Bị thu hồi giấy phép, HTX lập công ty xin khai thác cát tiếp

Năm 2017, HTX Giang Sơn bị thu hồi giấy phép khai thác cát do có nhiều vi phạm. Tuy nhiên, năm 2018, các xã viên của HTX này đã thành lập ra công ty mới, dùng số liệu báo cáo thiếu trung thực để trình cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, xin cấp giấy phép khai thác mới.

Trước đây, HTX Giang Sơn từng bị người dân phản ánh hút cát sát bờ, gây sạt lở

Báo cáo thiếu thuyết phục

Tháng 3/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Lắk đã có tờ trình xin chủ trương của UBND tỉnh này về việc cấp giấy phép khai thác cát cho Công ty cổ phần Đoàn Chính Nghĩa.

Tuy nhiên, những người chủ công ty Đoàn Chính Nghĩa chính là những xã viên của Hợp tác xã (HTX) Giang Sơn (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), một đơn vị từng có rất nhiều vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và bị thu hồi giấy phép.

Cụ thể, HTX này từng được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Ana từ năm 2011-2016 (gia hạn tới 2018), với chiều dài hơn 6km, từ cầu Giang Sơn (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) đến khu vực đầu buôn Mliêng, xã Đắk Liêng (huyện Lắk).

Tuy nhiên, trong quá trình được cấp phép khai thác cát, HTX Giang Sơn đã để nhiều tàu và phương tiện khác vào địa phận của mình quản lý khai thác cát trái phép, gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, thất thoát tài nguyên quốc gia.

Năm 2017, UBND huyện Cư Kuin buộc phải phong tỏa tài khoản của HTX Giang Sơn. Cũng trong năm này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép hoạt động khai thác cát của HTX Giang Sơn vì những lý do như: khai thác vượt mức cho phép, gây sạt lở bờ sông, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính…

Cơ quan chức năng tại Đắk Lắk từng có rất nhiều văn bản liên quan đến việc chấn chỉnh hoạt động của HTX Giang Sơn

Tháng 4/2018, các xã viên của HTX Giang Sơn thành lập ra Công ty Cổ phần Đoàn Chính Nghĩa với các lĩnh vực kinh doanh như khai thác, chế biến cát, đá, vật liệu xây dựng…

Tháng 1/2019, Công ty Đoàn Chính Nghĩa có tờ trình gửi đến Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk xin lập hồ sơ, khai thác trữ lượng cát còn lại tại sông Krông Ana, đoạn qua các xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin), xã Yang Reh, xã Đắk Liêng (huyện Lắk) và xã Du Kmăl (huyện Krông Ana) với chiều dài hơn 6km.

Những con “tàu ma”, không biển số, bảng hiệu hút cát sát bờ trên địa phận do HTX Giang Sơn được cấp phép (ảnh tư liệu năm 2017)

Không cấp phép cũng bị khai thác?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thiềm-Trưởng Phòng quản lý Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk) cho hay, tiền thân của Công ty Đoàn Chính Nghĩa là HTX Giang Sơn. Tuy nhiên, HTX này hoạt động không hiệu quả, chủ nhiệm không đủ năng lực, không quản lý được xã viên. Hơn thế, mô hình HTX không phù hợp với việc khai thác khoáng sản vì tàu của xã viên, tự mạnh ai người nấy làm, tự bán cát mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Sau khi bị thu hồi giấy phép, các xã viên của HTX Giang Sơn đã tổ chức lại, thành lập công ty Đoàn Chính Nghĩa và thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp thuế còn nợ trước đây. Đồng thời, phía công ty này có tờ trình, xin cấp phép khai thác cát ở địa phận cũ.

Cũng theo ông Thiềm, sau khi HTX Giang Sơn bị thu hồi giấy phép, đoạn sông Krông Ana từ khu vực cầu Giang Sơn (xã Hòa Hiệp) đến đầu buôn M’Liêng (xã Đắk Liêng), vẫn bị khai thác cát trái phép. Do đó, chính quyền địa phương cũng đề nghị phía Sở TN&MT xem xét, cấp giấy phép khai thác cát cho Công ty Đoàn Chính Nghĩa để đoạn sông này “có chủ”, có người quản lý.

Ông Thiềm trao đổi: “Rõ ràng, lực lượng chức năng địa phương không thể túc trực thường xuyên 24/24 để bảo vệ sông, ngăn chặn khai thác khoáng sản. Hiện Công ty Đoàn Chính Nghĩa đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính về thuế mà HTX Giang Sơn ngày trước còn nợ. Do đó, Sở đang xin chủ trương của UBND tỉnh để lập hồ sơ đối với Công ty Đoàn Chính Nghĩa. Việc xem xét, cấp lại giấy phép khai thác cát cho Công ty Đoàn Chính Nghĩa là hợp lý, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con, vừa có người trông coi, bảo vệ đoạn sông này”.

Nhiều điểm sạt khoét vào chân núi hiện nay trên dòng sông Krông Ana

Tại buổi làm việc, ông Thiềm cũng thừa nhận, trữ lượng cát tại đoạn sông mà Công ty Cổ phần Đoàn Chính Nghĩa xin cấp phép không còn nhiều. Hơn thế, trong quá trình khai thác trước đây, HTX Giang Sơn báo cáo sản lượng cát không đầy đủ, không trung thực.

Do đó, Sở TN&MT chỉ căn cứ vào việc HTX Giang Sơn đã đóng hơn 400 triệu đồng tiền cấp quyền khai thác với khối lượng 133.911m3 cát để trình UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, cho chủ trương.

“Theo tính toán của chúng tôi, lấy 133.911m3 mà HTX Giang Sơn đã đóng tiền cấp quyền khai thác trừ đi 59.230m3 cát đã khai thác thì còn lại hơn 70.000m3 cát. Như vậy, phía Sở chỉ xem xét, trình lên UBND tỉnh cho chủ trương để Công ty Đoàn Chính Nghĩa lập hồ sơ, khai thác hơn 70.000m3 cát này là hợp lý. Còn việc công ty báo cáo với số liệu đã khai thác trong vòng 5 năm từ 2011-2016 thực ra là báo cáo trốn thuế, không trung thực”, ông Thiềm cho hay.