Bệnh viện tỉnh: Thiếu trăm bề

Hầu hết bệnh viện ở miền Trung và Tây Nguyên không chỉ nhỏ về quy mô mà trang thiết bị y tế còn rất cũ kỹ và lạc hậu, đội ngũ y – bác sĩ thì thiếu nghiêm trọng nên bệnh nhân đến điều trị không thể yên tâm.

4BV_db88b

Nhiều trang thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa quá cũ kỹ có thể hỏng bất cứ lúc nào. Ảnh: Kỳ Nam

Ông Nguyễn Việt Hà, Trưởng Phòng Kỹ thuật – Thiết bị Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết mặc dù là BV lớn của khu vực nhưng nơi đây còn hàng loạt thiết bị y tế quá cũ, thường xuyên bị hư hỏng như máy đo điện tim, máy sốc điện, máy thở, máy đông máu tự động, máy đo nhãn áp không tiếp xúc, máy chạy thận…

Dễ gây chết người

Tối 25-2, khi các bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện công đoạn cuối của ca phẫu thuật ruột thừa cho một bệnh nhân thì điện cúp đột ngột. Do không có máy phát điện, ê kíp phẫu thuật phải tạm dừng khoảng 20 phút cho đến khi có điện trở lại. Trước đó, ở Khoa Sản, một thai phụ đang được sinh bằng phương pháp mổ thì mất điện, các bác sĩ phải dùng bông gạc chèn vết thương và sử dụng tạm thời đèn sạc để làm việc.

Về vụ việc trên, ông Nguyễn Việt Hà lý giải: “Máy phát điện công suất 500 KW của BV mua cả chục năm trước. Năm 2003, máy bị hỏng, phải sửa chữa để dùng tạm. Năm 2010, đơn vị kiến nghị với Sở Y tế mua máy mới nhưng không được chấp thuận”.

Tại BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, các máy X-quang, ST Scaner, đo điện não… đã “trùm mền” từ nhiều tháng qua vì hỏng hóc. “Chúng tôi đang đầu tư một máy siêu âm 4 chiều, một máy MRI với tổng giá trị khoảng 28 tỉ đồng và tiếp tục đầu tư thêm trên 100 tỉ đồng để mua các thiết bị khác” – ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, cho biết.

Chúng tôi thật sự choáng khi bác sĩ Trần Phúc, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, cho biết nếu đúng chuẩn thì đơn vị hiện còn thiếu khoảng… 500 thiết bị y tế, trong đó có nhiều loại rất quan trọng. “Phòng Cấp cứu phải cần đến 10 máy trợ thở nhưng chỉ có 3 cái. Gặp lúc nhiều bệnh nhân nguy kịch vào cấp cứu, các bác sĩ phải “bóp bóng” bằng tay” – bác sĩ Phúc lo ngại.

Nằm ghép và ngoài hành lang

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận BV luôn trong tình trạng quá tải. “Về mặt lý thuyết, BV có 1.000 giường bệnh nhưng nếu đúng chuẩn thì chỉ còn khoảng 650. Trong khi đó, số bệnh nhân thường xuyên lưu trú điều trị là khoảng 1.200 người” – bác sĩ Xáng cho biết.

Trong tháng 2 vừa qua, mỗi ngày, Khoa Nhi của BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 10-15 trẻ dưới 6 tuổi bị tiêu chảy cấp. Do phòng tiêu chảy của Khoa Nhi chỉ có 12 giường nên phải nằm 2 trẻ/giường. Một số khoa khác như Truyền nhiễm, Ngoại chấn thương chỉnh hình, Mắt, Sản… cũng trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm trên lối đi ở hành lang.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, cho biết quy định chuẩn của ngành y tế là 22 giường bệnh/10.000 dân nhưng nay chỉ mới đạt 18 giường. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Phú Yên, do quy mô hầu hết BV từ tuyến huyện đến tỉnh đều nhỏ nên tình trạng quá tải luôn ở mức 9%-20%, thậm chí có lúc lên đến 50%.

Chung thực trạng với các địa phương trên nhưng có lẽ cơ sở vật chất của BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận là xập xệ nhất. Về lý thuyết, BV có quy mô 500 giường nhưng thực tế chỉ khoảng 450, trong khi bệnh nhân lưu trú điều trị thường xuyên không dưới 500 người.

Gia Lai là một trong những địa phương “khá giả” ở khu vực Tây Nguyên nhưng cơ sở vật chất của hệ thống BV nơi đây cũng vẫn là điệp khúc: quy mô nhỏ, không đủ sức phục vụ! Bác sĩ Bạch Anh Hùng, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Gia Lai, thừa nhận: “Quy mô của BV là 600 giường, chúng tôi kê thêm gần 200 giường nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân”.

Khủng khiếp chất thải!

Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết điều lo lắng nhất của ngành y tế tỉnh này là chất thải ở 2 BV lao và tâm thần vì hệ thống xử lý đã xuống cấp trầm trọng.

Tại các BV ở Phú Yên, việc xử lý chất thải lỏng đều bằng hình thức… tự thấm xuống đất mà không có hệ thống lọc.

Lò xử lý chất thải rắn của BV Da liễu tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận mỗi năm trên 130 tấn chất thải của các BV công trên địa bàn TP Nha Trang. Thế nhưng, hiện lò xử lý này đã hư hỏng một số bộ phận, chất lượng hoạt động chỉ còn khoảng 40%.

Nguồn Người Lao Động