Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên bằng ngân hàng dữ liệu

Dự án Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể tại Kon Tum đi vào sử dụng đã góp phần bảo tồn và đưa văn hóa Kon Tum nói riêng và văn hóa Tây Nguyên giới thiệu rộng rãi đến công chúng của cả nước.

avatar.aspx

Tại Kon Tum, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên đã bước đầu được sưu tầm, bảo tồn và phát huy thông qua dự án này.

Trạm vệ tinh được đặt tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum với ba phòng gồm phòng biên tập, phòng xem chung và phòng truy cập chuyên sâu cùng với các trang thiết bị phục vụ cho người dân và du khách đến tìm hiểu.

Ông Nguyễn Xuân Hóa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kon Tum cho biết hiện nay, Bảo tàng đang khẩn trương cùng với ngành văn hóa thu thập tư liệu, hình ảnh về các lễ hội văn hóa, phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhằm kết nối với cả nước.

Dù mới đi vào hoạt động, nhưng lực lượng cán bộ của Bảo tàng đã sưu tầm được 33 phim ngắn các loại về lễ hội trên địa bàn như lễ hội ăn trâu của dân tộc Jẻ Triêng, lễ hội mừng nhà Rông mới của dân tộc Gia Rai, lễ cúng máng nước của dân tộc Xê Đăng, lễ cầu an của dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao)…

Ngoài ra, Bảo tàng cũng đang xúc tiến làm phim tư liệu về tục cúng truyền thống tại đình Lương Khế (thành phố Kon Tum), nghề làm bầu đựng nước và nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Ba Na…

Anh Mai Văn Nhưng, cán bộ bảo tàng tỉnh Kon Tum, người trực tiếp phụ trách Trạm vệ tinh tại Kon Tum cho biết các hoạt động văn hóa hay cuộc sống đời thường của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum là những hoạt động diễn ra thường xuyên nhưng từ trước đến nay ít được cơ quan chức năng quảng bá, giới thiệu cho người dân và du khách trong cả nước biết và tìm hiểu. Thông qua dự án, mọi mặt cuộc sống của người dân Tây Nguyên sẽ được bảo tồn và lưu trữ lại, đồng thời kết nối với cả nước.

Dự án Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể tại Kon Tum do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đầu tư với tổng giá trị 3,5 tỷ đồng.

Cán bộ của dự án thu thập tư liệu, ghi chép hình ảnh những di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, sau đó sẽ làm thành chương trình giới thiệu cho công chúng, khách du lịch đồng thời nhập vào “kho” Ngân hàng dữ liệu của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Bên cạnh đó, Trạm tiếp nhận các sản phẩm của Ngân hàng dữ liệu phục vụ lại tại địa phương.

Là một trong số ít tỉnh được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chọn triển khai dự án, Kon Tum là địa phương nằm trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận; đồng thời tỉnh có nền di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú với sáu dân tộc bản địa sinh sống. Kon Tum được xem như một miền đất của lễ hội.

Đó là những lễ hội xung quanh vòng đời người như lễ thổi tai, lễ cúng đau ốm, lễ cưới, lễ tang, lễ bỏ mả… đến những lễ hội về sản xuất, trồng trọt như lễ chọn đất rẫy, lễ phát rẫy, lễ tỉa lúa, lễ ăn lúa giống thừa, lễ ăn lá lúa, lễ rước hồn lúa, lễ thu hoạch lúa, lễ mừng lúa mới, lễ mở cửa kho lúa… và lễ hội về sự tồn tại và phát triển của cộng đồng như lễ cúng bến nước, lễ mừng nước giọt, lễ bắc máng nước, lễ mừng nhà Rông mới, lễ mừng năm mới.

Bên cạnh đó, cộng đồng dân tộc thiểu số ở Kon Tum còn có những tập quán, tập tục và cả những nhạc cụ, những làn điệu dân ca mượt mà, những bài sử thi hào hùng mang đậm chất Tây Nguyên.

Kho tàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể tại Kon Tum được hòa vào văn hóa chung của cả nước trong Ngân hàng dữ liệu để mọi người dân và du khách dễ dàng tìm hiểu; góp phần đưa Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên lên tầm cao mới.

Các di sản văn hóa giá trị khác như nhã nhạc cung đình Huế, hát then, quan họ Bắc Ninh… cũng được người dân Kon Tum đón nhận và tìm hiểu thông qua Trạm vệ tinh. Đây sẽ là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những ai yêu mến văn hóa Việt Nam./.