trong tháng 2-2012, giá ngày cuối tháng cao hơn giá ngày đầu tháng đến 161 đô la/tấn.
Qua đầu tháng 3, giá kỳ hạn có dịu lại. Giá đóng cửa tháng giao dịch chính, tức tháng 5-2012 ngày cuối tuần, trên thị trường kỳ hạn robusta NYSE Liffe London phiên cuối tuần hôm qua tức rạng sáng thứ Bảy 3-3-2012 giờ Việt Nam tăng nhẹ, nhưng vẫn còn kiên quyết giữ mức 2.000 đô la/tấn so với giá ngày thứ sáu tuần trước đã giảm đến 36 đô la/tấn.
Giá nội địa “giăng buồm”
Giá cà phê robusta nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên cuối tháng 1-2012 ở mức 36.500 đồng/kg. Nhờ những đợt vắt giá trên các thị trường kỳ hạn trong tháng 2, giá đã quay lên lại trên mức 40.000 đồng/kg. Đến sáng nay, giá robusta nội địa quanh mức 39.500 đồng/kg, cao hơn mức cuối tháng 1 chừng 3.000 đồng/kg.
Khi chạm mức 40.000 đồng trở lên, hàng ra thị trường khá mạnh. Đặc biệt, trong số đó, có nhiều đại lý tranh thủ bán ra một lượng hàng đã mua đón trước đó ở các mức cao tránh lỗ hay chấp nhận hòa vốn trước sự phức tạp của giá trên thị trường kỳ hạn năm nay.
Giá tăng, đã kích một lượng hàng khá lớn bán và giao xuất khẩu. Theo con số của các cơ quan chuyên ngành, xuất khẩu cà phê tháng 2-2012 của Việt Nam ước đạt từ 180.000 đến 200.000 tấn, đã giúp giảm bớt phần nào áp lực hàng đọng nhiều trong thị trường nội địa.
Thị trường chưa “vắt hết nước”?
Đến ngày thứ Năm 1-3, thị trường bắt đầu vào tháng giao hàng cho các hợp đồng kỳ hạn (futures contracts). Theo luật lệ của sàn hàng hóa robusta NYSE Liffe, chỉ có loại cà phê nào phù hợp chất lượng theo qui định của thị trường này và đã được NYSE Liffe chấp nhận chất lượng (certified) mới có quyền mua bán trên sàn. Còn những loại chất lượng cà phê robusta khác như loại 2, 5% đen vỡ và nhiều thương phẩm tốt xấu khác bán cho khách không theo chất lượng qui định của sàn, chỉ giao dịch bên ngoài, không nhất thiết phải theo giá kỳ hạn.
Vì vậy, không nên nhầm tưởng rằng các thị trường và hợp đồng nhất thiết phải theo giá sàn robusta NYSE Liffe. Như thế, các loại cà phê này được bán theo hợp đồng giao sau (forwards contracts). Tùy theo chất lượng và điều kiện hợp đồng giao sau mà có giá riêng cho các bên giao dịch.
Trên thị trường kỳ hạn, sau khi đưa giá cách biệt của tháng 3 tăng có khi trên 200 đô la/tấn so với tháng 5, cơ cấu giá của hai tháng này nhanh chóng hạ nhiệt và đang cố gắng quay về mức bình thường. Giá tháng giao hàng (spot) hiện nay đang thấp hơn giá tháng 5 vài ba đô la.
Thế nhưng, giá tháng 5, tháng giao hàng mới sau khi tháng 3-2012 mất đi trên bảng điểm, trong mấy ngày gần đây nhỉnh hơn giá tháng 7 chừng 20 đô la. Chỉ cần cách biệt như thế này, thị trường cũng gọi đó là giá đảo nghịch (inverted market).
Tại sao không mạnh bạo như đợt vắt giá của tháng trước?
Rất có thể lượng hàng xuất khẩu tháng 2-2012 như đã được ước lượng khá lớn. Điều đó tạo hy vọng khả năng cung cấp hàng nhiều hơn trong những tháng kế tiếp. Bấy giờ, không chỉ từ nước ta mà có thể từ các nước cạnh tranh khác như Indonesia và Brazil. Cũng chính vì thế mà giá tháng 7-2012 đang ở mức dưới 2.000 đô la tấn trên thị trường kỳ hạn robusta London sáng nay so với giá tháng 5-2012 là 2.020 đô la.
Theo dõi bảng giá và các động thái của thị trường robusta vừa qua, nhiều người đang còn hy vọng và cho rằng giá vắt vừa rồi vẫn chưa đủ và đang ngóng đợi một đợt vắt mới với suy nghĩ do thị trường kỳ hạn thiếu hàng giao.
Thực ra, ai cũng có quyền tin và mong giá cả thị trường tăng tiếp. Nhưng cẩn trọng vẫn không thừa.
Hãy nhìn qua thị trường kỳ hạn arabica Ice New York, từ suốt nhiều tháng nay, lượng arabica được sàn hàng hóa Ice xác nhận chất lượng chỉ quanh mức 95.000 tấn (1,5 triệu bao). Tuy nhiên, giá sàn này bấy lâu nay hoàn toàn không bị “vắt”. Ngược lại, lượng tồn kho robusta có chất lượng NYSE Liffe cực lớn, trước đây trên 400.000 tấn nay vẫn còn trên 200.000 tấn nhưng giá được các “vị ân nhân” quan tâm “vắt” liên tục. Vì hàng thiếu ư? Vì tồn kho giảm chắc?
Thế mới thấy sự bất thường của thị trường cà phê robusta của hôm qua và hôm nay.