Bất an những cây cầu dân sinh

Hơn 1/3 trong số 400 cây cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, nguy cơ xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.

vovgiaothong_dak_lak_bat_an_nhung_cay_cau_dan_sinh_5
Người dân thôn 16 xã Ea Bar hàng ngày vẫn phải đi qua cây cầu dân sinh xập xệ (Ảnh: Hoàng Qui)

Hơn 1/3 trong số 400 cây cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Nguy cơ xảy ra sự cố về an toàn rình rập xảy ra bất cứ lúc nào. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.

Cây cầu dân sinh có tên là Ông Lù (bắc qua suối Ea Kning thôn 16 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài 14 mét, rộng 3 mét xuất hiện dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Những thanh gỗ làm cầu đã bị mục nhưng phải oằn lưng chịu tải. Để sản xuất nông nghiệp của hơn 500 hộ dân ở đây không bị gián đoạn, người dân phải đóng đinh, bắc thêm gỗ lên cây cầu có tuổi thọ gần 40 năm.

Ông Nguyễn Đức Thông, sống tại thôn 16, xã Ea Bar đang vác những bao phân nặng đến 50 ki lô gam sang cánh đồng bên kia cầu. Dù biết nguy hiểm vì có nhiều trường hợp đi qua cầu bị ngã, nhưng phải đầu tư chăm bón cho 2 hecta cà phê kịp thời vụ, nên người nông dân này không còn cách nào khác.

Ông Thông cho biết: “Người dân có nỗi khổ ghê gớm, mỗi lần mưa đi qua lại rất là cực khổ, con em đi học về là trơn trượt, có mấy đứa học sinh đi học về té dưới cầu là chuyện thường, xay 1 bao gạo hay 1 bao lúa, hay là vận chuyển từng kí phân cũng phải vác qua”.

Cây cầu khác ở thôn Noh Prông, thuộc xã Hòa Phong, huyện Krông Bông với chiều dài 50 mét, rộng 1,5 mét gắn liền sản xuất nông nghiệp của hơn 200 hộ dân với 500 ha cây trồng các loại. Mùa lũ nước sông Krông Ana dâng cao và chảy xiết, cuốn trôi nhiều tấm ván trên cầu tạo thành những lỗ hổng lớn, làm cho giao thông bị cản trở, sản xuất nông nghiệp của bà con gặp khó khăn. Cây cầu này còn cản trở việc dạy và học của giáo viên và học sinh nơi đây.

vovgiaothong_dak_lak_bat_an_nhung_cay_cau_dan_sinh_51
Cầu ở thôn Noh Brông đã mất nhiều thanh gỗ (Ảnh: Hoàng Qui)

Nằm cách cầu 1,5 km mét, vào những tháng cao điểm mưa lũ Tây Nguyên, những giáo viên dạy ở phân hiệu 4, của trường tiểu Học Cẩm Phong không thể đến trường vì dòng sông Krông Ana dâng cao nuốt chửng cây cầu. Thầy và trò chỉ biết ngồi nhà chờ… lũ rút mới đến trường.

Ông Nguyễn Ngọc Thế, hiệu trưởng trường tiểu học Cẩm Phong, cho biết: “Những hôm trời mưa lũ, giáo viên đi dạy học thì không đi được, vượt qua được thì cũng phải mất một thời gian khá dài, cho nên vào đến lớp bị chậm trễ mặc dù giáo viên có rất nhiều cố gắng. Đối với giáo viên trong trường cũng có những trường hợp bị rơi cầu, may mắn là chưa đến mức độ nghiêm trọng, đến giờ phút này thì thiệt hại chưa có, nhưng mà đối với người dân thì đã có”.

Ông Đỗ Bình Chính, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Tháng 7/2015, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi Ban Quản lý dự án 6 thuộc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cấp vốn xây mới 155 cây cầu dân sinh thuộc các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh với tổng kinh phí gần 460 tỷ đồng. Tuy nhiên vốn còn nằm ở đâu rất xa thì mùa lũ và những tiềm ẩn về sập cầu, trôi cầu thì đã cận kề trước mặt.

Ông Đỗ Bình Chính cho hay: “Từ năm 2014 đến nay, do tình hình tai nạn và mức độ không đảm bảo an toàn của những cây cầu này trong việc giúp người dân qua lại, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có chủ chương huy động các nguồn vốn, trong đó có hỗ trợ của ngân sách nhà nước, gần đây đã đề nghị và được Ngân hàng thế giới giải quyết vốn để xây dựng cầu trong cả nước, đặc biệt trước mắt là đối với các tỉnh miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên”.

Trước khi cầu được cấp vốn tu sửa, làm mới, Sở Giao thông Vân tải tỉnh Đắk Lắk cần rà soát lại chất lượng của các cây cầu dân sinh, tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn mọi người đừng bất cẩn khi phải qua những cây cầu này.

Nguồn Vov.vn