Ngày 13-6, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 660 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng tám lần so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt là trong những ngày đầu mùa mưa hiện nay, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân SXH nhập viện điều trị.
Các địa phương có nhiều người mắc SXH nhất, gồm: TP Buôn Ma Thuột với 228 trường hợp, còn lại tập trung ở các huyện: Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo… Điều đáng lo lắng, nhiều bệnh nhân SXH khi nhập viện điều trị trong tình trạng bệnh đã nặng.
Thống kê của Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho thấy, từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận và điều trị 223 trường hợp mắc SXH, phần lớn các bệnh nhân khi nhập viện trong tình trạng bệnh nặng.
Chỉ tính trong 10 ngày đầu tháng 6, Khoa Nhi tổng hợp đã tiếp nhận 37 ca bệnh, trong đó, có tám trường hợp trong giai đoạn SXH có dấu hiệu cảnh báo với các triệu chứng lâm sàng của SXH kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, vật vã, li bì…
Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay mới vào đầu mùa mưa ở Tây Nguyên, chưa phải là đỉnh dịch, nhưng những ngày gần đây, số trường hợp mắc SXH vào điều trị tại khoa tăng cao; đặc biệt, nhiều trường hợp mắc bệnh vào viện trong tình trạng nặng.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Phạm Văn Lào phân tích, bệnh SXH tăng cao ngay trong tháng đầu mùa mưa năm nay do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng nhất là Đắk Lắk vừa trải qua đợt khô hạn nặng, người dân phải dự trữ nước sinh hoạt trong các lu, thùng phuy, chum, vại… đây là môi trường thuận lợi cho muỗi nói chung và muỗi truyền bệnh SXH nói riêng phát triển. Bên cạnh đó, Đắk Lắk nằm gần các tỉnh là ổ dịch SXH như: Khánh Hòa, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, hằng ngày, lượng người đi lại giữa Đắk Lắk với các các tỉnh, thành phố này khá lớn nên rất dễ bị muỗi đốt dẫn đến lây lan mầm
Trong khi đó, tỉnh Đắk Lắk có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân số đông, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 1/3 dân số và chủ yếu sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp nên nhiều người chưa nắm đầy đủ các biện pháp phòng bệnh SXH. Công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh nói chung, phòng chống bệnh SXH nói riêng chưa được triển khai thường xuyên và hiệu quả.
Nhằm ứng phó với nguy cơ bệnh SXH có thể bùng phát thành dịch, hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa, ngành y tế Đắk Lắk cũng chuẩn bị phương tiện, vật tư, hóa chất, cơ sở điều trị cho phòng chống SXH; phun hóa chất chủ động tại những địa phương có số ca mắc cao trong năm trước. Đồng thời, tổ chức tập huấn giám sát, xử lý ổ dịch, phác đồ điều trị cho cán bộ y tế từ tuyến tỉnh, huyện đến tuyến xã.
Là người trực tiếp khám, điều trị cho các bệnh nhân SXH, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, trong thời điểm đầu mùa mưa hiện nay, thời tiết mưa nhiều nhưng khí hậu nóng bức là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, trong khi đó, trẻ lại đang nghỉ hè, hay chơi ở ngoài trời nên dễ bị muỗi đốt dẫn đến mắc bệnh SXH. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi phát hiện con em mình có dấu hiệu mắc bệnh SXH cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp, nếu để bệnh nặng mới nhập viện điều trị có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.