Bị truy tố vì làm giả thương binh lãnh tiền chính sách

Ngày 28/10/2015, Viện kiểm sát nhân dân huyện Buôn Đôn đã ban hành bản Cáo trạng truy tố 03 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

lap-ho-so-gia-thuong-binh-de-huong-che-do-0535-550x408

Ba bị can bị truy tố là Nguyễn Hy Vọng (SN: 1952), trú tại: Buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn; Nguyễn Mạnh Tiến (SN 1952) trú tại: Thôn Hòa Nam 2, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn và Nguyễn Thanh Mão (1952) trú tại: 43 Trần Hưng Đạo, Phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk;

Theo cáo trạng truy tố: Nguyễn Hy Vọng, Nguyễn Mạnh Tiến và Nguyễn Thanh Mão trước khi thực hiện hành vi phạm tội đều nguyên là quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Vọng nhập ngũ vào Quân đội tháng 4/1970 đến năm 1977 chuyển ngành; Tiến nhập ngũ vào Quân đội tháng 02/1975 đến năm 1980 xuất ngũ (phục viên) về địa phương; Mão nhập ngũ vào Quân đội tháng 4/1970 và công tác trong quân đội đến năm 2005 nghỉhưu theo quy định của Nhà nước.

Trong thời gian phục vụ trong Quân đội, ngày 12/02/1972  Vọng dùng súng AK bắn vào dây cáp buộc cầu, do sơý nên trúng tay dẫn đến bị thương cụt ngón tay cái bàn tay trái, với tỉ lệ thương tích 12% (theo lời khai của Nguyễn Hy Vọng); còn Tiến không bị thương tích trong thời gian phục vụ trong Quân đội.

Để làm hồ sơ giả chế độ thương binh, đầu tháng 3/2009 Vọng nhờ em ruột của mình là Nguyễn Phiên, thường trú tại số 218 Lê Thánh Tông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (là bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk) đưa đến nhà Nguyễn Thanh Mão (nguyên là Phó bệnh xá trưởng phụ trách công tác chính trị của bệnh xá 48 – Tỉnh đội Đắk Lắk) là bạn của Nguyễn Phiên để nhờ hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ xin giải quyết chế độ thương binh (lấy lý do hồ sơ bị thương trong thời gian tham gia Quân đội đã thất lạc trong quá trình lưu giữ).

Sau khi gặp và nghe Vọng kể về trường hợp bị thương, cũng như tình trạng thương tích, Mão nói với Vọng không đủ điều kiện để hưởng chế độ thương binh theo quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên,  Vọng đề nghị Mão cố gắng giúp đỡ, chi phí bao nhiêu Vọng sẽ lo, cuối cùng Mão đồng ý giúp. Mão điện thoại gặp ông Lý Văn Xiểng, thường trú tại thôn 12, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk nhờ giúp làm hồ sơ cho Vọng.

Ông Xiểng đồng ý và cho Mão biết trường hợp của Vọng chỉ cần có Giấy chứng nhận bị thương giả và Quyết định phục viên giả là làm được hồ sơ xin giải quyết chế độ thương binh; chi phí để mua hai loại giấy tờ giả trên là 10.000.000đ (mười triệu đồng). Mão điện thoại trao đổi với Vọng và được Vọng đồng ý. Vọng đưa trước cho Mão số tiền 3.000.000đ (ba triệu đồng), số tiền còn lại khi nào Mão giao các giấy tờ giả nêu trên thì Vọng thanh toán đủ.

Trong quá trình nhờ Nguyễn Thanh Mão mua giấy tờ giả để hợp thức hồ sơ hưởng chế độ thương binh, Vọng đã kể cho Nguyễn Mạnh Tiến là bạn của mình biết.

Do cũng muốn được hưởng chế độ thương binh của Nhà nước nên Tiến nhờ Vọng đưa đến gặp Mão để mua Giấy chứng nhận bị thương giả để hợp thức hồ sơ xin giải quyết chế độ thương binh, được Vọng đồng ý.

Sau khi đến nhà gặp và được Mão đồng ý giúp mua Giấy chứng nhận bị thương giả cho Tiến với giá 11.000.000đ (mười một triệu đồng); Tiến đưa trước cho Mão số tiền 6.000.000đ, số tiền còn lại Tiến thanh toán đủ khi Mão giao Giấy chứng nhận bị thương giả cho Tiến.

