Bị chồng chửi suốt đêm, người phụ nữ uống thuốc tự tử

Mỗi khi chồng có rượu thì ông chửi như bị điên cuồng, chửi từ 18h tối có khi đến 1-2h sáng cũng không cho ngủ. Không chịu được thì uống thuốc tự tử.

Bạo lực gia đình đã để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình và xã hội. Tại Đắk Lắk, nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, những năm qua, tình trạng bạo lực gia đình đã có những dấu hiệu chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vấn nạn này vẫn còn là vấn đề nhức nhối. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, rất cần sự lên tiếng của người trong cuộc.

Chị Trần Thị Bê, thôn 4, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana cho biết, hai vợ chồng chị sống với nhau đã được hơn 20 năm, thì có đến 15 năm phải sống trong cảnh bị chồng bạo hành về tinh thần.

Cán bộ Hội phụ nữ xã Quảng Điền đến nhà tuyên truyền về bạo lực gia đình cho chị em

Chị Bê kể, chồng chị vừa lười lao động, lại tối ngày làm bạn với “ma men”. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà một tay chị lo lắng. Vất vả là vậy, nhưng ngày nào chị Bê cũng phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề, xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Không chịu đựng nổi sự bạo hành của chồng, chị Bê phải tìm đến cái chết. May mắn, con trai kịp thời phát hiện và đưa chị vào bệnh viện cứu sống.

“Mình là người vợ, tất cả cái chi đều lo hết, mà ông chồng của tôi thì bị rượu chè, mỗi khi ông có rượu thì ông chửi như bị điên cuồng, chửi từ 18h tối có khi đến 1-2h sáng cũng không cho ngủ. Tới khi mình bực tức quá không nói được mình uống thuốc tự tử, uống hết một chai Vitôc nhỏ, sau đó được con đưa đi cấp cứu. Hai ba ngày mới tỉnh”, chị Trần Thị Bê đau xót kể lại.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Luận cùng ở thôn 4, xã Quảng Điền, mỗi khi chồng có chút hơi men trong người là bà lại bị mắng chửi, thậm chí còn bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Mỗi lần như vậy, bà Luận cũng chỉ biết nhẫn nhịn cho qua.

“Vợ chồng ai cũng có cãi qua cãi lại. Có rượu về thì cũng gây gây với mình. Mình thì nhịn thôi. Chứ nói to thì vợ chồng gây to ra thôi”, bà Luận chia sẻ.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phòng chống bạo lực gia đình huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, trong 10 năm qua, toàn huyện có gần 700 vụ bạo lực gia đình, trong số đó có hơn 430 vụ do nam giới gây ra. Bạo lực gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức như đánh đập gây thương tích; cưỡng bức trong quan hệ tình dục; dùng lời nhục mạ, chửi mắng, đe dọa…

Để hạn chế số vụ bạo lực gia đình, huyện Krông Ana đã thành lập 5 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình tại xã Quảng Điền; tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ hội, hội viên phụ nữ, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, gia đình hạnh phúc… thành lập 77 tổ hòa giải ở cơ sở.

Đặc biệt, đầu tháng 10 năm nay, UBND huyện Krông Ana đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra mắt mô hình “Nhà tạm lánh” tại xã Bình Hòa. Đây là nơi tạm lánh khẩn cấp, chăm sóc y tế, tư vấn pháp luật, ổn định tâm lý cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Trưởng ban Quản lý mô hình “nhà tạm lánh” xã Bình Hòa cho biết: “Mô hình tạm lánh này sẽ hỗ trợ tư vấn và kiến thức cho việc phòng tránh. Mô hình này cơ sở vật chất được đầu tư chăn chiếu mùng mền để sinh hoạt cho một người hoặc 2 mẹ con bị bạo lực đến đây tạm lánh trong vòng 1 đến 2 ngày, có đầy đủ thuốc men, thực phẩm trong hai ngày. Nếu ở lâu thì sẽ tìm giải pháp xin hỗ trợ. Mô hình này thì rất thuận lợi cho địa phương. Đến giờ này thì cũng chưa tiếp nhận trường hợp này. Chúng tôi cũng nói đùa với nhau rằng thành lập mô hình này thì càng thất nghiệp càng tốt”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tình trạng bạo lực gia đình tại Krông Ana trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Nếu như trong năm 2017, toàn huyện có 64 vụ bạo lực gia đình, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ có 32 vụ và không có vụ nào phải xử lý hình sự.

Bà Vũ Thị Thành Huế, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phòng chống bạo lực gia đình huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới, Phòng văn Hóa thông tin huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bạo lực gia đình, đồng thời yêu cầu các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình tại địa phương bám sát hơn nữa tới từng gia đình để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình.

“Tăng cường công tác tuyên truyền trên tất cả các mặt để không những chị em phụ nữ mà tất cả các thành viên trong gia đình ngày càng được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Thứ hai là tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch trung hạn, dài hạn về công tác phòng chống bạo lực gia đình. Thứ ba là kiện toàn các ban chỉ đạo, phân công cho từng thành viên để nắm tình hình, thứ tư là phối hợp với các phòng ban tổ chức các cuộc đối thoại với phụ nữ để nắm tình hình và để bạo lực gia đình ngày càng giảm”, bà Huế cho biết.

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, chính nạn nhân phải lên tiếng. Bởi khi nạn nhân vẫn cam chịu, im lặng, không dám lên tiếng khi bị đánh, bị xúc phạm thì bạo hành sẽ còn “đất sống”… Mỗi chị em hãy tự nhận thức rõ vai trò, để bạo lực gia đình không còn là nỗi lo đối với mỗi gia đình và toàn xã hội./.