Vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống Tây Nguyên đã được đặt ra từ lâu với sự đầu tư đặc biệt, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, dẫn đến nhạt phai, mai một. Thực tế rất đáng lo ngại trên cho thấy công tác bảo tồn cần xác định lại cách tiếp cận vấn đề. Bảo tồn văn hóa nói chung, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên nói riêng là hướng tới mục đích phát triển bền vững xã hội. Ðiều đó có nghĩa, cần bảo tồn có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn gắn liền với khai thác, phát huy các giá trị truyền thống. Hay nói cách khác, bảo tồn trong sự phát triển…
Nhận diện một vùng văn hóa
Nói đến văn hóa Tây Nguyên không nên nói bản sắc chung chung mà phải là bản sắc văn hóa tộc người, bởi đây là một hệ thống mà các thành tố của nó là văn hóa các tộc người. Nhận diện và khái quát được bản sắc văn hóa tộc người là vấn đề rất khó khăn, nhưng công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống phải bắt đầu từ những dấu hiệu bao gồm giá trị tinh thần, tồn tại tương đối lâu dài, có tác dụng chi phối các đặc điểm khác, cũng như khu biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác.
Từ những vấn đề chung ở trên, có thể đặt ra: Khi nào và ai có thể nhận diện và khái quát được bản sắc văn hóa trên cơ sở những phương diện cơ bản của văn hóa truyền thống Tây Nguyên? Trong tiến trình phát triển, bất kỳ nền văn hóa nào cũng trải qua quá trình giao lưu, hội nhập có thể là theo cách “cưỡng bức” hoặc “tự nguyện”. Chính sự “va đập” đó đã giúp người ta nhận ra được những giá trị đặc trưng tạo ra bản sắc của một nền văn hóa. Chỉ có chủ thể của văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là các già làng, các nghệ nhân dân gian, các trí thức dân tộc và các nhà nghiên cứu văn hóa mới có thể thực hiện được nhiệm vụ mang đậm chất định tính đó…
Hiện trạng đáng lo ngại
Các bộ sưu tập và các công trình nghiên cứu đã chỉ ra được những giá trị đặc sắc về các phương diện cơ bản của văn hóa truyền thống Tây Nguyên từ văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức xã hội, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, xã hội… Hiện nay, cần đặt những yếu tố truyền thống trên cơ sở hồi cố, truy nguyên và mô tả trong xã hội hiện đại để thấy rõ sự biến đổi có thể theo chiều hướng tiếp biến hoặc theo chiều hướng mai một bản sắc. Nếu theo cách nhìn này, chúng ta có thể luận giải về một số phương diện cơ bản của văn hóa truyền thống Tây Nguyên trong xã hội đương đại.
Tín ngưỡng đa thần của đồng bào Tây Nguyên luôn gắn liền với các nghi lễ nông nghiệp. Từ đó hình thành một hệ thống lễ hội: từ lễ cúng Thần đất, Thần núi, Thần bến nước… đến cầu mùa, mừng lúa mới, kết bạn, bỏ mả… Hiện nay, trong điều kiện tự nhiên bị phá vỡ kéo theo tập quán mưu sinh thay đổi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các tôn giáo, lễ hội truyền thống chỉ còn lại lễ cầu mùa và lễ bỏ mả. Thay vào đó là các lễ hội mới do các cấp tổ chức hằng năm. Ở đó, vẫn có nghi lễ cầu Thần, có hiến tế, có diễn tấu cồng chiêng và giao lưu văn nghệ nhưng ý nghĩa và giá trị tinh thần đã được chuyển dịch.
Ðiều hành xã hội bằng luật tục và thiết chế cổ truyền là một biểu hiện độc đáo của xã hội các dân tộc Tây Nguyên. Khi chưa có luật pháp, công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội chính là luật tục (tập quán pháp). Ðó là một hệ thống văn bản truyền miệng bằng văn vần chế định tất cả mọi phương diện của đời sống xã hội và được cả cộng đồng triệt để tuân thủ. Hiện nay, nhiều nội dung của luật tục mang tính hủ tục và có độ vênh, thậm chí trái với luật pháp nhưng vẫn có nhiều nội dung tích cực cần được khai thác.