Sau khi nhận tiền của Vọng và Tiến; Mão ghi các thông tin như: Ngày nhập ngũ, đơn vị, ngày bị thương, nơi bị thương, lý do bị thương và các vết thương có trên cơ thể của Vọng và Tiến (kể cả những vết thương không phải Vọng và Tiến bị thương trong lúc làm nhiệm vụ trong Quân đội) theo hướng dẫn của Lý Văn Xiểng. Các thông tin trên và số tiền Vọng và Tiến đưa trước đã được Mão giao cho  Xiểng mua Giấy chứng nhận bị thương giả và Quyết định phục viên giả như thỏa thuận trước đó với Mão.

Khoảng nửa tháng sau, Lý Văn Xiểng đã đưa Giấy chứng nhận bị thương giả và Quyết định phục viên giả của Nguyễn Hy Vọng và Nguyễn Mạnh Tiến cho Nguyễn Thanh Mão; sau đó Mão thông báo cho Vọng và Tiến đến nhà lấy các giấy tờ trên.

Mão đưa cho Vọng Quyết định phục viên số 234/QĐ, ngày 11/12/1980 do Trung đoàn 574 ban hành và Giấy chứng nhận bị thương số 102/GCNBT, ngày 20/6/1972 do Trung đoàn 574 ban hành (trong giấy chứng nhận bịthương ghi Nguyễn Hy Vọng bị các vết thương sau: Vết thương sau đầu trái, vết thương sau trên đùi phải, vết thương gãy giữa 2 xương cảng chân trái, vết thương cụt đốt 1 ngón cái tay trái, vết thương sức ép thủng nhĩ phải).

Đưa cho Tiến Giấy chứng nhận bị thương số 87/CNBT, ngày 10/3/1980 do Trung đoàn 210 ban hành (trong giấy chứng nhận bị thương ghi Nguyễn Mạnh Tiến bị các vết thương sau: Vết thương cơ đen ta tay trái, vết thương gân Axin chân trái, vết thương gãy giữa xương quay tay phải, vết thương vùng bẹn phải, vết thương chột dưới vú trái). Sau khi nhận các giấy tờ trên, Vọng và Tiến đã thanh toán đủ số tiền còn lại cho Mão theo thỏa thuận; sau đó Mão giao tất cả số tiền trên cho Xiểng.

Tháng 3/2009, sau khi có Giấy chứng nhận bị thương và Quyết định phục viên giả, Nguyễn Hy Vọng và Nguyễn Mạnh Tiến làm đơn xin giải quyết chế độ thương binh kèm theo hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi được Ủy ban nhân dân xã Ea Nuôl xác nhận vào hồ sơ xin giải quyết chế độ thương binh,  Vọng và  Tiến đưa toàn bộ hồ sơ xin giải quyết chế độ thương binh gửi đến Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk để giải quyết chếđộ thương binh.

Tại Biên bản giám định thương tật số 14015/GĐYK và số 14004/GĐYK  ngày 12/8/2010 của Hội đồng giám định y khoa Quân khu 5, kết luận tỷ lệ thương tật của Nguyễn Hy Vọng là 33%; tỷ lệ thương tật của Nguyễn Mạnh Tiến là 27%.

Với kết quả thương tật nêu trên, Quân khu 5 thực hiện việc di chuyển hồ sơ thương binh của Vọng và Tiến đến Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk để tiếp nhận, quản lý chi trả.

Vọng đã nhận chế độ trợ cấp thương binh hàng tháng do Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Buôn Đôn chi trả và các khoản ưu đãi khác với số tiền đã nhận là 73.362.000đ (bảy mươi ba triệu ba trăm sáu mươi hai ngàn đồng) và Tiến nhận với số tiền đã nhận là 64.575.000đ (sáu mươi bốn triệu năm trăm bảy mươi lăm ngàn đồng).

Sau khi hành vi phạm tội của Nguyễn Hy Vọng và Nguyễn Mạnh Tiến bị phát hiện, Vọng và Tiến đã tự nguyện giao nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt được trong thời gian hưởng chế độ chính sách cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Buôn Đôn.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Buôn Đôn, Nguyễn Hy Vọng, Nguyễn Mạnh Tiến và Nguyễn Thanh Mão đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với các tài liệu và chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ vụ án. Hiện nay các bị can đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nguồn Vksdaklak.gov.vn