Nghệ thuật diễn xướng và nhạc cụ cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên đang có nhiều biến đổi. Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cổ truyền được tiến hành rất nghiêm ngặt từ các bản tấu, nghệ nhân, không gian, hoàn cảnh đến chức năng cơ bản là tế lễ. Sau khi UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản phi vật thể đại diện của thế giới thì cồng chiêng đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng những giá trị truyền thống đã bị mai một nhiều, đặc biệt là mất đi không gian thiêng vốn dĩ của nó. Những đêm hát kể sử thi, những nhạc cụ dân tộc và các hình thức hát dân ca, dân vũ vẫn được duy trì nhưng thiếu linh hồn vì tâm lý, ý thức cộng đồng và không gian diễn xướng thay đổi.
Kiến trúc dân gian đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên chính là nhà rông, nhà dài và nhà mồ. Tuy nhiên hiện nay những loại hình kiến trúc đó đang mất dần và thay vào đó là những thiết chế văn hóa hiện đại, mà nhà văn hóa cộng đồng là một thí dụ. Ðiều đáng quan tâm là những thiết chế văn hóa đó lại xa rời truyền thống văn hóa của từng tộc người từ vị trí, kiến trúc, trang trí đến công năng.
Có thể nói thêm, nghề thủ công truyền thống của đồng bào chủ yếu là dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, đúc nhẫn bạc… Sản phẩm của các nghề này chứa một hàm lượng văn hóa tộc người rất cao nhưng hiện nay đang tồn tại lay lắt, thậm chí có một số nghề đã mất hẳn. Một vấn đề hết sức quan trọng khác, tiếng nói là biểu hiện sinh động và mạnh mẽ nhất của bản sắc văn hóa tộc người, nhưng hiện nay ở Tây Nguyên, hiện tượng quên dần tiếng mẹ đẻ đang diễn ra khá phổ biến. Ðiều này càng làm cho con người dần mất đi tâm hồn và tính cách, xa rời những giá trị cơ bản của văn hóa tộc người.
Bảo tồn theo quan điểm nào?
Sự biến đổi trên xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là quy luật phát triển của lịch sử – văn hóa; sự thay đổi của môi trường tự nhiên, xã hội; vấn đề bản lĩnh văn hóa trong việc xử lý các yếu tố ngoại lai và trách nhiệm của các cơ quan quản lý bởi cách làm hời hợt và áp đặt. Sự biến đổi cũng dẫn đến ba nguy cơ sau: Làm biến mất bản sắc văn hóa tộc người của một vùng văn hóa độc đáo; con người Tây Nguyên sẽ mất điểm tựa văn hóa từ đó dẫn đến xa rời cộng đồng, mất phương hướng tự điều chỉnh và tự giáo dục; phá vỡ tính ổn định và phát triển bền vững của xã hội.
Ðã đến lúc các cơ quan chức năng mà trực tiếp là những người làm công tác bảo tồn ở đây cần xác định lại cách tiếp cận về vấn đề này. Cụ thể, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên là bảo đảm để phát triển bền vững xã hội, cần bảo tồn có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm. Bảo tồn phải gắn liền với khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội, tức là bảo tồn động, bảo tồn trong sự phát triển. Cũng cần nhấn mạnh rằng, các cơ quan Nhà nước chỉ nên đóng vai trò định hướng, quản lý và huy động các nguồn lực phục vụ cho việc nghiên cứu và phục dựng các giá trị cổ truyền. Bởi lẽ, chính người dân – tác giả của những giá trị văn hóa đó là những người có khả năng nuôi dưỡng và phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống ấy.
* Việc bảo tồn văn hóa Tây Nguyên, cho dù tự phát hay có tổ chức, thì nhân tố quan trọng nhất vẫn là chủ thể văn hóa, tức là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó nòng cốt phải là các già làng, các nghệ nhân và trí thức dân tộc. Chỉ có họ mới đủ khả năng nhận diện bản sắc văn hóa, có ý thức, tâm hồn và niềm tự hào dân tộc từ đó hình thành động lực và sức mạnh nội tại để bảo tồn và phát triển văn hóa.
Vũ điệu mặt trời.
Cán bộ văn hóa về với buôn làng Tây Nguyên.